ĐH Quốc tế Hồng Bàng thu nhiều khoản phụ phí

Mũ bảo hiểm cũng đồng phục. Tuy nhiên, ông hiệu trưởng giải thích là “được tặng” cho sinh viên... - Ảnh: T.T.D.
Mũ bảo hiểm cũng đồng phục. Tuy nhiên, ông hiệu trưởng giải thích là “được tặng” cho sinh viên... - Ảnh: T.T.D.

Trong bảng hướng dẫn làm thủ tục nhập học dành cho các thí sinh của trường này có ghi rõ các bước phải thực hiện. Cụ thể: thí sinh phải lần lượt đóng các khoản học phí, đồng phục, bảo hiểm y tế và đăng ký câu lạc bộ. Thí sinh phải có đủ các loại biên lai đóng tiền mới được nộp hồ sơ học sinh - sinh viên để nhập học.

Những gương mặt bàng hoàng, ngơ ngác của phụ huynh, sinh viên ĐH quốc tế Hồng Bàng trước kho bán đồng phục của trường này, khi họ bị buộc phải mua những món hàng không cần thiết - Ảnh: Trần Huỳnh
Những gương mặt bàng hoàng, ngơ ngác của phụ huynh, sinh viên ĐH quốc tế Hồng Bàng trước kho bán đồng phục của trường này, khi họ bị buộc phải mua những món hàng không cần thiết - Ảnh: Trần Huỳnh

Tiền và tiền, cặp sách cũng “đồng phục”

Đóng thêm

Như vậy, bên cạnh học phí (từ 6,98-13,98 triệu đồng/năm, tùy ngành) thì nữ sinh viên Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng phải đóng thêm các khoản ngoài học phí 531.000 đồng (chưa kể tiền áo dài) và nam sinh viên đóng 601.000 đồng.

Chiều 23-9, một nữ sinh viên mới tên H. đội mưa đến trường làm thủ tục nhập học. Sau khi đóng học phí 9,98 triệu đồng/năm, khám sức khỏe 40.000 đồng, phí sinh hoạt câu lạc bộ 185.000 đồng, bạn tiếp tục hoàn tất một khoản nữa là phí đồng phục.

H. tìm đến kho đồng phục. Tại đây, bảng báo giá được dán ngay trước cửa phòng: “Cặp tài liệu: 138.000 đồng, áo sơmi dài tay 70.000 đồng, bộ áo dài nữ (giá tùy kích cỡ từ 138.000-171.000 đồng/bộ), đồng phục (giáo dục thể chất, quốc phòng) 168.000 đồng, Tổng cộng: nam 416.000 đồng, nữ 346.000 đồng + áo dài”.

Kiểm tra số tiền ít ỏi còn lại của mình, H. rụt rè: “Em có túi xách rồi, không cần mua cặp. Hiện em không đủ tiền, xin không mua cặp được không?”. Anh nhân viên bộ phận kho lắc đầu: “Nhà trường đã quy định, phải mua đủ”. H. lủi thủi đi ra. Một nam sinh viên khác sau khi đóng tiền, cầm chiếc túi ngao ngán: “Cái cặp chỉ đáng giá vài chục ngàn vậy mà trường buộc phải mua với giá 138.000 đồng”.

Trước đó, sáng cùng ngày hàng trăm thí sinh phải chen chúc nhau để đóng lệ phí đồng phục gồm các món này. Một phụ huynh chen từ 7g30 tới 11g vẫn chưa đóng được tiền, bức xúc: “Tôi không hiểu nổi trường này, đã là sinh viên rồi còn buộc phải mua đồng phục, cặp táp...”. Tại phòng “đăng ký sinh hoạt câu lạc bộ” cũng có hàng trăm sinh viên chen lấn nhau để đóng tiền.

Một bạn nữ sau khi đọc danh sách các môn học tự chọn với 17 môn (toàn các môn thể thao - PV) trong “phiếu đăng ký (sinh hoạt câu lạc bộ)” được dán ngay trước phòng, lo lắng hỏi: “Em chỉ thích các câu lạc bộ học thuật, các môn này em không chơi nổi. Em không tham gia được không cô?”. Một nhân viên thu tiền ngẩng mặt, kéo khẩu trang đáp: “Không thích cũng phải đóng tiền. Có cái biên lai này mới được nộp hồ sơ nhập học”. Bạn sinh viên cầm phiếu gạch chéo đại vô môn đá cầu.

Cặp “đồng phục” giá 138.000 đồng! - Ảnh: T.Huỳnh
Cặp “đồng phục” giá 138.000 đồng! - Ảnh: T.Huỳnh

“Biểu tượng tốt đẹp” của trường quốc tế (!?)

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhà trường bắt buộc sinh viên mua đồng phục của trường, để tạo phong cách quốc tế, tạo màu sắc riêng cho sinh viên trường. Tất cả bộ quần áo, cặp... đều do tôi thiết kế. Đây là biểu tượng tốt đẹp trong giới ĐH quốc tế!

Nếu muốn học trường này sinh viên, học sinh đều phải mua đồng phục. Tuy nhiên, nhà trường đã có hỗ trợ sinh viên trong việc này là giảm 15% so với giá gốc cho tất cả món đồ và tặng mũ bảo hiểm (trị giá 109.000 đồng/cái) cho mỗi sinh viên”.

Ông Hùng cho biết thêm: “Nếu sinh viên nào quá nghèo có thể làm đơn gặp trực tiếp tôi sẽ được miễn khoản tiền này”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối chiếu với bảng báo giá đồng phục này và phí sinh hoạt câu lạc bộ vào thời điểm năm học trước thì đều tăng 30%. Năm nay trường có khoảng 6.000 sinh viên, học viên (ĐH, CĐ và TCCN) nhập học. Khoản “mua bán” thêm này cũng có doanh thu không nhỏ.

Ông Hùng cũng giải thích về việc sinh viên phải tham gia câu lạc bộ thể thao: “Các câu lạc bộ võ thuật, thể dục thể thao các em tự nguyện tham gia để được rèn luyện. Mục đích của nhà trường nhằm giáo dục kỹ năng cho sinh viên hòa nhập xã hội khi ra trường”. Tự nguyện có thể học hay không nhưng việc đóng tiền thì bắt buộc!

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Độc giả NGUYỄN XUÂN HOÀI (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận, e-mail: xuanhoai...@gmail.com):

Có thể đồng phục quần áo là chấp nhận được nhưng cặp nón cũng đồng phục nữa là điều vô lý. Tôi không hiểu sao những người có thâm niên, kinh nghiệm trong ngành giáo dục như ông Hùng lại có suy nghĩ bất cập như vậy. Hy vọng ông Hùng đặt mình vào vị trí của các tân sinh viên, đặt mình vào một sinh viên nghèo để có những quy định tốt hơn. 

Độc giả NGUYỄN HẢI ANH (Cầu Giấy, Hà Nội, e-mail: haanh...@yahoo.com):

Đúng là khó lòng mà chấp nhận được sự giải thích của vị hiệu trưởng. Tôi từng là sinh viên mà đã là sinh viên thì đâu phải ai cũng có điều kiện. Không lẽ trường chỉ chú trọng đến hình thức? Tôi nghĩ ở đây nên tạo môi trường học tập thật tốt cho sinh viên, như chuẩn quốc tế thì rất đáng trân trọng. Còn mấy thứ đồng phục, quần áo, cặp sách đến cả việc đăng ký câu lạc bộ, hãy để sinh viên tự nguyện. Họ đều đã trưởng thành và không phải là học sinh cấp 1.

Theo TRẦN HUỲNH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm