Dẹp ngay những trò chơi tập thể phản cảm

Mạng xã hội vừa một phen sửng sốt khi chứng kiến trò chơi phản cảm, quá lố ở một trường THPT tại Cần Thơ. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên những trò chơi phản cảm như thế này được đăng tải lên mạng xã hội (MXH).

Vui hay quá lố?

Trong clip, các em học sinh (HS) nam nữ đã đè lên nhau, môi kề môi để chuyền một tấm thẻ mỏng, sau đó lại lăn qua chuyền cho người khác. Hiệu trưởng nhà trường cho hay trò chơi này do ban chấp hành Đoàn trường tổ chức cho các em HS chơi, làm quen với bạn bè, nhà trường vào đầu năm học. Trò chơi trên có xuất xứ từ Nhật, không phải do trường nghĩ ra. Nhưng nó chỉ thích hợp với sinh viên (SV), đối với HS thì là phản cảm.

Trước đó, trên MXH xuất hiện nhiều clip phản cảm tương tự. Quản trò cho buộc những quả bóng bay vào bụng, lưng người chơi, người khác phải ép chặt thân mình vào để làm bể những quả bóng. Hoặc trò chơi thi hít đất của nhiều lớp SV. SV nữ nằm dưới, SV nam chống tay hít đất phía trên các bạn nữ. Chưa biết ai sẽ thắng nhưng kết thúc luôn là SV nam sẽ nằm đè lên bạn nữ sau khi không thể chống đẩy tiếp được nữa.

Hoặc gần đây là một clip quản trò cho các nam thanh niên buộc dưa leo vào gần vị trí nhạy cảm để cho các bạn nữ bịt mắt ăn hết quả dưa đó. Clip này đang bị phản ứng dữ dội nhưng được giải thích là trò chơi tập thể của các bạn trẻ trong một công ty.

Một trò chơi tập thể phản cảm bị dư luận phản ứng.

Đừng tưởng trò chơi là vô hại

Anh Phạm Phúc Thịnh, phụ huynh có con lớn đang là SV ĐH, con út đang học lớp 12, bức xúc bày tỏ: “Có vẻ như người ta đang dạy bọn trẻ chẳng cần biết quý trọng bản thân mình nữa”. Chị Hoàng Anh than thở: “Những sự việc này làm ngành giáo dục và Đoàn thanh niên bị mang tiếng xấu, mất đi sự tôn trọng của nhiều người. Tôi thấy đau lòng quá!”.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những ý kiến xoa dịu, bênh vực. Một bạn trẻ viết: “Theo cháu, trò chơi này không xấu, tại văn hóa phương Đông ăn quá sâu nên mọi người thích nói chuyện đạo lý. Nếu nghĩ bình thường thì nó là bình thường”. Nhiều bạn trẻ khác đồng tình: “Chỉ là trò chơi cho vui thôi mà!”.

ThS tâm lý Tô Nhi A, giảng viên ĐH, cho biết những trò chơi như thế này đã xảy ra nhiều nơi và sẽ là nguy hiểm nếu mọi người mặc định đó là chuyện bình thường. Đặc trưng của độ tuổi dậy thì là phát triển rất nhanh nhưng mất cân bằng. Những hormone sinh dục để khởi tạo những hoạt động sinh dục ở độ tuổi này đã hình thành và phát triển mạnh, sự tò mò về giới tính ở biên độ cực kỳ cao. Nhưng các em chưa đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn và chưa có đủ các giá trị sống để kiểm soát hành vi. Trò chơi đó đã gây ra những đụng chạm trực tiếp ở vùng nhạy cảm của cơ thể, gây ra những xung động kích thích lớn, vi phạm hàng loạt nguyên tắc giáo dục và nguyên tắc chống lạm dụng tình dục”.

Bà Tô Nhi A không đồng tình việc lãnh đạo nhà trường cho rằng ở nước Nhật có trò chơi này nên các bạn trẻ đã học theo. Bà nói: “Nguyên lý học tập các nền giáo dục khác là phải chọn lọc. Không phải cái gì nước khác làm được thì nước mình cũng làm được. Cũng không phải cái gì diễn ra ở xứ văn minh thì tất nhiên nó cũng văn minh. Trò chơi này một thứ rất kém lành mạnh”. Theo đó, mọi hoạt động giáo dục trong nhà trường, bao gồm vui chơi cũng phải mang mục tiêu phát triển con người. Trước hết là cung cấp những giá trị nhân bản tốt đẹp. Thứ hai là phải làm cho con người hiểu đúng về mình trong các mối quan hệ xã hội, từ đó lựa chọn những hành vi đẹp hơn, văn minh hơn để tham gia vào đời sống cộng đồng.

Bộ GD&ĐT yêu cầu ĐH Cần Thơ, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ kiểm tra, xác minh vụ việc, làm rõ mức độ vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định và báo cáo về Bộ trước ngày 30-8.

Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HS-SV yêu cầu: Tất cả trò chơi (trên mạng và trực tiếp) cũng như các hoạt động liên quan đến HS-SV đều không được mang tính chất nhạy cảm, bạo lực… Yêu cầu phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, tâm sinh lý lứa tuổi, mục tiêu giáo dục toàn diện người học. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm