Đề tuyển sinh lớp 10 đổi mới, sát thực tiễn

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM năm nay có gần 88.000 thí sinh dự thi, trong đó có 80.361 học sinh thi vào trường bình thường, 6.984 học sinh thi vào trường THPT chuyên.

So với những năm trước, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay được đánh giá là có bước đột phá ở khâu ra đề thi, nhất là đề thi môn toán, với nhiều kiến thức về thực tiễn cuộc sống.

Đề văn khá hay, mang hơi thở cuộc sống

Bước ra phòng thi, nhiều thí sinh nở nụ cười rạng rỡ vì đề thi vừa sức, có tính mở, khiến các em có thể tự do bày tỏ quan điểm của mình trước một vấn đề.

Tại điểm thi Trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp, em Lê Trần Thanh Thủy, học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, cho biết đề văn khá thú vị. “Em thích nhất là câu nghị luận xã hội đề cập đến tình cảm của cha mẹ và con cái. Thay vì đề bài ghi ra một đoạn văn yêu cầu chúng em bày tỏ thì đề thi này lại vẽ ra những hình tròn thể hiện các mối quan hệ. Em viết về tính tích cực cũng như tiêu cực về sự bao bọc, che chở của cha mẹ đối với con cái. Em khá tự tin về bài làm của mình” - em Thủy nói.

Cô Lệ Quyên, giáo viên văn Trường THCS Lý Tự Trọng, cho biết cô cảm thấy rất tâm đắc với đề văn năm nay. Cô Quyên cho hay đề bám sát nội dung chương trình, lại mang hơi thở cuộc sống khi đề cập đến mối quan hệ giữa cha mẹ-con cái. Mặt khác, đề ra cũng thể hiện được sự liên môn giữa các môn học và phát huy được tính sáng tạo của học sinh.

“Tôi ấn tượng nhất là câu nghị luận xã hội. Cách thể hiện của câu hỏi rất thú vị và cho học sinh có sự chọn lựa bày tỏ cách hiểu của mình mà không có sự rập khuôn vào kiến thức mà các em đã học sẵn. Đề thi đã bắt đầu có chỗ cho học sinh tự tư duy và thể hiện cá tính của mình” - bà Quyên nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, thầy Hoàng Long Trọng, tổ trưởng bộ môn ngữ văn, Trường THCS Văn Lang, quận 1, cho biết đề văn có tính thực tế cao, hướng học sinh đến các vấn đề của xã hội như rác thải môi trường, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đề có tính giáo dục, phù hợp với yêu cầu đổi mới trong việc đánh giá năng lực học sinh. Dự đoán phổ điểm năm nay sẽ tương đương năm trước.

Học sinh trao đổi bài sau bài thi môn toán tại điểm thi Trường THCS Hoa Lư, quận 9. Ảnh: THỦY TRÚC

Môn Anh văn điểm 9, 10 sẽ không nhiều

Khác với môn văn buổi sáng, chiều 2-6, sau khi kết thúc môn tiếng Anh, bước ra phòng thi, nhiều thí sinh rất căng thẳng và mệt mỏi vì đề năm nay khó, có sự liên hệ với thực tế.

Tại hội đồng thi THPT Trưng Vương, em Nguyễn Xuân, học sinh Trường THCS Đức Trí, quận 1, chia sẻ: “Đề thi có 36 câu, trong đó có tới 10 câu khó. Em đã từng giải đề các năm nhưng đề năm nay khó hơn nhiều. Khó là do có nhiều từ vựng mới em chưa được học. Mặt khác, phần True False cũng hơi hóc búa. Phần này gồm sáu câu, em chỉ làm được khoảng ba câu thôi”.

Đánh giá về đề thi, cô Trương Thị Kiều Dung, giáo viên môn tiếng Anh, Trường THCS Lữ Gia, quận 11, bày tỏ: “Đề hay, vừa có phần nhiều kiến thức trong chương trình, vừa có liên hệ thực tế. Qua đề thi này, học sinh có thể đạt được điểm 6, còn muốn được điểm 7 trở lên thì học sinh đó phải có bề dày về kiến thức, rất khó có điểm 8, 9, 10. Bởi phần trắc nghiệm với phần đoạn văn điền khuyết chủ đề hơi lạ, mặc dù cũng có hơi hướng nằm trong chương trình, những từ trong bài mang tính chất phân loại cho nên chỉ học sinh khá, giỏi mới làm được. Năm nay đề hay, phân loại học trò rõ. Nếu học sinh khá, giỏi có vốn từ tốt, học ngữ pháp tốt sẽ làm bài tốt”.

Đề toán đa dạng, gắn liền thực tiễn

10 giờ ngày 3-6, sau khi kết thúc môn toán, nhiều học sinh cho biết đề thi năm nay có nhiều câu hỏi liên quan đến thực tế. Tại điểm thi Trường THCS Quang Trung, quận Gò Vấp, em Nguyễn Mai Anh, học sinh Trường THCS An Nhơn, chia sẻ: “So với đề thi các năm trước em đã từng giải, đề thi năm nay có sự đổi mới. Điều đó thể hiện các câu hỏi liên quan đến toán thực tế rất nhiều, hơn nữa đề thi khá dài. Cho nên em không thể làm hết được tất cả các câu”.

Tương tự, em Kim Ngân, Trường THCS Hoa Lư, cho hay đề thi có những câu hỏi gắn liền với thực tiễn như việc giảm giá ở siêu thị, gắn với các vấn đề địa lý, nhiệt độ ở TP.HCM, kim tự tháp, học sinh giỏi sau lễ tổng kết năm học. “Tuy vậy, đề vẫn có một số câu hỏi hơi khó nên em không thể làm hết” - em Ngân nói.

Liên quan đến đề thi toán, thầy Trần Đăng Khoa, giáo viên toán Trường THCS Tân Túc, huyện Bình Chánh, chia sẻ mức độ phân hóa của đề thi khá cao, đề thi khá hay, vận dụng kiến thức thực tế khá nhiều. “Cho nên điểm số phổ biến của học trò có thể ở mức 6-7,5 điểm. Thế nhưng năm nay điểm 9, 10 sẽ nhiều hơn năm ngoái” - thầy Khoa nhận định.

Tương tự, thầy Hà Huy Nhàn, giáo viên toán Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp, nhận định: “Năm nay đề thi môn toán có sự đổi mới mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ. Đề có nhiều câu hỏi thực tế, phân hóa được học sinh. Đề hay nhưng rất dài, ngay cả học sinh giỏi làm cũng hết thời gian. Kiến thức thực tế trong đề chiếm 50%, rất đa dạng, phong phú, gần gũi với học sinh; trong đề có cả kiến thức sinh, lý, hóa, toán kinh tế, đòi hỏi học sinh phải học nghiêm túc và có sự quan sát với thực tế mới làm tốt”.

Ngày 10-7 công bố điểm chuẩn vào lớp 10

Kỳ thi lớp 10 năm nay có 560 học sinh vắng không lý do, trong đó có 512 học sinh trường thường và 48 học sinh trường chuyên.

Bắt đầu từ ngày 4-6, các thành viên hội đồng sẽ làm phách bài thi, thảo luận đáp án và ngày 6-6 sẽ chính thức chấm bài. Dự kiến ngày 13-6, Sở sẽ công bố kết quả kỳ thi và thí sinh đến trường THCS, nơi đã học lớp 9 để xem và nhận phiếu báo điểm bài thi của mình.

Sau khi có kết quả điểm thi, thí sinh có quyền phúc khảo. Thí sinh nhận và nộp đơn phúc khảo tại các trường THCS, nơi đã nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đến ngày 15-6.

Ngay sau đó, ngày 14-6, Sở sẽ công bố điểm chuẩn vào từng lớp chuyên cụ thể của sáu trường: THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Nguyễn Hữu Huân, Mạc Đĩnh Chi.

Ngày 19-6 sẽ công bố kết quả phúc khảo. Ngày 10-7 sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 và danh sách học sinh trúng tuyển vào các trường THPT.

Ông LÊ HOÀI NAMPhó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Đà Nẵng: 14.000 thí sinh thi vào lớp 10

Sáng 3-6, gần 14.000 học sinh Đà Nẵng bước vào kỳ thi lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2018-2019.

Theo Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, năm học 2018-2019, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT công lập là 10.275 học sinh/263 lớp. Như vậy, có hơn 3.000 em sẽ phải tìm cơ hội học tập ở các trường ngoài công lập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm