Đề thi tham khảo THPT năm 2021: Khá “dễ thở”

Đề thi năm nay được đánh giá ổn định về mặt cấu trúc, độ phân hóa cao, phù hợp xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học.

Môn ngữ văn: Khó lấy điểm 8

Cô Lưu Mai Tâm, giáo viên (GV) Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương, nhận xét đề thi môn ngữ văn có cấu trúc sát với đề thi chính thức năm 2019-2020. Phần đọc hiểu khá nhẹ nhàng, câu nghị luận xã hội nêu rõ yêu cầu nghị luận, phù hợp với dung lượng đoạn văn. Nội dung có tính thời sự, mang tính giáo dục, nhân văn, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.

Phần nghị luận văn học dạng quen thuộc với đề thi các năm 2015, 2017 và 2019. Học sinh (HS) cần phân tích hình tượng nhân vật trong đoạn trích để nhận xét tính trữ tình của bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sự phân hóa thể hiện ở chỗ HS phải nhận xét về một đặc điểm trong phong cách nghệ thuật của tác giả.

“Đề thi này HS dễ lấy 6, 7 điểm. Còn muốn đạt điểm 8 cần nắm vững hơn kiến thức, kỹ năng làm bài, nhạy bén với thực tế, sáng tạo trong diễn đạt” - cô Tâm nhấn mạnh.

Môn toán: Khó hơn năm 2020

Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, GV Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, nhận định cấu trúc đề tương tự năm trước nhưng độ phân hóa cao hơn. Năm 2020, những câu khó tập trung vào kiến thức kỳ I lớp 12, còn năm nay câu hỏi phân loại HS rải đều ở cả hai học kỳ.

Trong đề thi, kiến thức lớp 11 chiếm năm câu, còn lại là lớp 12 với 35 câu mức độ dễ, các câu sau độ khó tăng dần. Phổ điểm chủ yếu là điểm 7 và 8, muốn đạt điểm 9, 10 HS phải thực sự xuất sắc, am hiểu nhiều dạng toán và rèn luyện thường xuyên.

Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến diễn ra trong hai ngày với năm bài thi: Ba bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ), một bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc một bài thi tổ hợp khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân). 

Tổ hợp khoa học tự nhiên: Phân hóa tốt

Thầy Lê Tấn Hậu, Tổ trưởng chuyên môn môn vật lý, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM, cho biết cấu trúc đề gồm 40 câu, trong đó 75% là lý thuyết và bài tập cấp độ dễ, 25% là bài tập tính toán cần sự phân tích.

Về nội dung, 36 câu thuộc kiến thức lớp 12 và bốn câu lớp 11 (không có phần quang học). Đề ở mức độ vừa phải, chia thành bốn mức: 18 câu nhận biết, 22 câu thông hiểu, tám câu vận dụng và hai câu vận dụng cao. Kiến thức lớp 11 chỉ dừng ở mức nhận biết và thông hiểu, các câu vận dụng tập trung ở học kỳ I lớp 12 (dao động, sóng và điện xoay). “Nhìn chung đề năm 2021 chỉ khó hơn đề năm 2020, so với các năm trước nữa thì dễ hơn” - thầy Hậu nhận định.

Đề môn sinh học được cô Lê Thị Trang, GV Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TP.HCM, đánh giá tương đối nhẹ nhàng, độ phân hóa rõ ràng, kiến thức trải đều các chương trong nội dung ôn tập lớp 12. Trong đó mức nhận biết chiếm 20 câu, kiến thức thông hiểu 10 câu, kiến thức vận dụng sáu câu và vận dụng cao bốn câu. HS dễ dàng đạt điểm 6, điểm 7.

Thầy Lê Huỳnh Phước Hiệp, GV Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Tiền Giang, nhận xét đề thi hóa học đảm bảo yêu cầu của một đề thi tốt nghiệp và có sự phân hóa nhất định. So với đề thi tốt nghiệp năm 2020, đề năm nay có nhiều câu hỏi khó thuộc học kỳ II lớp 12. “Các trường ĐH, CĐ hoàn toàn có thể tham khảo kết quả kỳ thi này để tuyển sinh đầu vào” - thầy Hiệp nhấn mạnh.

Tổ hợp khoa học xã hội: Phần vận dụng khó hơn

Nhận xét về môn lịch sử, thầy Thiều Quang Thịnh, GV Trường THPT Long Thới, TP.HCM, cho biết cấu trúc đề thi ổn định với 75% nhận biết, thông hiểu và 25% vận dụng. Nội dung chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chỉ có bốn câu liên quan chương trình lớp 11. “Lưu ý những câu hỏi khó tập trung phần lịch sử Việt Nam. Đề yêu cầu đưa ra nhận định hoặc so sánh tính chất, đặc điểm những sự kiện quan trọng trong giai đoạn 1919 đến 1975” - thầy Thịnh nhắn nhủ.

Với đề thi môn địa lý, cô Võ Thị Kim Hiệp, GV Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, nhận định đề gồm hai câu kiến thức lớp 11 tập trung thực hành kỹ năng địa lý, kiến thức lớp 12 chiếm 95%. Đề có 30 câu mức độ nhận biết và thông hiểu, 10 câu còn lại gồm sáu câu vận dụng thấp và bốn câu vận dụng cao. “Phần vận dụng cao trong đề năm nay khó hơn năm 2020 và phù hợp để xét tuyển ĐH, CĐ” - cô Hiệp nói.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, GV Trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội, nhận định đề tham khảo môn giáo dục công dân ngoài kiểm tra kiến thức còn đề cập đến các vấn đề thời sự, giáo dục, các tình huống pháp luật thực tiễn trong đời sống.

Môn tiếng Anh phân loại cao

Nhận xét môn tiếng Anh, cô Hoàng Thị Hiền, GV Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ, cho hay đề có tính phân loại cao. Phần phát âm kiểm tra khả năng sử dụng đúng trọng âm đối với từ hai, ba âm tiết và cách phát âm một số âm đã học, phần ngữ pháp tương đối dễ, phần từ vựng rất cơ bản…

Cạnh đó, phần tình huống giao tiếp và đọc hiểu thuộc lớp 12. Phần viết kiểm tra gián tiếp một số kỹ năng viết cơ bản trong chương trình, câu hỏi có tính phân loại tương đối cao, từ cấp độ nhận biết cho đến vận dụng cao.

 Những trường hợp bị đình chỉ thi

- Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo.

- Mang vật dụng trái quy định tại Điều 14 quy chế này vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ.

- Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi.

- Viết, vẽ vào giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi.

- Có hành động gây gổ, đe dọa thí sinh khác và những người có trách nhiệm trong kỳ thi.

- Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm