Để người thầy ‘chạm đến trái tim học trò’

Làm thầy thật khó. Ngoài chuyên môn, nghệ thuật và tình yêu, các nhà giáo cho rằng muốn được học sinh (HS) tôn trọng trước hết người thầy phải là tấm gương, là người luôn lắng nghe và tôn trọng học trò.

Giáo dục bằng chữ “tâm”

Là một nhà giáo có kinh nghiệm trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội, cho biết muốn dạy học trò tốt thì trước hết giáo viên phải là một tấm gương mẫu mực.

“Bản thân tôi luôn cố gắng trở thành một tấm gương cho học trò noi theo từ việc nhỏ đến chuyện lớn. Cách đây một năm, trong một lần tôi đi dạo dưới sân trường, từ xa tôi đã trông thấy một que kem nằm chỏng chơ. Cạnh que kem là một nhóm HS đang trò chuyện. Lúc đó tôi đã là một ông già 70 tuổi. Tôi bước lại gần, lấy một tờ giấy, cúi xuống nhặt que kem. Thế nhưng khi tay tôi đặt xuống que kem thì có rất nhiều bàn tay khác đã đặt lên tay tôi. Các em còn bảo “Sao thầy lại làm việc này. Thầy để tụi con làm ạ”. Tôi không la mắng hay nhắc nhở học trò phải nhặt rác. Tôi chỉ muốn làm gương cho các em. Và đây là cách giáo dục tốt nhất”.

Không chỉ là tấm gương mà ngay khi học trò mắc lỗi thì thầy cô hãy xem xét sự việc ở tâm thế của người thầy. “Hồi tôi làm giáo viên phụ trách phòng thí nghiệm đã xảy ra một vụ trộm do HS gây ra. Tôi biết được sự việc khi có một HS cùng lớp mách lại. Tôi bảo học trò đó giữ im lặng và tự kiểm tra xem đồ gì bị mất. Sau đó tôi cười một mình khi hiểu rõ lý do. Và hai tuần sau, chính hai học trò đã lấy đồ của phòng thí nghiệm tới gặp tôi. Sau khi trò chuyện với các em, tôi xem như không có chuyện gì xảy ra. Thế nhưng chuyện trở nên nghiêm trọng khi cậu học trò kia tố cáo sự việc lên ban chủ nhiệm khoa. Nhà trường gọi tôi đến chất vấn và quyết định họp hội đồng kỷ luật đưa ra hình thức đuổi học vì các em trộm đồ. Trong cuộc họp đó, tôi đã đứng ra bảo vệ các em. Tôi phản biện, hành vi của các em là ăn trộm nhưng bản chất không phải trộm vì những đồ dùng đó không có giá trị mua bán hay giá trị sử dụng. Các em lấy chỉ vì tò mò. Và lỗi một phần cũng do tôi. Vì thế, tôi xin lấy bản thân mình bảo lãnh cho trò. Các trò cũng phải nỗ lực trau dồi đạo đức và đạt thành tích trong học tập.

Sau sự việc đó, hai HS đã học hành chăm chỉ, trở thành thủ khoa của trường và trở thành những người thành đạt trong xã hội. “Là thầy giáo hãy yêu học trò và hãy làm sao để trò hiểu rằng dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, các em luôn được thầy bảo vệ, ủng hộ và tin tưởng” - thầy Khang nhấn mạnh.

Cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh nhí nhảnh cùng học trò. Ảnh: N.Q

Thầy giáo Phạm Thư Tùng cùng học trò của mình. Ảnh: NQ

“Các thầy cô đừng sợ”

Trong khi đó, theo thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên Trường Ernst Thälmann (Tenlơman) quận 1, muốn HS quý mến thì trước hết giáo viên đừng sợ. Bởi hiện nay nhiều giáo viên mang trong mình rất nhiều nỗi sợ. Cụ thể, họ sợ điểm tỉ lệ thấp, sợ vất vả khi tổ chức hoạt động, sợ tốn chi phí trong quá trình thực hiện, sợ mất thời gian, sợ HS không làm tốt lại ảnh hưởng đến mình... “Tôi không sợ những điều đó nên luôn tổ chức các hoạt động, khuyến khích các em tham gia. Tôi trao cho các em quyền chủ động trong sáng tạo công việc. Và tôi luôn khiến học trò biết rằng các em có quyền sai. Khi các em sai sẽ được tôi góp ý và chỉnh sửa. Đặc biệt, tôi có niềm tin, tiềm lực của HS là vô hạn, chỉ cần thầy giáo biết khơi nguồn” - thầy Tùng nói.

Còn đối với cô giáo Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên văn Trường THPT Trưng Vương, quận 1, cho rằng thầy cô hãy trở thành người bạn lớn của trò. “Từ khi bước vào sự nghiệp nhà giáo, tôi đã luôn tâm niệm điều đó. Khi nhà trường tổ chức nhảy flashmob, chính tôi đã huy động cả lớp cùng tham gia. Bản thân tôi đã sắp xếp thời gian nhảy cùng các em. Mỗi lần tham gia hoạt động cùng các em như vậy, tôi lại có cơ hội trò chuyện để hiểu về các em nhiều hơn” - cô Quỳnh Anh tâm sự.

Cũng theo cô Quỳnh Anh, để làm được điều đó, giáo viên phải biết cách làm bạn với HS. Giáo viên nên đặt mình vào vị trí của các em để hiểu được tâm sinh lý, quan tâm những thay đổi nhỏ của các em, luôn lắng nghe trước khi hành động, kể cả khi các em đang mắc lỗi. “Thầy cô nên kín đáo, tế nhị khi xử lý HS. Tôn trọng bản ngã cá nhân của HS nhưng không dễ dãi” - cô giáo Quỳnh Anh chia sẻ.

Thầy giỏi chưa đủ, quan trọng còn ở cái tâm

Là một nhà giáo, tôi tự nhận thấy xưa kia hình ảnh thầy, cô giáo thật đẹp đẽ và đầy cao quý trong tâm trí HS. Hiếm có chuyện HS vô lễ, hành hung, phụ huynh xúc phạm, chửi bới giáo viên. Mặc dù đời sống khó khăn nhưng những ai từng làm nghề dạy học đều nhận ra rõ “dưới ánh nắng mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.

Thời đại ngày nay, khi thế giới phẳng hơn bởi công nghệ, hình ảnh đẹp đẽ của thầy cô trong mắt học trò liệu có còn vẹn nguyên? Tất cả đều còn, chỉ là do mỗi thầy cô biết cách xây dựng và thích ứng để trong trái tim của học trò, thầy cô là thần tượng. Để thích ứng được với dòng chảy của cuộc đời, mỗi thầy cô phải tự mình thay đổi.

Theo quan điểm của tôi, một thầy giỏi vẫn chưa đủ, quan trọng hơn là ở cái tâm của bản thân mình. Một người thầy có tâm thì dù xã hội có thay đổi, họ cũng sẽ đổi thay theo hướng tích cực nhất để hoàn thành cái trọng trách trồng người.

Mỗi thầy cô hãy sống trọn với nghề bằng chính chữ “tâm” thì muôn sự đều sẽ thành công. Khi đã mang trên mình hai chữ “nhà giáo” thì mỗi người thầy hãy thật sự toàn tâm, toàn ý để thích ứng thời cuộc dù khó khăn, thử thách đến dường nào.

Thầy HUỲNH THANH PHÚHiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm