Đề nghị viết lại sách đạo đức: Kế thừa những giá trị đạo đức cơ bản

Các nhà giáo thời Đông Kinh Nghĩa Thục từng viết: “Môn luân lý là tinh hoa của quốc thể, nguồn gốc của giáo dục. Con em ta sau này ra đời tất nhiên đảm đương việc nước. Nếu không trau dồi phẩm hạnh, mọi thứ sách giáo khoa khác đều vô dụng hết!”.

Việc học lệch là tất yếu

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Đạo đức là một trong các tiêu chí quan trọng của ngành GD-ĐT: đức, trí, thể, mỹ và lao động. Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” như một mệnh lệnh mà Đảng, nhà nước và nhân dân yêu cầu các trường phải thực hiện.

Bộ môn Giáo dục công dân được xem là quan trọng nhất, môn chính, môn chủ đạo trong toàn bộ hệ thống sư phạm “dạy làm người” của nhà trường nhưng thời lượng dành cho lại ít nhất so với tất cả các môn, lại không đưa vào thi tốt nghiệp.

Điều này đã tạo tâm lý thực tế: xã hội xem thường, nhà trường xem thường, học sinh xem thường môn Giáo dục công dân. Việc học lệch là tất yếu.

Ở cấp THPT, chương trình Giáo dục công dân lớp 10 rất nặng về kiến thức (gồm hai phần: triết học và đạo đức). Các nội dung trong phần giáo dục đạo đức rất rộng, khó, trừu tượng, mang tính hàn lâm, không phù hợp với đối tượng học sinh, điều này làm các em thiếu hứng thú trong học tập bộ môn. Ở lớp 11, 12, các em tìm hiểu về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật, không có tiết giáo dục đạo đức nào.

Sớm đưa vào thi tốt nghiệp

Làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường phổ thông? Cấp trung ương phải xác định rõ ở tầm vĩ mô: Hệ thống các giá trị đạo đức cơ bản trong thời kỳ đổi mới hiện nay, nó là sự thừa kế, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của cha ông: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Đây là những tài sản tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc, rất giàu sức sống, giàu tính hiện thực, giàu tính nhân đạo. Những khái niệm ấy rất gần gũi, quen thuộc và dễ hiểu đối với mọi người (tất nhiên, nội dung hiểu rộng, hẹp, cao, thấp tùy theo trình độ của mỗi người).

Nội dung chương trình giáo dục đạo đức-công dân ở các cấp học phải tập trung vào những giá trị đạo đức cơ bản nói trên theo hướng đồng tâm, có tính liên thông cao. Tùy theo mỗi cấp học mà mở rộng từng khái niệm, nhấn mạnh mặt này hay mặt khác.

Xem lại nội dung chương trình đạo đức-công dân các cấp, các giá trị đạo đức ấy có đưa vào nhưng tản mạn, rời rạc xét trên toàn hệ thống, chủ yếu tập trung ở cấp tiểu học và THCS. Mặt khác, nhiều phạm trù, khái niệm trừu tượng, cao siêu, khó hiểu, khó thực hành với lứa tuổi các em được đưa vào, đặc biệt là ở cấp THPT.

Đội ngũ giáo viên đóng vai trò quyết định trong việc giáo dục đạo đức đối với học sinh. Cơ chế tổ chức hoạt động đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên dạy đạo đức-công dân cần được đẩy mạnh, phải xem đây là giải pháp có tính chiến lược. Giáo viên phải mạnh dạn đổi mới phương pháp lên lớp.

Bản thân mỗi giáo viên phải tự học và tự rèn luyện để có thể trở thành một tấm gương sáng cho học sinh noi theo, phải dạy học trò bằng cả đức độ trong sáng và trí tuệ dồi dào của mình.

Một việc rất quan trọng khác mà ngành GD-ĐT phải nghiên cứu, thực hiện: Sớm đưa môn Giáo dục công dân vào thi tốt nghiệp phổ thông. Ở các nhà trường, Giáo dục công dân cần được kiểm tra, thi cử thật nghiêm túc như những môn học khác. Ngành phải vận động, thuyết phục các cơ quan chức năng và toàn xã hội đồng thuận, cùng phối hợp thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực chứ không phải chỉ bằng những lời hoa mỹ, rồi sau đó bị cơn lốc “thực dụng” của cơ chế thị trường cuốn đi mất.

GS-TS Nguyễn Chung Tú:

Vi phạm đạo đức là xấu hổ lắm!

Đề nghị viết lại sách đạo đức: Kế thừa những giá trị đạo đức cơ bản ảnh 1Thời tôi đi học, thập niên 30-40 thế kỷ trước, học trò thường làm điều hay lẽ phải như trong sách dạy. Từ lớp 1 cho đến lớp 9, học sinh chủ yếu học về đạo làm người. Mỗi tuần có hai tiết luân lý, thầy cô dạy những mẩu chuyện, những tấm gương tốt để học trò học tập.

Hồi xưa, lớp nhỏ chủ yếu học qua ca dao, tục ngữ, cách ngôn hết sức ngắn gọn và dễ hiểu. Những câu chuyện trong Quốc văn giáo khoa thư giúp học sinh dễ nhớ. Đó là lòng hiếu thảo, sự hiếu học như gương thầy Mẫn Tử, Lão Lai... Những câu chuyện ấy sát với cuộc sống, làm cho học sinh ý thức được ngay và làm theo.

Chẳng hạn, trong lớp tôi có bạn bệnh thì bạn bè tự nguyện giúp đỡ ngay. Người thì mua đường, sữa đi thăm, người thì chép bài giúp bạn... Còn bạn nghèo thì chúng tôi quyên tiền giúp đỡ.

Chúng tôi còn được học về lòng trung thành, sự hy sinh vì nghĩa lớn như chuyện Lê Lai cứu chúa hay Lão Lai 70 tuổi mà vẫn nhảy nhót làm cho mẹ vui, thấy mình như trẻ ra...

Người xưa “tiên học lễ, hậu học văn” là như thế. Học trò mà vi phạm đạo đức bị phát hiện thì xấu hổ lắm. Ví dụ, đi xe đò mà không nhường ghế cho người già, phụ nữ có thai là xấu hổ lắm, mọi người nhìn mình với cặp mắt coi thường; gặp đám tang trên đường phải ngả nón cúi đầu; gặp buổi chào cờ là từ trẻ con đến người già, anh trí thức đến chị nông dân đều dừng lại, đứng nghiêm...

Tôi nghĩ ngày nay, những chuẩn mực ấy vẫn còn nguyên giá trị nhưng không hiểu sao thế hệ trẻ lại không được học!

QV ghi

GS TRẦN HỮU TÁ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm