Đánh giá học sinh dễ dãi là phản giáo dục

Có nhiều nguyên nhân gây nên “lạm phát học sinh (HS) giỏi”. Về sâu xa thì “phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất” mà Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ ra. Đây là tiền đề để số lượng HS giỏi có thể tăng/giảm tùy tiện theo những ý chí chủ quan, thậm chí vì những mục đích phi giáo dục. Còn trước mắt, khi mà “phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả” chưa thể như mong muốn thì ngày nào việc thi đua trong nhà trường vẫn còn chăm chăm dựa vào tỉ lệ HS giỏi, ngày đó vấn nạn “lạm phát HS giỏi” vẫn sẽ còn! Trong quan niệm của nhiều người, trường càng có uy tín thì tỉ lệ HS giỏi càng phải cao và năm sau phải bằng hay hơn năm trước! Rồi từ đánh giá đơn vị đến địa bàn, địa phương... đều vậy! Mà có trường nào, nơi nào lại muốn trường mình, địa phương mình bị mang tiếng là “chất lượng giáo dục không cao”?!

Việc đánh giá HS phải nhằm thúc đẩy HS rèn luyện, học tập. Trong ảnh: Các HS đang làm bài thi tốt nghiệp THPT 2014. Ảnh: P.ANH

Vì vậy, theo chúng tôi, muốn việc đánh giá HS đúng thực chất, bên cạnh việc tập trung giải quyết những nguyên nhân cơ bản, cần nhanh chóng loại bỏ việc đưa chỉ tiêu HS giỏi vào các nội dung đánh giá thi đua của ngành giáo dục.

Nếu việc đánh giá, xếp loại HS đúng thực chất, đại bộ phận HS không còn là HS giỏi nữa thì chắc chắn việc nhìn nhận chất lượng giáo dục trong xã hội cũng sẽ khác đi.

TS TRẦN HOÀNG, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Không thể lấy thước đo số học sinh giỏi để quyết định!

Là giáo viên nhưng đôi khi tôi cũng giật mình khi nhìn thấy bảng kết quả có quá nhiều HS giỏi. Thực ra không phải các em ngày càng học giỏi mà tiêu chí đánh giá HS giỏi của ngành giáo dục đang bị đơn giản hóa. Các em học 10, nội dung kiểm tra, đánh giá chỉ đến bảy hoặc tám thì các em giỏi và dư giỏi là đúng rồi!

Một phần từ kết quả đó còn là do áp lực thi đua lên giáo viên. Cứ đầu năm học là phải đăng ký chỉ tiêu HS giỏi, cuối năm lại lo sốt vó, bằng hoặc cao hơn thì không sao chứ thấp là bị nhắc nhở. Vì thế, muốn thay đổi tình hình hiện nay phải có khung đánh giá HS toàn diện và khó hơn. Đồng thời việc kiểm tra, đánh giá (qua đề thi) phải chính xác. Ngoài ra, việc đánh giá giáo viên như hiện nay cũng phải thay đổi. Dạy người không thể lấy thước đo số HS giỏi để quyết định được.

Một giáo viên THCS ở quận 3 (TP.HCM)

Cháu tôi không đọc được truyện cổ tích

Về thăm quê, hỏi chuyện học hành của hai đứa cháu, hết hè năm nay sẽ vào lớp 3, một đứa cháu con của người anh ruột và một đứa cháu con của người em học cùng trường N., TP Quảng Ngãi. Tôi rất mừng vì hai cháu nói đều đạt HS giỏi của lớp. Các cháu kể trong lớp có 31 bạn thì có tới hơn 25 bạn đạt thành tích HS giỏi, còn lại là HS khá, chỉ một bạn là HS trung bình do quậy quá nên cô giáo ghét.

Để kiểm tra việc học hành của hai cháu, đang cầm tờ báo đọc dở, tôi bảo các cháu thử đọc. Đứa cháu con người em tranh phần đọc trước. Ngồi bên cạnh nghe cháu đọc tôi thật sự bối rối và sốt cả ruột bởi khả năng đọc hiểu tiếng Việt của cháu còn quá chậm. Nhiều chữ cháu đọc không được, phải hỏi lại tôi hoặc có chữ cháu phải đánh vần mới đọc được. Đến lượt đứa cháu còn lại cũng vậy. Tôi tìm sách tiếng Việt lớp 3 mà các cháu chuẩn bị vào học năm tới, chọn một câu chuyện cổ tích rồi bảo các cháu đọc. Tuy có khá hơn nhưng các cháu vẫn đọc rất chậm, có nhiều chữ phải đánh vần.

Thấy tôi chê, các cháu biện hộ ở lớp còn có nhiều bạn đọc còn tệ hơn nhiều. Chuyện học hành của các cháu như vậy thử hỏi làm sao tôi không lo lắng cho được!

NGUYỄN ĐƯỚC (136/1 Trần Phú, quận 5, TP.HCM)

Tôi thấy mình càng dốt

Hồi còn học cấp hai tôi rất thích môn văn vì được học với cô giáo giỏi. Cô thường khuyến khích tôi có ý tưởng riêng và mạnh dạn trình bày. Với những ý tưởng chưa đúng, chưa đầy đủ, cô phân tích, uốn nắn. Nhưng lên cấp ba tôi thật sự bị sốc vì bài làm của tôi luôn bị điểm thấp, bị phê lạc đề. Sau này tôi mới nhận ra là HS nào làm theo bài văn mẫu của giáo viên thì đạt điểm cao. Dù thật sự không thích cách dạy này nhưng tôi không thể không theo vì điểm số rất quan trọng đối với một HS. Cả ba năm cấp ba tôi đều đạt HS giỏi nhưng tôi nhận thấy mình ngày càng dốt và sợ học môn văn!

TRẦN THỊ THU (thithu84@gmai.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm