Đại học treo thưởng 200 triệu không tìm được tiến sĩ

Bộ GD-ĐT cho biết, quy định mở ngành đại học, nhà trường phải bảo đảm có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất một giảng viên có trình độ tiến sĩ và ba giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký.

Với ngành đào tạo trình độ cao đẳng, điều kiện đội ngũ cũng phải bảo đảm có ít nhất 4 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký.

Theo quy định này đã có 207 ngành bị dừng tuyển sinh vì không đủ điều kiện. Đến nay đã có 70 ngành được Bộ GD-ĐT mở cửa tuyển sinh trở lại.

đại học, treo thưởng, giảng viên, tiến sĩ

Được “cứu” vì có “sự trợ giúp của người thân”

Trong số 207 ngành bị dừng tuyển sinh, đến nay đã có 126 ngành được Bộ GD-ĐT mở cửa tuyển sinh trở lại.

Là trường gây bão với việc bị dừng tuyển sinh tới 15 ngành, nhưng trường ĐH Sân khấu điện ảnh đã “lật ngược” được kết quả một cách ngoạn mục: Đến thời điểm này trường đã được tuyển sinh trở lại 14/ 15 ngành, với hai ngành mới nhất được “cấp phép” lại là nhiếp ảnh và công nghệ điện ảnh - truyền hình. Trường ĐH Hà Tĩnh 11/ 14 ngành, ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) 9/ 10 ngành… cũng được tuyển sinh trở lại.

Ngoài lý do để các trường mau chóng có quyết định tuyển sinh trở lại là việc nhầm lẫn số liệu thống kê và giải pháp mềm dẻo Bộ đưa ra đối với các trường văn hóa - nghệ thuật trong công nhận giảng viên cơ hữu, thì không ít trường hợp được “cứu” là nhờ cơ quan chủ quản hỗ trợ nhân lực. Đối với trường hợp của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh - Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã cho phép một số cán bộ là hai thạc sĩ và một tiến sĩ của bộ được ký hợp đồng chuyên môn giảng dạy tại trường.

Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) lấp được chỗ trống giảng viên bằng các chính sách ưu đãi khá mạnh tay: Giáo sư về trường sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng/người, phó giáo sư 150 triệu đồng và tiến sĩ là 100 triệu đồng. Từ năm 2010, UBND tỉnh Phú Thọ duyệt ngân sách khoảng 2 tỉ đồng mỗi năm để giúp nhà trường hút nguồn lực trình độ cao theo đề án của tỉnh nhằm thu hút nhân tài về trường công tác.

200 triệu đồng thưởng vẫn không ra tiến sĩ

Tuy nhiên, vẫn có những trường không kịp trở tay trước mùa tuyển sinh năm 2014. Trong đó các trường như ĐH Hải Phòng vẫn còn 4/7 ngành, và một số trường ở khu vực miền Trung như  ĐH Quy Nhơn còn 6/7 ngành, ĐH Quảng Nam 4/5 ngành…

Trường ĐH Quảng Nam, cơ sở từng có 5 ngành bị dừng đào tạo vì thiếu giảng viên tiến sĩ. Đến thời điểm này trường ĐH Quảng Nam mới chỉ xoay xở để thoát được 1 ngành.

Ông Huỳnh Trọng Dương, hiệu trưởng nhà trường cho biết khó khăn nhất của trường, cũng như không ít trường trong khu vực, là không có nguồn tuyển. Trước mắt, chúng tôi đã giao việc cho các khoa phải đi mời tiến sĩ về tham gia giảng dạy. Chế độ đãi ngộ sẽ do các khoa làm việc trực tiếp với người được mời, căn cứ trên yêu cầu của người được mời.

Tuy nhiên, do trường đóng ở tỉnh nghèo, các điều kiện không thể so sánh với nhiều địa phương khác, nên vẫn chưa thể mời được đủ tiến sĩ làm giảng viên cho các ngành bị khuyết vào lúc này. Còn nguồn từ trường cử đi đào tạo phải 2 năm nữa mới có, hiện nay có 27 giảng viên của trường đang làm nghiên cứu sinh.

Không phải là trường có ngành bị dừng tuyển sinh, nhưng Trường ĐH Xây dựng Miền Trung (Bộ Xây dựng) cũng đang tích cực tuyển giảng viên, đặc biệt giảng viên có trình độ tiến sĩ. Trường thông báo tuyển dụng giảng viên năm 2014 các ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng cầu đường, máy xây dựng, vật liệu xây dựng, Kinh tế xây dựng.

Ưu đãi trường đưa ra có thể nói là khá rộng rãi: Tiến sĩ về trường công tác được hưởng 2 tháng lương và các khoản phụ cấp. Được chi trả kinh phí đào tạo 200 triệu đồng, nếu chuyên môn phù hợp với các chuyên ngành đạo tạo của trường. Hưởng phụ cấp thu hút với hệ số 2,0 so với lương tối thiểu.

Thạc sĩ về trường công tác được hưởng 2 tháng lương và các khoản phụ cấp. Hưởng phụ cấp thu hút với hệ số 0,2 so với lương tối thiểu.

Trình độ đại học về trường công tác tại trường được hưởng 2 tháng lương và các khoản phụ cấp; được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Riêng đào tạo tiến sĩ được hỗ trợ 200 triệu đồng.

Ông Lê Như Quang, trưởng phòng Tổ chức Hành chính của trường cho biết, trường đăng thông báo tuyển dụng từ đầu tháng 3, nhưng sau 2 tháng vẫn không nhận được một hồ sơ tiến sĩ nào.  Theo ông Quang, nguyên nhân là trường đóng ở khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa thu hút được nhân lực bậc cao...

Rầm rộ tuyển giảng viên

Trước những động thái quyết liệt của Bộ GD-ĐT trong thời gian qua, hiện nay rất nhiều trường đại học đang liên tục tuyển dụng giảng viên chuẩn bị cho năm học 2014 – 2015 và các niên học tiếp theo. Có thể thấy trong “cuộc chiến” tìm người này, ưu thế đang nghiêng về các trường ở thành phố lớn.

Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM đang thông báo tuyển 27 giảng viên cho 13 ngành học với yêu cầu có học vị thạc sĩ trở lên, đúng chuyên ngành đào tạo, ưu tiên ứng viên có học vị tiến sĩ. Lãnh đạo nhà trường cho biết trong các trường hợp cụ thể nhà trường có chế độ phụ cấp thu hút đối với giảng viên tiến sĩ.

Trường ĐH Kinh tế - Công nghiệp Long An đăng tuyển 30 chỉ tiêu, yêu cầu có trình độ đại học hoặc thạc sĩ trở lên tuỳ ngành.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển dụng giảng viên các khoa Dược, Điều dưỡng, Quản trị Kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán.

Trường ĐH Ngoại thương – cơ sở 2 tại TP.HCM cần tuyển 10 vị trí giảng viên các ngành Kinh tế phát triển, Kinh tế công cộng, Tin học đại cương, Lịch sử các học thuyết kinh tế, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Tiếng Anh...

Theo ông Nguyễn Văn Chung, trưởng phòng Tổ chức Hành chính trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết trường tuyển giảng viên tiến sĩ quanh năm, có hồ sơ ở bất cứ thời điểm nào cũng xét, chứ không chờ theo đợt như trình độ khác. Đồng thời, trường thường xuyên nhận được hồ sơ đăng ký tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ, hầu hết học ở nước ngoài về. Từ đầu năm tới giờ đã tuyển được 4 tiến sĩ về trường làm giảng viên.

  • Theo Chi Mai (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm