Cựu nữ sinh Trưng Vương xúc động ngày gặp mặt

Những mái đầu dù đã bạc nhưng khi khoác lên mình bộ áo dài duyên dáng, họ như sống lại thời là nữ sinh của một trong những mái trường danh giá nhất TP. Đến chung vui cùng trường còn có một nhóm cựu học sinh nam Trường Petrus Ký bảnh bao trong đồng phục áo trắng và bảng tên trường. Không ít nam sinh Petrus Ký đã nên duyên với những cô nữ sinh Trường Trưng Vương ngày ấy.

Nhìn những gốc cây xà cừ, màu tường vàng và cửa vẫn màu xanh lá, bà Trương Thị Ái Hoa, khóa 1970-1977 như bắt gặp khung cảnh trường xưa bởi đã 40 năm bà mới về thăm trường. Nhìn ra Thảo Cầm Viên, bà Hoa nhớ lại: “Làm gì có tường rào bao quanh như bây giờ mà chỉ là kẽm gai thôi, chiều chiều tan học về thường nghe tiếng cọp gầm nên sợ lắm. Trước giải phóng, thầy cô được gọi là giáo sư rồi sau đó mới đổi lại. Trường toàn nữ sinh nhưng thầy Bình dạy toán vẫn kêu là “các cô, các cậu” vì thầy quen dạy ở ngoài có con trai. Thầy Hành hay bị sổ mũi, học trò thương thầy hít phải bụi phấn nên luôn chạy lên lau bảng cho thầy giảng phần kế tiếp...”.

Các cựu nữ sinh thướt tha trong tà áo dài ngày gặp mặt.  Ảnh: HOÀNG LAN

Bà Nguyễn Thị Phương Mai, cựu học sinh niên khóa 1969-1976, cho biết không hối tiếc khi năm đó đã quyết tâm học lại để thi vào trường bằng được. Được mệnh danh là họa mi Trưng Vương, sôi nổi trong các hoạt động phong trào, giờ bà tiếp tục đứng trên sân khấu để cất cao bài hát Đêm Mê Linh hùng hồn. Bà Mai cho biết mặc dù rời trường đã lâu nhưng các cựu học sinh luôn giữ mối liên hệ với nhau.

Các cựu học sinh giờ đã là ông bà vẫn ủng hộ các hoạt động nghĩa tình của nhà trường như quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung trong đợt lũ vừa qua; thành lập nhóm thiện nguyện cựu nữ sinh để chia sẻ khó khăn với các mái ấm người già và người khuyết tật nơi vùng sâu, vùng xa. Nhờ vậy mà mối liên lạc của các cựu nữ sinh chưa bao giờ gián đoạn.

Dù nếp nhăn và đồi mồi đã phủ đầy khuôn mặt nhưng nhiều học trò vẫn nhận ra thầy Nguyễn Hiếu Ngỡi, Phó Hiệu trưởng trường những năm 1980-1990. Thầy Ngỡi chia sẻ: “Mình ngày càng già đi nhưng cơ sở vật chất của trường thì ngày càng khang trang, điều kiện sinh hoạt thuận lợi hơn thì mừng lắm. Lúc trước học trong điều kiện bao cấp thiếu thốn đủ bề, chỉ học chay chứ làm gì có phương tiện, máy tính hiện đại như bây giờ”.

Hòa trong không khí xúc động ngày gặp mặt của cựu học sinh, cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Nhiều thế hệ khi đi xa vẫn còn nhớ đến ngôi trường trong ký ức là tường màu vàng và cửa màu xanh. Tôn trọng ký ức này, trường cố gắng duy trì nề nếp và phong cách cũ cho thế hệ học sinh, giáo viên. Hằng năm ban liên lạc đều có phần học bổng trao cho học sinh của trường. Trong năm 2017, kỷ niệm 100 năm truyền thống, cựu học sinh đã đóng góp tôn tạo cổng trường và đúc tượng thờ Hai Bà Trưng đặt tại nhà truyền thống để góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ sau”.

Trường THPT Trưng Vương là một trong những ngôi trường lâu đời tại TP.HCM và có lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp. Tiền thân của trường là Trường nữ Trưng Vương Hà Nội được thành lập năm 1917. Năm 1954, Trường Trưng Vương Sài Gòn được thành lập khi một số giáo viên, học sinh Trường Trưng Vương Hà Nội di cư vào Sài Gòn sau Hiệp định Genève 1954, cấp trung học bảy năm. Đến năm 1957, Trường Trưng Vương dời về số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Sau năm 1975 đến nay, trường có tên gọi là THPT Trưng Vương, cấp trung học ba năm dành cho cả học sinh nam lẫn nữ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm