Công bố 3 dự án xuất sắc nhất diễn đàn giáo dục sáng tạo 2020

Chiều 12-1, tại TP.HCM, Diễn đàn Giáo dục sáng tạo Education Exchange 2020 do Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Microsoft Việt Nam tổ chức đã tổng kết và trao giải các dự án xuất sắc.

Theo ban tổ chức, sau hơn hai tháng phát động, diễn đàn đã thu hút được 832 sản phẩm sáng tạo của các giáo viên đến từ 45 tỉnh, thành trên mọi miền đất nước. Tốp 50 sản phẩm sáng tạo nhất, thể hiện rõ nét nhất các tiêu chí: Hợp tác - Sáng tạo - Hòa nhập - Tăng cường tiếng nói học sinh đã được trưng bày tại diễn đàn.

Ba dự án xuất sắc nhất sẽ nhận giải thưởng là một chuyến đi Sydney, Úc tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu, từ ngày 23 đến 26-3. Ảnh: BTC cung cấp

Các sản phẩm tham dự diễn đàn năm nay đa dạng và phong phú về mặt nội dung, từ các dự án STEM, STEAM, thiết kế phần mềm giảng dạy, lớp học đảo ngược, đến các dự án của học sinh về việc bảo vệ môi trường, bảo tồn văn học dân tộc.

Ba giáo viên xuất sắc nhất đã vượt qua hơn 1.000 giáo viên tham dự đổi mới sáng tạo trên cả nước giành tấm vé tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu. Đó là cô Nguyễn Ngọc Thiên Trinh (Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring, Hà Nội) với dự án liên môn “10X start - up”.

Thứ hai là cô Bùi Diệu Linh (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội) với dự án “Hóa mỹ phẩm hữu cơ”. Thứ ba là thầy Phạm Ngọc Đức (Học viện quản lý giáo dục, Hà Nội) với dự án “Lớp học trên mây, lớp học kết nối”.

Ba dự án trên đã vượt qua hơn 830 sản phẩm sáng tạo của giáo viên đến từ 45 tỉnh, thành trên cả nước tham gia diễn đàn. Ba dự án xuất sắc nhất sẽ nhận giải thưởng là một chuyến đi Sydney, Úc tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu, diễn ra từ ngày 23 đến 26-3.

Tại buổi lễ, ban tổ chức cũng trao giải thưởng cho ba đơn vị dẫn đầu phong trào đổi mới sáng tạo, có số lượng dự án tham gia nhiều nhất. Đó là Sở GD&ĐT Thái Nguyên (229 dự án); Sở GD&ĐT TP.HCM (182 dự án); Sở GD&ĐT Hà Nội (83 dự án).

Tại diễn đàn, các giáo viên cũng tham dự thử thách nhóm, được thiết kế cho các thầy cô giáo thể hiện khả năng giải quyết vấn đề và năng lực sư phạm trong việc ứng dụng công nghệ thông tin qua bài giảng. Cụ thể hơn, các nhóm phải thiết kế một bài học cho học sinh dựa trên một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc giai đoạn 2015-2030.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), khẳng định hiện nay hơn 70% giáo viên ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào dạy học, 25% giáo viên tự soạn được bài giảng E-learning, giúp người học tự học trên mạng Internet.

Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng ngân hàng gồm 5.000 bài giảng E-learning phục vụ cho dạy học của giáo viên và học sinh. Việc số hóa các tài liệu tri thức được khuyến khích nhằm phục vụ người Việt, phục vụ học tập và cả những Start up trên nền tảng công nghệ mới. Tuy nhiên, để làm tốt điều này cần tăng cường thêm các nguồn lực xã hội.

“Ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá có vai trò quan trọng. Nó giúp tạo ra môi trường dạy học trực quan sinh động và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục".

Diễn đàn đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin, một diễn đàn quốc tế uy tín là nơi kết nối giáo viên sáng tạo của nhiều quốc gia trên thế giới. Mục đích là để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về cách thức ứng dụng công nghệ trong hoạt động giáo dục” - ông Hải nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm