Con cô dâu Việt từ Đài Loan về quê thực tập

Sáng 19-7, Khu công nghiệp Đại Đăng tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương rộn ràng hơn với sự xuất hiện của đoàn học sinh người Đài Loan gốc Việt đến tham quan, học tập tại một số công ty đóng tại khu công nghiệp.

Về để hiểu hơn nguồn cội

Em Thái Ngọc Mỹ học sinh lớp 11 hệ nghề nói tiếng Việt khá trôi chảy, cho biết mẹ em quê ở Đồng Tháp, sang Đài Loan lập gia đình đã 17 năm. Hiện hai mẹ con đang sinh sống tại TP Tân Trúc, công việc của mẹ em là đầu bếp, khá bận rộn nên thỉnh thoảng hai mẹ con mới về Việt Nam thăm ngoại.

Mỹ tâm sự lần này về Việt Nam do bận đến nhà máy của công ty để thực tập nên không có thời gian về quê thăm ngoại và các dì. “Trước khi bay về Việt Nam, mẹ em có gọi cho dì lên thăm và tặng quà cho hai mẹ con. Hai dì cháu gặp nhau hàn huyên, vui rớt nước mắt” - Mỹ chia sẻ. 

Mỹ thổ lộ tại Đài Loan ngoài tiếng Anh em còn học tiếng Nhật và tiếng Việt, trong đó tiếng Việt học từ mẹ và tại trường. Lần này về quê mẹ thực tập của em rất hứng thú vì được giao lưu với các bạn cùng lứa, được trực tiếp vào nhà máy để học tập quy trình vận hành, sản xuất. Những chuyến thực tế như thế này cũng giúp em rèn luyện kỹ năng thảo luận nhóm và tác phong công nghiệp. 

Còn em Vinh Ngọc Hoa giãi bày mẹ em quê Cần Thơ. Năm nay em 18 tuổi nhưng học lớp 11 vì chậm học một năm. Hiện em cùng gia đình sinh sống tại TP Cao Hùng, mẹ cũng làm nghề nấu ăn. 

36 học sinh là con cô dâu Việt tại Đài Loan về Việt Nam thực tập tại doanh nghiệp sản xuất yên xe đạp. Ảnh: P.ĐIỀN

Hoa cho biết Tết năm ngoái được mẹ cho về ăn Tết với ông bà ngoại, còn bình thường cũng ít có dịp về, một phần do công việc mẹ khá bận rộn và em cũng bận học. “Lần này em may mắn được lựa chọn cùng các bạn về quê mẹ Việt Nam để thực tập, em rất phấn khởi và vinh dự. Em có định hướng theo nghề thiết kế-quảng cáo, vì vậy khi về thực tế tại Việt Nam cũng là dịp để trải nghiệm, học tập kỹ năng tại các công ty Đài Loan và hiểu hơn về quê hương cội nguồn của mình” - Hoa giãi bày.

Ông Richard Tsai, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Pro Active Global Việt Nam Co, đơn vị tiếp nhận học sinh thực tập, chia sẻ bản thân ông trưởng thành từ học nghề nên ông không ngần ngại đón các em về quê hương của mẹ để thực tập. Đây chính là nguồn lực cần thiết giúp doanh nghiệp phát triển và các em hiểu thêm nền văn hóa của quê mẹ.

“Ký ức đẹp trong tương lai”

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đài Loan Lin Teng-chiao nhận định như vậy trong chuyến đi đưa 36 học sinh về Việt Nam thực tập tại các công ty Đài Loan. Ông cho biết trước khi sang Việt Nam các em được tuyển chọn khá kỹ. Hầu hết các em là học sinh THPT hệ nghề dành cho con cô dâu Việt thế hệ thứ hai đang định cư tại Đài Loan. 

Theo ông Lin Teng-chiao, năm ngoái đã có 24 sinh viên sang Việt Nam thực tập tại doanh nghiệp. Do chương trình có phản hồi tốt nên bộ tiếp tục đưa 36 học sinh nghề sang kiến tập tại các công ty Đài Loan cũng nhằm tăng thêm hứng thú học tiếng Việt cho các em. “Năm ngoái, khi đưa các em về nước thực tập, tâm trạng các em khá lo lắng, không tự tin vì học tiếng Việt không vào. Tuy nhiên, khi về Việt Nam các em vô cùng hào hứng vì hiểu hơn quê hương, văn hóa và người thân của mẹ nên học tiếng Việt rất tốt” - ông Lin Teng-chiao nói.

Ông Lin Teng-chiao đánh giá học sinh tiểu học con em cô dâu Việt tại Đài Loan do cảm thụ văn học chưa tốt nên học yếu hơn học sinh bản địa, ngược lại năng lực học toán không thua kém. Từ bậc THCS trở lên không có khoảng cách giữa con em cô dâu Việt và học sinh bản địa. “Trước đây, khi các cô dâu người nước ngoài làm dâu tại Đài Loan cũng có sự phân biệt, các cô gái chủ yếu làm dâu trong các gia đình không mấy khá giả nên có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Gần đây có sự thay đổi, thay vì gọi cô dâu nước ngoài thì gọi là cư dân mới và xem họ là người Đài. Bởi vậy Đài Loan không tạo ra khoảng cách mà có trách nhiệm chăm lo, đào tạo cho các con em cư dân mới...” - ông LinTeng-chiao nhận xét.

18/24 sinh viên khóa đầu tiên về Việt Nam làm việc

Kết quả thăm dò 24 sinh viên có cha mẹ là người Việt Nam khóa đầu tiên về Việt Nam thực tập đã có 18 em xác nhận về Việt Nam làm việc tại các công ty Đài Loan. Với các em này, Bộ đã có chính sách quy hoạch dài hạn về nghề nghiệp, các em có thể lựa chọn làm việc tại Đài Loan hoặc Việt Nam. Riêng các em có định hướng về Việt Nam làm việc trước khi về quê mẹ làm việc, Bộ sẽ mở lớp dạy tiếng Việt và các lớp kỹ năng cho các em tự tin bắt tay vào công việc. 

Thứ trưởng Bộ GD Đài Loan Lin Teng-Chiao

_____________________________

Hiện có khoảng 79.000 học sinh là con em của 100.000 cô dâu Việt tại Đài Loan. Đây là cộng đồng cô dâu người nước ngoài nhiều nhất tại Đài Loan. Theo đó, từ năm 2019, Bộ GD Đài Loan sẽ sửa đổi chương trình sách giáo khoa và đưa tiếng Việt dạy từ bậc tiểu học đến THPT.

Từ năm 2018, có bảy ngoại ngữ được đưa vào giảng dạy tại Đài Loan, trong đó chương trình tiếng Việt là nặng nhất do có nhiều học sinh nước ngoài học nhất. Hiện đã có bốn bộ sách tiếng Việt được xuất bản tại Đài Loan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm