Cô Hằng dạy trẻ tự kỷ

Mỗi ngày, Hằng thức dậy từ sáng sớm lái chiếc xe ba bánh đến trường. Ngày học bắt đầu từ 8 giờ 30 và kết thúc vào 16 giờ 30.

Vừa dạy vừa chịu đòn

Cô phụ trách phát triển ngôn ngữ cho trẻ, mỗi tiết học chỉ một cô một trò. Cô kê một chiếc bàn nhỏ hai chiếc ghế đối diện nhau, trong đó có một chiếc ghế con có chiều cao chỉ bằng 1/3 chiếc ghế kia. Điều lạ là chiếc ghế nhỏ xíu là của cô, còn chiếc ghế cao dành cho trò. “Nếu mình ngồi ghế cao tầm đó hoặc cao hơn, khi học các con sẽ phải ngước cổ lên nhìn. Mình chọn ghế thấp để con có thể nhìn ngang tầm mắt, cảm giác sẽ thoải mái hơn” - cô giải thích.

Học trò tiết học đầu ngày của cô là bé NHT. Ngồi trên chiếc ghế gỗ nhỏ, cậu bé liên tục quậy tưng bừng, lúc quay đầu sang trái, sang phải, lúc lại chực đứng lên chạy ra ngoài, tay chân khua khoắng liên tục. Cô phải tổ chức trò chơi mới dỗ được bé ngồi yên để bắt đầu giờ học. Mỗi câu trả lời đúng, cô trò lại hào hứng “đập tay ăn mừng”. Nhìn cậu bé hiếu động, rất khó để hình dung đây là một cậu bé từng bị tự kỷ nặng.

Bé T. vào trường được hơn hai năm. Ban đầu bé không nói chuyện được, chỉ thu mình một góc. Những lúc bực lên, bé đập phá đồ đạc, đánh cô, đánh bạn, giận dỗi lại lăn ra giãy đành đạch. “Phải mất mấy tháng cô trò mới làm quen được với nhau rồi mới dạy con học. Khó nhất là giai đoạn làm quen, phải quan sát để đoán ý vì bé không nói được. “Khi quen rồi, tôi bắt đầu dạy bé phát âm từ những âm đơn giản như a, b đến ba, bà, mẹ, trời mưa, trời nắng… Bé tiến bộ nhanh lắm. Giờ bé là học sinh giỏi nhất lớp rồi đấy. Mấy hôm trước mẹ bé bảo sẽ đưa bé sang trường khác học hòa nhập với các bạn”. Cô Hằng khẽ vuốt tóc cậu học trò nhỏ, ánh mắt lấp lánh nụ cười hạnh phúc.


Cô Hằng dạy  bé NHT tập phát âm. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Trường hợp tự kỷ nặng nhất mà Hằng từng dạy là một bé cách đây bốn năm. Bé chưa biết tự đi vệ sinh, tệ hơn nữa là cháu bốc ăn nếu cô không canh chừng kỹ. Bé đến lớp là khóc, la, chui vào góc nhà, không chịu ăn uống... “Đến lúc chúng tôi gần như tuyệt vọng thì bé bất ngờ có những cử chỉ quen dần với các cô: cười, có sự hợp tác, đáp ứng vài yêu cầu nhỏ: đưa, lấy, chỉ, chọn”.

Mỗi trẻ là thể trạng tâm lý khác nhau. Có bé thu mình chẳng chơi với ai, thích món đồ chơi gì sẽ giữ khư khư, bạn giành sẽ bị ăn đòn. Có bé chạy nhảy liên tục, có bé hùng hục suốt ngày đâm đầu vào tường. Có bé bị rối loạn giấc ngủ, khi các bạn ngủ, bé chơi. Đến lúc các bạn dậy, bé lại ngủ. Mỗi lần ngủ là chui vào lòng, hay nằm lên lưng, lên bụng cô…

Dạy trẻ tự kỷ, việc bị trẻ cào, cắn là chuyện thường ngày. Vì lớp tuổi nhỏ, các bé thỉnh thoảng ngứa nướu mọc răng, hay bất thình lình cũng cào, cắn. Có lúc trẻ để lại cả dấu răng, vết bầm trên tay cô. “Nhưng đó chỉ là vết thương nhỏ, ít trẻ đủ lực để làm tổn thương cô, tôi chỉ sợ các bé tự làm tổn thương mình” - cô chia sẻ.

Dõi theo con từng bước nhỏ

Trả lời câu hỏi tại sao chọn nghề này, cô nói: “Chúng tôi giống nhau ở chỗ đều mang những khiếm khuyết trên cơ thể nên dễ cảm thông. Nhưng chẳng cha mẹ nào sống mãi được với con, tôi mong muốn có thể giúp các con sớm hòa nhập với cộng đồng hoặc ít nhất có thể nhận biết để bảo vệ bản thân mình”.

Niềm vui của Hằng và các cô giáo đơn giản chỉ là khi bé nhoẻn miệng cười, nói rõ ràng hơn, thậm chí chỉ mở miệng nói “a, bà” cũng làm các cô vui đến cả đêm mất ngủ. “Có những lúc mệt, tôi cũng muốn về quê làm vườn. Nhưng chỉ cần mỗi ngày nhìn thấy trẻ này có thể tự ăn, trẻ kia tự đi vệ sinh, cô hỏi biết trả lời… từng bước tiến nhỏ của các con lại giúp mình vượt qua lúc nản lòng” - cô Hằng kể.

Bà Trương Thanh Loan - Hiệu trưởng Trường Từng Bước Nhỏ cho biết tìm người hết lòng với trẻ tự kỷ như cô Hằng rất khó. Bởi những người trẻ chẳng mấy ai bám trụ với công việc này lâu dài. Có người được năm, có người tháng, thậm chí vài ngày đã nghỉ việc vì nản. “Dạy trẻ tự kỷ ngoài yêu cầu chuyên môn, giáo viên cần có sự nhẫn nại, tỉ mỉ. Học phát âm những từ bình thường với các trẻ khác không mấy khó nhưng với những trẻ tự kỷ là một hành trình vất vả. Sự tiến bộ của trẻ không phải tính bằng ngày, tuần mà tính bằng tháng, bằng năm, thậm chí bao lâu cũng không biết nữa” - bà Loan chia sẻ.

- Cô Trần Trịnh Hằng (1987) quê ở Gia Lai, một chân bị tật do di chứng trận sốt bại liệt hồi nhỏ. Nuôi ước mơ trở thành cô giáo, Hằng thi vào khoa Giáo dục đặc biệt ĐH Quy Nhơn. Tốt nghiệp ĐH, năm 2011 cô vào Sài Gòn tìm đến trường nuôi dạy trẻ tự kỷ Từng Bước Nhỏ ở Bình Thạnh.

- Ngày 18-11 vừa qua, cô Hằng bất ngờ nhận được món quà của bé THA. “Mẹ cậu bé bảo mang hoa đến tặng các cô nhân dịp 20-11. Bé mang bó hoa đến, dúi vào tay cô bập bẹ “tặng cô” làm tôi rơi nước mắt. Đây là lần đầu tiên trong bốn năm gắn bó, tôi được nhận hoa từ bé. Chỉ mới đây thôi, cậu bé ấy chẳng nói chuyện cùng ai, chỉ lầm lũi ngồi riêng một góc phòng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm