Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói về tự chủ đại học

Chiều 4-9, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, đã có buổi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM).

Tại buổi nói chuyện với sinh viên, Chủ tịch Quốc hội cho biết với chủ trương xây dựng hai ĐH quốc gia, Nhà nước đã một lần nữa xác nhận vai trò, vị trí rất quan trọng của giáo dục với sự phát triển của đất nước, khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, trò chuyện với sinh viên ĐHQG - HCM

Theo Chủ tịch Quốc hội, giáo dục đại học trong kỷ nguyên của kinh tế tri thức và toàn cầu hóa, thời đại công nghiệp 4.0 có một vài trò hết sức quan trọng. Đối với Việt Nam, chúng ta đang nói về tự chủ đại học như là một trong những giải pháp để giúp cho các trường đại học của Việt Nam chuẩn hóa và hội nhập quốc tế.

Đứng về mặt tự chủ đại học đây là một đặc tính và yêu cầu tất yếu của một trường đại học trên cả ba lĩnh vực chính là hoạt động chuyên môn, khoa học, tổ chức nhân sự, bộ máy và hoạt động tài chính của đơn vị. Tự chủ là yêu cầu của quản trị một cơ sở giáo dục và cần một hành lang pháp lý, quản lý nhà nước phù hợp với chính cơ sở đó.

Ví dụ ở lĩnh vực nguồn lực tài chính, bài học kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, nguồn lực tuy rất quan trọng nhưng không thể phát huy được sức mạnh, tiềm năng của đại học, nếu thiếu một cơ chế quản trị phù hợp. Ngân sách nhà nước có thể hạn chế nhưng nguồn lực trong nhân dân là rất lớn (nếu chúng ta nhìn nhận tới nguồn tài chính mà người dân Việt Nam đang đổ ra cho con em đi du học và chi phí cho các trường quốc tế tại Việt Nam). Trong thực tế, nhiều tổ chức kinh tế ở Việt Nam sẵn sàng đầu tư cho giáo dục chất lượng cao nếu họ nhìn thấy khả năng thành công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo và sinh viên ĐHQG-HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Như vậy, vấn đề cốt yếu nhất, mà Nhà nước đóng vai trò quyết định, là tạo ra một cơ chế quản trị, tôn trọng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, hình thành một không gian đủ rộng cho các sáng kiến được thực hiện. Làm sao có thể tạo ra một môi trường giáo dục đại học phát triển, với các trường đại học đủ điều kiện theo những chuẩn mực quốc tế, thì vai trò tốt nhất của Nhà nước không phải là kiểm soát mà là xác lập các nguyên tắc đúng đắn và giám sát việc thực hiện những nguyên tắc ấy. Nếu môi trường quản lý không tạo điều kiện để các trường đại học có một mức độ tự chủ cần thiết, thì hoạt động của các trường sẽ hết sức khó khăn và như vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu của xã hội” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Trong vài năm gần đây, sự ra đời quá nhiều trường đại học đã khiến dư luận bày tỏ sự lo ngại về chất lượng. Thực tế này cũng đặt ra vấn đề phải nhìn lại việc quản lý.

“Tự chủ đại học hoàn toàn không có nghĩa là thả nổi hay buông lỏng quản lý. Tự chủ đại học phải gắn chặt với cơ chế giải trình, trách nhiệm minh bạch. Sự minh bạch về trách nhiệm sẽ buộc các cơ sở đào tạo phải tồn tại bằng chất lượng thay vì bằng những giải pháp ngắn hạn. Trong bối cảnh đó, sự ủng hộ của Nhà nước có một vai trò hết sức quan trọng nhằm tạo một môi trường giáo dục đại học hiện đại, phát triển với các đại học đỉnh cao, chất lượng. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học hiện nay mà Quốc hội đang triển khai là nhằm phục vụ cho mục đích này” - bà Ngân nhấn mạnh.

Bà Ngân cho biết đổi mới nền giáo dục nước ta nói chung và giáo dục đại học nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Muốn thực hiện được những điều đó, cần tập trung vào việc đổi mới tư duy giáo dục hiện nay “gắn với xây dựng xã hội học tập”; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; hệ thống giáo dục được chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và mang đậm bản sắc dân tộc.

Các cấp, các ngành, trước hết là Bộ GD&ĐT, các ĐH Quốc gia, các trường đại học trọng điểm cần có sự thay đổi một cách mạnh mẽ về tư duy trong tổ chức giáo dục đại học, cho phép các cơ sở giáo dục đại học được đặt ra các tiêu chuẩn tuyển sinh và chịu trách nhiệm với người học bằng chính “uy tín” đào tạo của mình, cho phép hình thành nhiều mô hình đào tạo đại học khác nhau, kiểm soát chặt chẽ “đầu ra” của mỗi cơ sở đào tạo để bảo đảm chất lượng chung…; đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp dạy học theo hướng hội nhập quốc tế.

Đổi mới vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức giáo dục đại học với bối cảnh hội nhập quốc tế. Theo đó, về mặt pháp lý, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định về pháp luật đối với các hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện hội nhập quốc tế. Mà trước hết là dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đang lấy ý kiến với sáu điểm mới đột phá về cơ chế và chính sách, trong đó mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm