Chốt bảo vệ thông minh cho Làng đại học

Giải nhì và giải ba đã thuộc về dự án Từ góc sân đến chân trời – Sân chơi cho học sinh Trường Tiểu học Song Thuận của nhóm sinh viên Trường Đại học Cần Thơ và dự án Đèn lồng cứu sinh của nhóm sinh viên trường Đại học kiến trúc Hà Nội.

Hoàn cảnh thúc đẩy sáng tạo

Dự án Chốt bảo vệ của Triệu Nhân nhằm cải thiện tiện nghi môi trường làm việc cho lực lượng bảo vệ, tăng tính thẩm mỹ cho môi trường đô thị. Đồng thời đây cũng là dự án thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế và đặc biệt là tính khả thi cao.

Trong bốn năm học tập tại Khu đô thị ĐHQG TP.HCM, Triệu Nhân nhận thấy các chốt bảo vệ ở đây chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết cho nhân viên bảo vệ. Có thể kể đến là các chốt thường nóng nực vào buổi trưa, không có chỗ đi vệ sinh hoặc phải đi xa rất bất tiện, buổi tối chốt có rất nhiều muỗi và thiếu tính thẩm mỹ. Mặc dù một số chốt có làm sắt bao quanh nhưng đây chỉ là giải pháp nhất thời chứ không mang tính chiến lược lâu dài.

Ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng và ông Colin Terry – Giám đốc tài chính Công ty Insee trao giải nhất cho dự án Chốt bảo vệ. Ảnh: PYK

Chính từ những điều này mà Triệu Nhân đã hình thành nên ý tưởng về một chốt bảo vệ vừa thẩm mỹ, vừa tiện lợi. Đề tài thực hiện dự án là xây dựng chốt canh gác cơ động ở ngã tư đường Trục Chính 2 và Trục Chính 7, Khu đô thị ĐHQG TP.HCM.

Những chốt bảo vệ này được xây thêm bể trên mái hoặc dưới hầm để tích trữ nước mưa phục vụ cho sinh hoạt, xả bồn cầu và tưới cây xung quanh. Ngoài ra còn bố trí đèn LED tiết kiệm điện để chiếu sáng bằng nguồn điện từ pin năng lượng mặt trời được lắp trên mái chốt. Dự kiến lắp cảm ứng vào đèn nhằm tiết kiệm năng lượng và trồng cây có tác dụng đuổi muỗi xung quanh.

Mô hình dự án Chốt bảo vệ giành giải nhất cuộc thi Insee Prize 2019.

Đây là dự án có tính khả thi cao vì thiết kế đơn giản, dễ thi công và vận hành, chi phí đầu tư thấp. Bên cạnh đó còn mang lại hiệu quả kinh tế cao khi sử dụng các biện pháp như tận dụng nước mưa, dùng pin năng lượng mặt trời, sử dụng vật liệu bền vững. Chốt bảo vệ không chỉ là dự án nhằm nâng cao tiện nghi cho lực lượng bảo vệ Khu đô thị ĐHQG TP.HCM mà còn tăng tính thẩm mỹ, hiện đại, xây dựng công trình biểu tượng cho khu đô thị. Dự án cũng đồng thời là giải pháp thân thiện, bảo vệ môi trường.

Trái ngọt cho sự nỗ lực

Triệu Nhân tâm sự: “Mình hoàn toàn bất ngờ, thậm chí còn không dám tin vào kết quả. Trong top 5 dự án lọt vào vòng chung kết, chỉ có đề tài Chốt bảo vệ  là do duy nhất một người thực hiện. Tuy có nhiều khó khăn hơn nhưng mình đã làm tốt bài dự thi của mình”.

Triệu Nhân cho biết mình biết đến cuộc thi một cách tình cờ qua lời giới thiệu của một giảng viên. Cậu đã gặp phải khá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, và vì chỉ có một mình nên mọi thứ đều phải tự chuẩn bị, sắp xếp, từ mô hình đến bài thuyết trình. Đó là chưa kể thời gian thực hiện dự án ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian học trên lớp, Triệu Nhân phải chủ động sắp xếp công việc đôi bên hợp lý. May mắn là cậu đã nhận được sự hỗ trợ hết mình từ gia đình và giáo viên hướng dẫn.

Top 5 dự án xuất sắc nhất cuộc thi nhận giải thưởng từ chương trình. Ảnh: PYK

Điều khiến Nhân tâm đắc nhất trong dự án là việc có thể đáp ứng nhu cầu cho nhân viên bảo vệ và góp phần bảo vệ môi trường. Khu đô thị ĐHQG TP.HCM là nơi tập trung rất đông sinh viên, có nhiều vấn đề xảy ra nên việc đáp ứng nhu cầu cơ bản của lực lượng bảo vệ là điều cần thiết. Cạnh đó, những giải pháp thân thiện với môi trường như dùng pin từ năng lượng mặt trời, sử dụng đèn LED chiếu sáng, trồng cây đuổi muỗi là hết sức cần thiết khi mà tình trạng ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính... ngày càng gia tăng.

Khi được hỏi về cuộc thi và các đối thủ, Nhân chia sẻ: “Cuộc thi được tổ chức rất chuyên nghiệp, tạo nhiều cơ hội cho sinh viên sáng tạo, phát huy những ý tưởng, dự án về xây dựng hạ tầng và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Các bạn tham gia thi cùng mình cũng rất giỏi, thể hiện qua các bài dự thi hay, sáng tạo và có đầu tư. Qua cuộc thi mình cũng học được nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích, chắc chắn chúng sẽ hỗ trợ nhiều cho mình trong công việc sau này. Mình cũng mong chờ dự án Chốt bảo vệ được triển khai, nhân rộng ra nhiều nơi chứ không chỉ dừng lại trong Khu đô thị ĐHQG TP.HCM”.

Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng, đồng thời là thành viên ban giám khảo cuộc thi Insee Prize 2019, nhấn mạnh: “Tôi tin rằng khi bước ra từ sân chơi này, các bạn sinh viên sẽ thực sự hiểu được tầm quan trọng và khả năng áp dụng xây dựng bền vững để phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Bộ xây dựng cũng khuyến khích các doanh nghiệp nên tổ chức các cuộc thi mang tính chuyên môn, vì hơn ai hết các doanh nghiệp chính là nơi để các bạn học hỏi rất nhiều điều”.

Dự án Chốt bảo vệ đã nhận được tổng giải thưởng 230 triệu đồng, trong đó 30 triệu đồng tiền thưởng và 200 triệu đồng tiền hỗ trợ thực hiện dự án. Dự tính dự án sẽ được thực hiện trong năm 2019 tại Khu đô thị ĐHQG TP.HCM.

 

Cuộc thi Insee Prize 2019 được phát động vào tháng 9-2018 với 282 bài tham dự đến từ 43 trường đại học trong cả nước. Top 5 bài xuất sắc đã được bước vào vòng chung kết diễn ra vào ngày 5-4-2019 tại ký túc xá khu B, ĐHQG TP.HCM.

Đây là cuộc thi truyền tải được quan điểm xây dựng bền vững, mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng, vượt ra khỏi khuôn khổ của một cuộc thi dành cho sinh viên. Cuộc thi cũng là sân chơi khoa học, đặc biệt những ý tưởng nghiên cứu sẽ không chỉ dừng lại trên giấy mà sẽ được áp dụng vào thực tế, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội.

Học sinh chế tạo cánh tay robot
Học sinh chế tạo cánh tay robot
(PL)- Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật mang tính ứng dụng thực tiễn đã được học trò thể hiện tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm