Chi ngàn đô rèn con thành tài từ 0 tuổi

Kinh phí “khủng”

Có rất nhiều phương pháp giáo dục sớm như dạy con kiểu Nhật, Glenn Doman, Shichida, Monterossi... hiện đang tiếp cận cha mẹ Việt dưới nhiều hình thức như bán học liệu, tổ chức hội thảo, lớp học.

Trên thị trường hiện tại, nhiều phương pháp giáo dục sớmđược nhiều bậc cha mẹ quan tâm và chiếm ưu thế hơn cả. Song, chi phí đầu tư cho học liệu rất tốn kém.

Nếu như phương pháp dạy con kiểu Nhật được chia làm 4 tập, giai đoạn 0 tuổi, 1 tuổi, 2 tuổi, 3 tuổi, mỗi tập có giá 59.000 đồng, thì với một chương trình rất tây, các bậc phụ huynh phải bỏ ra từ 1 đến 2 triệu/bộ học liệu. Cụ thể, bộ dạy trẻ học toán giá 1,9 triệu đồng, bộ dạy trẻ biết đọc sớm giá 2,5 triệu đồng, bộ dạy trẻ học tiếng Anh giá 1,9 triệu đồng, bộ dạy trẻ thế giới xung quanh 1,2 triệu đồng.

giáo-dục-sớm, tiền-triệu, tốn-kém, phụ-huynh, 0-tuổi, giáo-dục, flash-card, Glenn Doman hoc-lieu
Học liệu phương pháp Glenn Doman

Ngoài ra, nhiều trung tâm còn tổ chức các hội thảo miễn phí giới thiệu phương pháp giáo dục sớm, kèm theo đó là việc giới thiệu, thuyết phục các bậc cha mẹ tham gia các khóa tập huấn về dạy con. Học phí cho mỗi khóa học như vậy không hề nhỏ, dao động từ 5-10 triệu đồng trong vòng 2-3 ngày, với 5 khóa. Tính ra, để theo được phương pháp này, phụ huynh sẽ phải bỏ ra khoảng 30-50 triệu đồng.

Chị Minh Ngọc (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) kể, khi tham dự những hội thảo như vậy, thường các chuyên viên tư vấn sẽ tạo cho phụ huynh cảm giác rằng, chỉ có phương pháp kiểu tây mới đem lại sự phát triển trí não cho bé, và rằng nếu cha mẹ không tham gia khóa học và mua học liệu cho con thì họ không thực sự quan tâm đến con mình. Vô hình chung, tạo cho cha mẹ cảm giác hổ thẹn nếu không đầu tư và dạy con theo phương pháp đó.

Từng tham gia hội thảo đồng thời đăng kí học, mua học liệu đầy đủ cho con, anh Hoàng Văn Nam (Trần Đăng Ninh, Hà Nội) cho biết: “Sợ sau khi sinh con không có thời gian nên từ khi vợ mang bầu, vợ chồng tôi đã tham gia khóa học và mua học liệu cho con với tổng trị giá lên gần 40 triệu đồng. Từ khi sinh cháu tới giờ, tối nào vợ tôi cũng giơ thẻ từ và thẻ chấm cho con. Cũng chẳng biết có khiến con thông minh hơn hay không”.

giáo-dục-sớm, tiền-triệu, tốn-kém, phụ-huynh, 0-tuổi, giáo-dục, flash-card, Glenn Doman hoc-lieu
Trong ảnh là minh họa cho việc đưa flashcard cho trẻ từ 6 tháng, mỗi lần 5 giây, mỗi ngày vài lần.
Khác với vợ chồng anh Nam, những bậc phụ huynh muốn tiết kiệm chi phí học liệu thường tự làm học liệu cho con. Tuy nhiên, việc làm học liệu như vậy tốn rất nhiều thời gian và công sức. 

Chị Kiều Thanh (nhân viên một công ty có trụ sở trên phố Quán Thánh) kể rằng đợt vừa rồi phòng chị rủ nhau làm học liệu cho con tại cơ quan, mua đủ thứ giấy, bìa, bút màu... cắt cắt dán dán suốt gần một tháng trời chưa đủ bộ học liệu để dạy con thì đã bị sếp phê bình vì sao nhãng công việc.

Ngoài ra, có mức phí “khủng” không kém là một chương trình khác do một trung tâm đào tạo có cái tên nửa tây nửa Nhật mở ra với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài. Các học viên tham gia khóa học sẽ phải chi gần 60 triệu đồng.

Thông minh chưa thấy đâu

Trái ngược với những bậc phụ huynh tôn sùng phương pháp giáo dục sớm, nhiều cha mẹ đặt một dấu hỏi lớn cho hiệu quả thực sự của phương pháp này.

Một thành viên trên diễn đàn dành cho cha mẹ than thở, dạo quanh một vòng các diễn đàn về việc dạy con sớm, chị thấy chột dạ vì đâu đâu cũng "1 tuổi mà chưa dạy dỗ gì thì quá muộn". Nghĩ lại ngày xưa trẻ con vẫn long nhong chơi suốt ngày chứ đã học hành gì đâu, rồi thì chúng ta cũng lớn cũng đi học đi làm bình thường.

Cũng trên diễn đàn này, thành viên Yamanote chia sẻ: “Đưa flashcard (thẻ có hình ảnh, chữ viết, con số, khái niệm hoặc hình minh họa - PV) cho trẻ từ 6 tháng, mỗi lần 5 giây, ngày vài lần, để làm gì hả các mẹ? Nếu dùng cái bộ nhớ non nớt ấy để ghi nhớ mặt chữ, các chấm chấm, cháu sẽ biết đọc sớm, có khi biết đếm sớm, nhưng cháu còn nhiều thời gian để nhớ nét mặt mẹ, ông bà, để quan sát thế giới xung quanh không? Nếu các mẹ dạy theo phương pháp này mà vẫn có thể làm tất cả những điều trên, liệu có quá tải cho cả con lẫn mẹ?”.

Theo Wikipedia, mặc dù các phương pháp trên được không ít cá nhân danh tiếng ủng hộ nhưng các chương trình của họ dành cho trẻ tổn thương trí não bị chỉ trích ở nhiều nơi.

Theo Viện nhi khoa Hoa kỳ, cách điều trị kiểu này dựa trên một lý thuyết đã lỗi thời và đơn giản hóa quá mức về sự phát triển của não, tính hiệu quả của nó không có minh chứng y học, và việc áp dụng chúng là không có đảm bảo.

Theo Nhị Anh (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm