Trường ngoài công lập trước mùa tuyển sinh 2014 - Kỳ 2:

“Chỉ muốn bỏ trường mà đi...”

Trường ngoài công lập trước mùa tuyển sinh 2014 - Kỳ 1: Bán trường hàng loạt

 “Chỉ muốn bỏ trường mà đi...” ảnh 1

 GS.TSKH Hoàng Xuân Sính - - Ảnh: Trung Xuân

20 năm phát triển, ít ai ngờ quy mô đào tạo của các trường ngoài công lập chỉ dừng lại ở số lượng chưa đến 15% sinh viên (SV) cả nước. Vậy mà mười năm trước, chính Bộ GD-ĐT đã xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ có đến 40% SV trường ngoài công lập...

Tính thuế cả tiền gửi xe đạp

Những khó khăn của trường tư không phải đến bây giờ mới bộc lộ khi liên tiếp ba năm qua Hiệp hội Các trường ngoài công lập gửi kiến nghị đến Bộ GD-ĐT yêu cầu gỡ khó cho tuyển sinh bằng cách hạ điểm sàn, rồi bỏ điểm sàn. Trước khi tuyên bố bỏ điểm sàn, lâu nay đáp lại kiến nghị của các trường ngoài công lập, lãnh đạo bộ thường cho rằng chính các trường phải tạo dựng thương hiệu, đó mới là gốc của sức hút tuyển sinh.

GS.TS Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng, thừa nhận lập luận của bộ là lý thuyết chuẩn xác. “Nhưng hãy xem, Trường ĐH dân lập Hải Phòng là một trong 20 trường cả công và tư đầu tiên của VN được bộ kiểm định. Vậy mà năm năm trôi qua, bộ cũng chẳng kiểm định chất lượng thêm trường nào nữa. Trường muốn đi theo chất lượng mà không có cơ quan kiểm soát chất lượng, mãi không có được trung tâm kiểm định thì chính Bộ GD-ĐT phải xem lại mình. Ở trường tư người ta tính học phí cao, tính thuế giá trị gia tăng với cả tiền ăn, tiền ở, cả tiền gửi xe đạp của người học. SV phải gánh hết chi phí này nên chẳng ai thiết tha vào học” - GS Nghị phân tích.

Ở phía Bắc, đến giờ cũng chẳng có mấy nhà đầu tư công khai tuyên bố rời khỏi môi trường giáo dục, nhưng nhiều người vẫn đồn đoán về những cuộc chuyển nhượng âm thầm. Điều đáng nói dù những người đã dứt áo ra đi có thể còn ngại ngần tuyên bố, nhưng nhiều ông chủ hiện tại của các trường tư đã thốt lên ở nhiều diễn đàn về việc “có lẽ phải bỏ trường” khi “tất cả chẳng còn gì để mất”.

“Trường mới thành lập, chưa dựng được thương hiệu đã bị dừng tuyển sinh, không có người học, những người cùng hùn tiền của, công sức xây trường thấy chẳng sinh lời nên chỉ rậm rịch tìm cách thoái lui, chuyển nhượng” - chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) một trường tư than. Còn bà Trần Kim Phương, chủ tịch HĐQT Trường CĐ ASEAN, cũng bộc bạch đã có lúc “muốn bỏ trường mà đi” vì đủ thứ khó dồn về.

Cả trường có chưa đầy 10 giảng viên cơ hữu

Khi Bộ GD-ĐT tổ chức rà soát các ngành đào tạo ĐH rồi ra quyết định dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo ĐH vào tháng 1-2014, nhiều trường tư tìm đủ cách lo đối phó. Tới đây, khi Bộ GD-ĐT tiến hành hậu kiểm, về trường rà soát đội ngũ chứ không chỉ thông qua báo cáo, nhiều trường thừa nhận danh sách các ngành bị dừng tuyển sinh sẽ còn nối dài nữa.

Lãnh đạo một trường ĐH tư không giấu được lo lắng khi thực tế trường ông chỉ có chưa đến 10 giảng viên cơ hữu, trong đó chỉ có 1-2 tiến sĩ cho tất cả ngành đào tạo. GS Trần Phương, chủ tịch HĐQT Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, kể một trường ĐH tư ở phía Bắc lúc mới mở đã thấy “sừng sững” 20 ngành đào tạo, từ công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh đến hải sản, chăn nuôi... “Trường mới mở lấy đâu ra nhiều giáo viên thế? Vị chủ tịch HĐQT trường này đề nghị tôi cho mượn thầy giáo, tôi đồng ý. Nhưng mấy ông đó đứng tên chỉ làm cảnh thôi. Bộ cứ thấy tên trưởng khoa là tiến sĩ thì cho phép. Nhưng mấy ông tiến sĩ ngồi ở Hà Nội, dạy ở trường tôi đã hết hơi làm sao có thể đi hàng trăm kilômet để về trường đó dạy?” - GS Phương nói.

Thực tế nhiều nhà đầu tư kêu Nhà nước đừng đối xử với trường tư như doanh nghiệp, nhưng khi nhìn vào thực tế điều hành của những ông chủ này thì thấy rõ nhiều người không giấu được tham vọng “làm giáo dục được đóng vai sang trọng, lại dễ kiếm lời”. Ông Nguyễn Văn Thường, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH công nghệ và quản lý Hữu Nghị - trường vừa bị phanh phui đào tạo hàng trăm SV dưới điểm sàn bằng phiếu báo điểm giả, chia sẻ khi phát hiện sai phạm của công tác tuyển sinh, ông đã đề nghị nhà trường xử lý theo đúng luật, nhưng nhà đầu tư không chịu với cái lý buộc sinh viên thôi học sẽ thất thu nguồn học phí hàng tỉ đồng.

“Bị buộc phải vi phạm”

Tại hội nghị tổng kết 20 năm các trường ĐH, CĐ ngoài công lập được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 14-3, GS Cao Văn Phường, chủ tịch HĐQT Trường ĐH Bình Dương, nhận định từ thời điểm ra đời năm 1993 đến nay, các trường ngoài công lập vẫn hoạt động mà không có hành lang pháp lý đầy đủ để bảo vệ. “Quy định cứ thay đổi liên tục, trường sẽ phải chạy theo bằng cách nào? Dù không muốn vi phạm, nhưng vì cơ quan quản lý đặt ra những luật lệ không đúng quy luật, nên rốt cuộc chúng ta buộc phải vi phạm. Ngay lúc này đây, khi ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu lại Luật giáo dục vì còn nhiều điểm chưa ổn. Tôi đã chi 500 triệu đồng mời luật sư nghiên cứu vấn đề này và sẵn sàng góp sức, chia sẻ...” - GS Phường khẳng định.

Tuy nhiên, theo GS Hoàng Xuân Sính - chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long - trường ĐH tư đầu tiên tại VN, sự bất cập về chính sách không chỉ thể hiện ở những văn bản pháp quy cũ, mà ngay cả những chính sách mới ban hành cũng lộ ra nhiều điểm bất hợp lý. Đó là nguyên nhân làm cản trở sự phát triển của hệ thống giáo dục ĐH ngoài công lập, làm hệ thống này có nhiều nguy cơ sụp đổ và nguy hại hơn, còn làm hệ thống các trường ĐH công không có tiền để phát triển.

“Luật giáo dục ĐH năm 2012 quy định HĐQT trường tư có thêm một thành viên mới là chính quyền địa phương nơi trường đặt trụ sở, để trông nom tài sản chung của nhà trường. Họ có hiểu biết về giáo dục ĐH không? Họ ở cấp nào, phường, quận, hay tỉnh? Việc đưa họ vào trong HĐQT để trông nom tài sản chung sẽ gây nhiều rối loạn vì họ không hiểu biết gì về trường để biểu quyết về đường lối đưa trường đi lên. Trông nom tài sản chung chỉ nên dành cho những người sáng lập vì họ biết đưa trường đi đến đâu...” - GS Sính phân tích.

Ông Nguyễn Văn Thường (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH công nghệ và quản lý Hữu Nghị):

Người buôn đất đi mở trường ĐH

Trường ĐH mở tràn lan, đào tạo quá nhiều, chất lượng đào tạo kém vì cơ quan quản lý không kiểm soát được. Sự thật là nhiều người đầu tư vào trường ngoài công lập xuất thân là những nhà đi buôn bất động sản. Bất động sản thời hưng thịnh kiếm lời nhanh, người ta lấy tiền để đầu tư cho trường học. Nhưng khi bất động sản đóng băng, nguồn thu không có thì họ cũng chẳng có tiền để đầu tư cho trường nữa.

Theo NGỌC HÀ (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm