Cần một hướng ra cho ĐH Hùng Vương

Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM vừa thông báo từ ngày 21 đến 24-3 sẽ ký lại hợp đồng với 80 giảng viên, nhân viên. Trong số này, có 18 trường hợp được ĐH Hùng Vương TP.HCM ký lại hợp đồng và 62 trường hợp được Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hùng Vương (cổ đông của ĐH Hùng Vương) ký lại hợp đồng.

Theo ông Mạch Trần Huy, trợ lý thường trực Phó Hiệu trưởng, Phó phòng Tổ chức Pháp lý của trường, việc ký lại hợp đồng cho cán bộ, giảng viên nhằm hỗ trợ tái thiết nhà trường từ ngày 5-4 tới. Trong số 80 giảng viên, nhân viên trên, 79 người đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước đó và một giảng viên về hưu.

Cùng với các trường ĐH ngoài công lập khác như Văn Hiến, Kỹ thuật Công nghệ, Hồng Bàng, Văn Lang…, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM là một trong những trường ĐH dân lập ra đời đầu tiên ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Đại diện lãnh đạo Trường ĐH Hùng Vương cung cấp thông tin cho các nhà báo ngày 11-3. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Ngày khai giảng khóa đầu tiên năm 1995, GS Ngô Gia Hy, Chủ tịch Hội đồng sáng lập, tuyên bố tôn chỉ của trường là khoa học - phát triển - đạo đức. Trường hoạt động với phương châm: Lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu, không chạy theo số lượng; bất vụ lợi cá nhân; phát huy tối đa tính chủ động sáng tạo của sinh viên; kết hợp lý thuyết với thực hành, đáp ứng nhu cầu của đất nước, cộng đồng xã hội và sự tiến bộ của thế giới. Chương trình đào tạo chú trọng: Cơ bản - hiện đại - Việt Nam.

Thực hiện phương châm này, những cá nhân tham gia sáng lập trường những năm đầu đều làm việc với tinh thần bất vụ lợi. Tất cả là để xây dựng uy tín - nền tảng phát triển nhà trường.

Từ năm 2012, Trường ĐH Dân lập Hùng Vương TP.HCM chuyển từ mô hình dân lập sang tư thục. Ngỡ như vậy nhà trường sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động đào tạo, nhưng ai ngờ… Mâu thuẫn giữa những người sáng lập trường và các nhà đầu tư mới ngày càng trầm trọng. Một khi mục đích làm giáo dục khác nhau thì mâu thuẫn nảy sinh. Những mâu thuẫn nhỏ như mua sắm phương tiện, phân công cán bộ… thì có thể dàn xếp được. Nhưng riêng mâu thuẫn do xung đột quyền lợi, phân chia tài sản, lợi nhuận thì khó giải quyết êm xuôi. Tình cảm bắt đầu sứt mẻ. Sự đoàn kết có dấu hiệu rạn nứt.

Về sau, những vụ lùm xùm về phân chia lợi nhuận, tài sản của các nhóm cổ đông bùng phát, thậm chí có nguy cơ dẫn tới xung đột bằng vũ lực... UBND TP.HCM phải can thiệp, Bộ GD&ĐT phải tuýt còi. Uy tín nhà trường đi xuống. Tất nhiên hứng chịu nhiều thiệt thòi nhất là các sinh viên.

Người ngoài cuộc nhìn vào nói mâu thuẫn tại các trường tư thục là do quy định hội đồng quản trị nhà trường gồm quá nhiều thành phần dễ dẫn tới chia rẽ, đòi quyền lợi. Có người thì cho rằng cơ chế không sai, mâu thuẫn là do con người. Nhà đầu tư khi đã bỏ ra bạc tỉ thì phải tìm cách thu vào chứ không thu thì đầu tư làm gì. Từ đó nảy sinh xào xáo. Có người nói hãy bắt chước mô hình tư thục nước ngoài. Trường tư của họ chỉ có một ông chủ hay một tổ chức, thế là không còn mâu thuẫn.

Với nhiều nhà giáo, họ lại nghĩ khác: Làm giáo dục là bất vụ lợi. Nếu có nhiều nhà giáo cùng hướng đến mục đích này thì mâu thuẫn đâu nổ ra.

Uy tín, thương hiệu của Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM có được khó thể tính ra tiền bạc. 

Có lẽ lãnh đạo TP.HCM, Bộ GD&ĐT nên cùng ngồi lại với nhà trường để tìm cách tháo gỡ, vạch một hướng ra cho nhà trường. Vì việc xây dựng, phát triển một ngôi trường mới thật sự khó chứ việc xóa đi một ngôi trường thì quá dễ.

Đề nghị hỗ trợ trường tháo gỡ khó khăn

Ngày 17-3, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam có Văn bản số 32/HH-VP của UBND TP.HCM và Bộ GD&ĐTvề việc đề xuất giải pháp cho Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM. Trong đó, nêu ba ý kiến sau:

1. Cho phép Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM tổ chức đại hội cổ đông.

2. Công nhận hội đồng quản trị do đại hội cổ đông sẽ bầu ra để tiếp tục điều hành hoạt động của nhà trường.

3. Cho phép Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM được tuyển sinh trở lại sau khi trường đã được củng cố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm