Cán bộ, giảng viên đại học không tham gia kỳ thi THPT 2020

Chiều 20-5, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) để lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tổ chức thi 5 bài thi. Cụ thể: 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn thi thành phần vật lý, hóa học, sinh học; bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm các môn thi thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp thí sinh tự chọn.

Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT (phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn). Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể dự thi bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp trung cấp tham dự kỳ thi được dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp theo nguyện vọng.

Ngày thi, lịch thi được quy định trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GD&ĐT.

Nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Về hình thức thi: Các bài thi toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thi trắc nghiệm, bài thi ngữ văn thi tự luận.

Thời gian làm bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; toán 90 phút; ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với mỗi môn thi thành phần của bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Dự thảo quy chế thi quy định 3 đối tượng dự thi gồm:

Người đã học xong chương trình cấp THPT trong năm tổ chức kỳ thi. Đối tượng này phải đảm bảo được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém.

Riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn ở giáo dục thường xuyên thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm.

Người đã học xong chương trình cấp THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp ở những năm trước phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở và phải đảm bảo được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên, học lực không bị xếp loại kém.

Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 (tại trường nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi đăng ký dự thi), đảm bảo khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện về học lực theo quy định.

Người đã có bằng tốt nghiệp THPT, người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh. Người đã tốt nghiệp trung cấp phải đảm bảo học và thi đạt yêu cầu đủ số lượng các môn văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GD&ĐT.

Mỗi tỉnh tổ chức một hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì

Theo dự thảo, bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh.

Mỗi tỉnh tổ chức một hội đồng thi, do Sở GD&ĐT chủ trì, để tổ chức thi cho tất cả thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Mỗi hội đồng thi có các điểm thi để tổ chức khâu coi thi trong kỳ thi.

Giám đốc Sở GD&ĐT ra quyết định thành lập hội đồng thi và các ban của hội đồng thi.

Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng thi: Tiếp nhận đề thi gốc từ Sở GD&ĐT, tổ chức in sao đề thi; phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện quy chế thi; coi thi, bảo quản bài thi, làm phách, chấm thi, chấm phúc khảo; công bố kết quả thi theo quy định của quy chế thi…

Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT nêu rõ: Cán bộ coi thi là giáo viên THPT hoặc trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh; cán bộ giám sát phòng thi là giáo viên trường phổ thông.

Quy trình chấm thi tự luận và trách nhiệm vẫn được quy định chặt chẽ bao gồm các khâu giám sát và camera giám sát 24/24 giờ những khu vực bảo quản đề thi, bài thi, khu vực chấm thi.

Ở khâu chấm thi, dự thảo vẫn quy định việc chấm kiểm tra 5% số bài thi rút ngẫu nhiên. Bên cạnh đó, trường hợp cần thiết, bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ quyết định thành lập hội đồng chấm thẩm định toàn bộ hoặc một số bài thi, kiểm tra kết quả chấm phúc khảo của một số hội đồng thi.

Điểm khác biệt lớn trong dự thảo quy chế thi THPT năm 2020 là cán bộ, giảng viên trường đại học sẽ không tham gia tổ chức coi thi, chấm thi như năm 2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm