Cách dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam chẳng giống ai

Chuyện dạy và học ngoại ngữ không phải bây giờ mới “nóng”. Thời ông Nguyễn Thiện Nhân còn làm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã xới lên rồi. Đỉnh điểm là Đề án dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông với các cuộc tranh luận chọn “ngoại ngữ nào” là chính, tốn biết bao thời gian, công sức.

Rồi cái đề án ấy cũng được tiến hành nhưng bây giờ ngành giáo dục lại thấy vẫn chưa ổn, phải tính lại.

Từ thực tế việc dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông, có thể thấy học sinh chưa đạt môn ngoại ngữ là chuyện không có gì lạ.

Cách dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam chẳng giống ai ảnh 1Cách dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam chẳng giống ai (Ảnh minh họa)

Thứ nhất: giáo viên ngoại ngữ trình độ còn rất hạn chế. Cái này chính Bộ GD-ĐT cũng đã thừa nhận. Năm 1980 tôi học cấp II ở Tp.HCM. Còn nhớ khi đó, trong giờ nghỉ giải lao, các thầy trò chuyện với nhau bằng tiếng Anh một cách thoải mái khiến học sinh chúng tôi ngưỡng mộ vô cùng. Chính điều đó đã ươm mầm niềm đam mê học ngoại ngữ chứ không phải điều gì khác.

Còn hôm nay thì sao? Liệu chúng ta có dễ dàng tìm được một giáo viên THCS trao đổi với đồng nghiệp bằng ngoại ngữ một cách tự tin không?

Thứ hai: số học sinh trong một lớp hiện quá đông, không thích hợp cho mô hình học và dạy ngoại ngữ.  

Thứ ba: SGK, phương pháp giảng dạy và cách thi cử của chúng ta dường như quá tham lam, ôm đồm. Có nhất thiết đòi hỏi phải dạy tốt cả 4 kỹ năng (nghe-nói-đọc-viết) ngay từ lớp 3, thậm chí từ lớp 1? Đề thi nếu chỉ "nhắm" vào ngữ pháp cliệu đã hoàn toàn hợp lý?

SGK ngoại ngữ cũng là những cuộc tranh luận không hồi kết, trong đó có việc ta soạn hay mượn của Tây. Thực tế cho thấy nhiều nơi lấy nguyên giáo trình nước ngoài dạy, học sinh vẫn giỏi, có sao đâu.

Học ngoại ngữ là học văn hóa của nước có ngôn ngữ đó, học cách tư duy (ngôn ngữ) của người bản xứ. Vậy hà cớ gì ta không sử dụng chính giáo trình do họ soạn cho đỡ tốn kém mà độ tin cậy lại rất cao? Có ý kiến cho rằng nếu vay mượn như vậy học sinh không biết giới thiệu đất nước VN cho bạn bè thế giới. Tôi cho rằng việc đó là thứ yếu. Một số người Việt ở nước ngoài thường cười vui khi đọc báo (hoặc văn bản) của ta viết bằng tiếng Tây. Họ bảo: Tây vẫn hiểu nhưng chắc chắn họ không viết như thế. Phải chăng đó chính là hệ quả của việc chưa rèn cách tư duy ngôn ngữ theo kiểu người bản xứ? 

Hiện nay, thời gian dành cho phần thực hành trong dạy và học ngoại ngữ không đủ và không phải giáo viên nào cũng biết cách tổ chức thực hành cho hiệu quả. Do vậy, nhiều giáo viên bỏ qua hoặc biến nó thành giờ dạy ngữ pháp để đối phó với các kỳ thi.

Có người ví học ngoại ngữ hiện như một cuộc thi leo thang. Học sinh và giáo viên cứ mải miết leo và đinh ninh đến nấc thang cuối cùng mặc nhiên sẽ nghe-nói-đọc-viết làu làu?! Điều đó không đúng! Sự thực đã chứng minh, học sinh hoàn thành bậc THPT, thậm chí là tốt nghiệp ĐH, vẫn chưa giao tiếp bằng ngoại ngữ được. Vì sao? Vì chúng ta chưa quan tâm tới khâu thực hành. Thời thuộc Pháp, lấy được bằng Diplome (tú tài) là học sinh sử dụng tiếng Pháp khá trôi chảy rồi.

Với một số lượng từ vựng nhất định, nếu biết sử dụng nhuần nhuyễn, hoàn toàn có thể diễn đạt nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực ở mức độ giản đơn. Ngược lại, ôm một đống ngữ pháp và từ vựng nhưng không biết cách sử dụng (không sử dụng thường xuyên) thì chỉ trong một thời gian ngắn, chữ thầy lại trả thầy thôi./.

Theo Ngô Thiệu Phong/VOV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm