Bộ Giáo dục có sẵn lòng chia quyền lực với các tỉnh?

Bớt quyền của Bộ?

Dự thảo (lần thứ nhất) nghị định của Chính phủ về “Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục” công bố hôm 20/4 nói rõ, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, cách chức, giáng chức vị trí người đứng đầu trường ĐH, CĐ ở địa phương được giao cho Chủ tịch UBND tỉnh.

Ngoài ra, địa phương còn có quyền công nhận hoặc không hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, hiệu trưởng trường đại học tư thục trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh còn được giao quyết định công nhận hội đồng trường các trường đại học công lập thuộc tỉnh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Cùng với giao quyền quyết định nhân sự, dự thảo nhấn mạnh trách nhiệm địa phương trong việc giám sát chất lượng cơ sở đào tạo đại học đóng trên lãnh thổ.

Còn trách nhiệm quản lý của Bộ GD-ĐT được "quy hoạch lại" ra sao?

Theo dự thảo, Bộ này sẽ đảm nhiệm 11 nhiệm vụ, vẫn là những việc làm chính sách như: xây dựng quy định về điều kiện, thủ tục thành lập, cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục đối với các trường ĐH; quyết định thành lập; ban hành tiêu chuẩn cụ thể về người đứng đầu, hướng dẫn quy hoạch cán bộ quản lý giáo dục, quy trình bổ nhiệm, cách chức, giáng chức,v.v...

Ngoài ra, còn phải ban hành các quy định liên quan đến tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục; quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục,v.v..

Cái lý của ngành

Từ năm 1998 đến 2009, có 312 trường ĐH, CĐ được thành lập, nâng cấp. Đến nay, đã 40 trong số 63 tỉnh thành có trường ĐH và chỉ còn 3 tỉnh chưa có trường CĐ.

Chủ trương phân cấp quản lý cho các địa phương tham gia giám sát chất lượng đào tạo các trường đại học xuất phát từ thực trạng được nêu tại một hội nghị tổng kết năm học của ngành ĐH năm 2009.

Cụ thể, trong hai năm 2007- 2008,  Bộ GD-ĐT thanh tra được 19/33 trường ĐH thành lập từ 1998. Trong số đó, mới chỉ 13 trường được thanh tra về các điều kiện chất lượng như cơ sở vật chất, giảng viên, chương trình đào tạo.

Người đứng đầu ngành giáo dục tính toán, nếu phải đi thanh tra gần 400 trường, mà mỗi tuần, đi được 2 trường thì "phải 3,5 năm mới hết một vòng".

Trong một số vụ việc "lùm xùm" về chất lượng các trường ĐH mới mở ở địa phương gần đây, một lý do được đưa ra là việc thẩm định hồ sơ thành lập của trường mới chỉ thực hiện "trên giấy" chứ chuyên viên của Bộ chưa đi cơ sở.

Bởi vậy, công việc "giám sát chất lượng" được định hướng giao cho địa phương.

Theo dự thảo, địa phương có trách nhiệm thành lập bộ máy giúp việc thuộc sở giáo dục và đào tạo để giúp UBND cấp tỉnh kiểm tra, giám sát các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn.

Trong những tháng đầu năm 2010, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ròng rã đi khắp trong Nam, ngoài Bắc đi thực hiện chuyên đề giám sát về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học". Một số kết quả dường như cũng đồng cảm với tình cảnh "thiếu sự đồng thuận xã hội" trong công tác quản lý giáo dục.

Báo cáo mới nhất của đoàn giám sát công bố ngày 15/4 cho rằng, thực tế, giáo dục đào tạo chưa trở thành mối quan tâm hàng ngày, được chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của lãnh đạo. Thậm chí, ngân sách nhà nước phân bổ cho giáo dục đào tạo ở nhiều địa phương cũng dễ dàng bị cắt xén, điều chuyển cho công việc khác. Ngay như năm 2008, có tới 27 tỉnh, thành trong cả nước không bố trí đủ ngân sách cho giáo dục đào tạo theo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Đào Trọng Thi, Phó đoàn giám sát cho hay, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện ở những mức độ rất khác nhau, tùy theo cách hiểu của từng nơi. Một thực tế là Bộ GD-ĐT chưa tập trung làm tốt trách nhiệm quản lý nhà nước mà đang làm thay nhiều việc của các cơ sở.

Nỗi lo của làng giáo

Chủ trương này khi mới rậm rạp đưa ra từ năm 2009 đã gây tranh cãi trong làng giáo dục. Những lo lắng chủ yếu là tình trạng liệu "cháo chấm cơm" có kham nổi trách nhiệm giám sát? Khi mà đội ngũ năng lực chuyên môn của các cơ quan tham mưu cho địa phương - ở đây là Sở GD-ĐT vốn quen làm công tác giáo dục phổ thông lại được giao thêm quyền giám sát bậc đại học...

Một quan ngại khác, làm như vậy chỉ làm khổ thêm các trường đại học vì khi đó 1 trường Đại học sẽ chịu quản lý chồng chéo. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế và Quản trị kinh doanh thuộc ĐH Thái Nguyên đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ phải chịu sự quản lý của 3 "Bộ" là: ĐH Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên và Bộ GD-ĐT.

Một giáo sư có tham gia vào đoàn khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua phân tích, sự phân cấp quản lý chính là trao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội của cơ sở ĐH, giải phóng năng lực sáng tạo và quyết đoán của các trường, tạo nên sức sống mới trong chất lượng Đ. Bản chất của việc "phân cấp quản lý" là san sẻ quyền lực. Với dự thảo phân cấp này, quyền lực có được san sẻ thật chứ không phải chuyển từ cơ chế xin - cho trực tiếp (Bộ - trường) sang cơ chế xin - cho trung gian (Bộ - Sở - trường) là điều mà ông băn khoăn.

  • Theo Hằng Vân (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm