Bộ GD-ĐT nói gì về thống kê bỏ học "vênh" thực tế?

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, đang yêu cầu địa phương báo cáo HS bỏ học đến từng trường. Sẽ biên soạn tài liệu "Học để làm gì?" để tuyên truyền đến phụ huynh HS.

Ai báo cáo sai phải chịu trách nhiệm

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Bộ không có bệnh thành tích. Từ trước đến nay, cũng không phê bình các địa phương năm vừa rồi thi không tốt mà phải xem lại đúng thực tế".

Số HS bỏ học trong học kỳ 1 trên cả nước được Bộ GD-ĐT công bố là hơn 110.000. Trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây có phản ánh về con số đó khác xa so với thực tế. Thậm chí, có những địa phương, số HS bỏ học "vênh" đến hàng chục lần so với báo cáo.

Trước tình hình đó, ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, tình trạng bỏ học chưa có dấu hiệu đột biến, nhưng ở một số địa bàn có diễn biến phức tạp. Có dấu hiệu tăng lên ở cấp THCS, THPT tại những nơi kinh tế - xã hội khó khăn.

"Con số bỏ học khác nhau do mốc thời gian khác nhau. Vừa rồi, chúng tôi đi các tỉnh Tây Bắc thấy tình hình bỏ học bình thường. Có những nơi ít HS đi học như ở miền núi Quảng Ngãi, đó là những nơi phức tạp, có vấn đề", ông Tần nhấn mạnh.

Ví dụ ở Hòa Bình, khi Thứ trưởng GD-ĐT Bành Tiến Long đi kiểm tra, số lượng HS các trường THPT ở huyện Kim Bôi bỏ học cao hơn hẳn. Nguyên nhân là do HS nhận thấy khả năng không đỗ tốt nghiệp nên đi xin việc làm ở các khu công nghiệp, đi học nghề và làm việc luôn. Nguyên nhân thứ hai là kinh tế đời sống.

Ông Tần lý giải có 2 loại bỏ học: bỏ không học nữa và bỏ học để tìm việc làm, học nghề.

Trên quan điểm người đứng đầu ngành giáo dục, ông Nhân nhìn nhận, chương trình học nặng và quá tải. Nếu áp dụng cho học 2 buổi thì vừa nhưng 1 buổi đã có hướng dẫn đầy đủ chưa(?)

Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, vẫn còn những giáo viên người dân tộc (ví dụ ở Hòa Bình) đánh vần tiếng Việt không thành thạo; những giáo viên trình độ 9+2, 10+3 vẫn còn. "Đây là lỗi của ngành giáo dục", Bộ trưởng Nhân nhìn nhận.

Trước việc số HS bỏ học không khớp giữa báo cáo và thực tế, ông Tần khẳng định, khi chứng minh được độ "vênh" thì ai làm ra báo cáo sẽ phải chịu trách nhiệm nếu "báo cáo sai sự thật".

Tuy nhiên, quá trình giám sát thuộc về địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quản lý giáo dục phổ thông, Giám đốc Sở GD-ĐT ký văn bằng. Bộ chỉ kiểm tra xác suất một số tỉnh, thành. Đồng thời, động thái của Bộ là đôn đốc thực hiện các công văn của Bộ.

Vừa qua, Bộ có yêu cầu các sở báo cáo số HS bỏ học trong học kỳ I. Nhưng thực tế, thời gian gấp gáp, nhiều sở báo cáo số liệu đến thời điểm 30/11/2007, hoặc đến hết học kỳ 1. Tuy nhiên, gần đây có 3 sở khiếu nại con số Bộ đã đưa ra. Chúng tôi trả lại cho họ chính báo cáo họ gửi đến, chính họ lại phủ định con số của họ, ông Tần dẫn chứng.

Dự kiến, cuối tháng 4, Bộ sẽ công bố số liệu HS bỏ học với con số cụ thể của từng trường.

Biên soạn tài liệu "Học để làm gì?"

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi ý, Bộ phải biên soạn bộ tài liệu nói rõ lý do tại sao phải đi học để làm công cụ tuyên truyền cho phụ huynh. Tài liệu này phải nói rõ, nhu cầu con người thế kỷ 21 ra sao, đi làm việc công nghiệp cần đến đâu; Nhà nước có thể hỗ trợ được cái gì (gạo, sách vở...) và đưa ra những tấm gương vượt khó để đi học...

Theo Nghị định 135 của Chính phủ về việc hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, ngoài vốn vay còn có tiền hỗ trợ đi học từ lớp 1. Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề này làm chưa tốt. Đến giờ vẫn chưa thông báo có bao nhiêu tỉnh cần sử dụng nguồn này với mức hỗ trợ 120-150 nghìn đồng cho một HS đi học.

Về chương trình và SGK, ông Nhân đề nghị xem xét theo 2 phương án: học hết các môn giảm bớt trình độ hay bỏ bớt môn giữ nguyên trình độ. Ví dụ, các môn nhạc, họa ở miền núi không có điều kiện dạy học có thể bỏ hẳn.

Bên cạnh đó, ngành và các địa phương cũng cần xét đến khoảng cách đi học của HS. Ví dụ, với HS lớp 5, 6 khoảng cách 5km có thể đi xe đạp đến trường, nhưng xa hơn thì xây điểm trường mới.

Ông Tần cho biết, trước mắt, giao cho giáo viên chủ nhiệm và phân tích nguyên nhân (về đời sống, học lực yếu, khuyết điểm của nhà trường hay lý do khác...) bàn với phụ huynh, chính quyền địa phương, đoàn thể để chủ động vận động HS ngay từ khi mới bỏ học. Một số HS yếu chọn sang học bổ túc, không nên vận động ngược lại từ bổ túc sang phổ thông.

Tới đây, Vụ Giáo dục trung học sẽ có hướng dẫn cụ thể trong việc thống kê HS bỏ học. Ví dụ, có số liệu bỏ học học kỳ 1, học kỳ 2 và bỏ học qua hè. Tổng 3 con số này là số bỏ học của năm học đó. Vừa qua, cách tính chưa thống nhất do địa phương chưa nắm vững về nghiệp vụ nên dẫn đến thống kê có vấn đề.

Bộ cũng sẽ yêu cầu địa phương phân loại HS sau bỏ học các em đi đâu. Ông Tần cũng có kiến nghị, về mặt nghiệp vụ, không so sánh bỏ học của một học kỳ với cả năm, hai con số mang tính chất khác nhau.

Bộ GD-ĐT nói gì về thống kê bỏ học "vênh" thực tế? ảnh 1Ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT

- Giáo viên vùng khó khăn phải rất vất vả để vận động HS đến trường, Bộ có chủ trương tăng định xuất giáo viên ở những vùng, miền này không?

Định mức giáo viên thế nào đã có quy định của Nhà nước, nhưng đến giờ họ đã tuyển đủ giáo viên đâu. Giáo viên đã được tuyển và Nhà nước trả lương, do đó phải làm hết sức mình trong việc tổ chức giảng dạy HS và giữ HS ở lại lớp để dạy.

- Muốn giải quyết bài toán quy mô phải xem nhẹ bài toán chất lượng, còn nếu muốn nâng cao chất lượng đồng nghĩa với giảm quy mô, theo ông chúng ta đang tập trung vào quy mô hay chất lượng?

Khả năng Nhà nước đầu tư cho giáo dục là khả năng xác định, không phải vô hạn. Chúng ta phải tận lực phát triển giáo dục tiểu học, THCS để thực hiện mục tiêu phổ cập.

Nhà nước thiếu thì phải tăng đầu tư để đảm bảo cho mọi công dân đều được học hết THCS. Còn cấp THPT người ta phát triển quy mô tương ứng với khả năng đảm bảo chất lượng.

Theo VietNamNet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm