Bộ GD&ĐT nhận trách nhiệm thiếu sót về kỳ thi THPT quốc gia

Ngày 30-7, được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tạo điều kiện và chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi trao đổi với nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước về các vấn đề nóng của giáo dục trong thời gian qua như chất lượng kỳ thi THPT, phương pháp tổ chức thi, gian lận thi cử diễn ra tại Hà Giang, Sơn La... cũng như phương hướng tổ chức kỳ thi THPT trong các năm tiếp theo.

Đề khó, giao địa phương chấm thi còn yếu kém

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định trước hết về những thiếu sót của kỳ thi vừa qua, Bộ GD&ĐT xin chịu trách nhiệm do đề thi chưa phù hợp với kỳ thi (đề khó so với yêu cầu của thi THPT quốc gia, việc phản biện đề tuy có làm nhưng chất lượng chưa cao).

Bộ trưởng cho rằng phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn bộc lộ nhiều điểm yếu. Quy trình chấm thi giao cho địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có thể gian lận, vẫn còn là yếu kém của kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Bộ trưởng cho biết việc cần làm hiện tại để đảm bảo chất lượng và công bằng ở kỳ thi năm tới là cần xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm theo chuẩn, đúng quy trình và đảm bảo bám sát yêu cầu của kỳ thi là chủ yếu xét tốt nghiệp THPT. Thực hiện việc phản biện đề thi chất lượng hơn, trong đó phải có nhóm độc lập giải thử đề thi để đánh giá mức độ của đề thi có phù hợp với thời gian thi hay không.

Tổ chức chấm thi tập trung theo các cụm thi. Trong đó, những công đoạn quan trọng sẽ do các cán bộ ở trường đại học, học viện thực hiện. Nghiên cứu việc chấm thi môn ngữ văn cũng theo hình thức này. Các tổ chấm thi không biết bài thi của địa phương nào. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cảm ơn các chuyên gia về việc trao đổi, làm rõ những điều đã đạt được, những ưu điểm của kỳ thi và đặc biệt là những thiếu sót của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về các vấn đề nóng của giáo dục nước nhà vào ngày 30-7. Ảnh: H.PHƯỢNG

Sẽ cải tiến để thi cử tốt hơn

GS Nguyễn Minh Thuyết góp ý trong cuộc tọa đàm: “Trước mắt, theo tôi, cần tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia như hiện nay theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng từ trước và của bộ trưởng là ổn định kỳ thi này cho đến hết năm 2020.

Có điều là cần phải làm rõ tính chất của kỳ thi là gì. Tính chất của kỳ thi này là tốt nghiệp THPT chứ không kèm thêm mục tiêu dùng để tuyển sinh đại học. Nếu xác định được mục tiêu như thế thì kỳ thi cũng sẽ nhẹ nhàng, đề thi cũng không cần cố gắng phân loại quá nhằm mục đích tuyển sinh mà chỉ ở mức độ kiểm tra kiến thức, kỹ năng ở phổ thông. Các trường đại học có thể dựa vào và coi như đây là một trong những căn cứ để xét tuyển mà thôi. Có trường dựa trên kết quả kỳ thi này nhưng cũng có trường tổ chức kỳ thi bổ sung hoặc có hình thức đánh giá nào đó là tùy thuộc vào các trường”.

Cuộc họp quy tụ nhiều chuyên gia giáo dục

Tham dự cuộc họp cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào ngày 30-7 vừa qua có: Nguyên Phó Chủ tịch nước-Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; GS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; lãnh đạo của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Thăng Long; các chuyên gia từng có ý kiến phân tích về kỳ thi như GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, GS Phạm Tất Dong, GS Nguyễn Lân Dũng, nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, TS Lê Trường Tùng, TS Quách Tuấn Ngọc, TS Lê Thống Nhất, TS Lương Hoài Nam và một số chuyên gia giáo dục.

Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng. 

Các đại biểu tham gia buổi họp cho biết tinh thần của tọa đàm là trao đổi, lắng nghe, còn những thay đổi, cải tiến cụ thể cho các kỳ thi năm tới sẽ được thảo luận kỹ hơn.

Về bài thi trắc nghiệm, nhiều đại biểu có ý kiến bài thi này cũng cần được làm và rọc phách. Cùng với đó, sau khi thí sinh thi xong thì tiến hành niêm phong và đưa về chấm tập trung do Bộ GD&ĐT giám sát. Tức là Bộ có thể tổ chức làm 3-4 cụm chấm thi ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,…

Do việc chấm bằng máy sẽ diễn ra rất nhanh nên sẽ do người của Bộ đứng ra phụ trách các điểm chấm này. Việc chấm bằng máy không cần huy động người của địa phương. Có thể huy động một số cán bộ có chuyên môn từ THPT hoặc đại học đến chấm.

Trước những bê bối gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La trong mùa thi vừa qua, tọa đàm thống nhất quan điểm: Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Kỳ thi có đủ tin cậy hay không, có nghiêm túc hay không vẫn phụ thuộc vào yếu tố con người.

Phần lớn chuyên gia đồng ý với hướng thay đổi cách ra đề để có thể lấy kết quả kỳ thi này xét tốt nghiệp THPT mà không phải cộng điểm học bạ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng kết quả thi chỉ nên là một phần, không dựa tuyệt đối vào một yếu tố.

Kỳ thi THPT quốc gia tồn tại nhiều bất cập

Đề thi THPT quốc gia 2018 là khó và quá khó đối với học sinh, không chỉ các môn toán, tiếng Anh hay tổ hợp khoa học tự nhiên mà kể cả ngữ văn và lịch sử.

Phần mềm chấm thi trắc nghiệm có nhiều kẽ hở về bảo mật, phiếu trả lời trắc nghiệm không có phách nên đã xảy ra tiêu cực như ở Hà Giang. Coi thi ở các địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có kẽ hở cho việc gian lận.

Bệnh thành tích còn trầm trọng và phổ biến thể hiện ở việc đánh giá kết quả học tập của các nhà trường đã tạo “phao cứu sinh” cho xét tốt nghiệp THPT.

Ngân hàng đề thi trắc nghiệm chưa chất lượng, các tổ ra đề còn chưa được đào tạo chuyên nghiệp về ra đề trắc nghiệm, thậm chí còn chưa biết phát huy ưu điểm kiểm tra rộng kiến thức hơn so với thi tự luận.

TS Lê Thống Nhất 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm