Bộ GD&ĐT lo không ai viết SGK?

Xã hội đồng tình chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK). Nhưng cách thức triển khai như thế nào, ai viết, thẩm định ra sao, sử dụng như thế nào? Sáng 6-11 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT cùng Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức diễn đàn bàn về những vấn đề này.

Phải có tính kế thừa

Ông Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Chủ tịch VUSTA, cho rằng chương trình và SGK là khâu quan trọng, nếu xóa hết để làm lại từ đầu thì không nên vì có những quyển sách viết rất hay, phải kế thừa.

Đồng tình với quan điểm trên, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng không thể xóa đi làm lại từ đầu vì không đủ thời gian từ nay đến năm 2020. “Làm thế rất gấp. Thay đổi hoàn toàn 150 đầu sách làm sao đảm bảo chất lượng?” - ông Thuyết lo ngại. Theo GS Thuyết, thay đổi nên có lộ trình, những quyển nào không dùng được nữa thì nên thay, những quyển dùng được thì giữ lại, đổi mới phương pháp dạy, động viên các tổ chức, cá nhân viết dần, thay dần SGK.

GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu, Quyền Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn giáo dục Ủy ban MTTQ Việt Nam, dẫn chứng bao nhiêu năm qua bao lớp học sinh học chương trình ấy, sách ấy nhưng vẫn có kết quả tốt. “Tôi tha thiết đề nghị phải có tính kế thừa, mà muốn kế thừa phải rà soát cái hiện có, cái gì yếu bỏ đi, còn cái gì tốt thì nhất định phải kế thừa” - bà Châu nói.

GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng nên giao việc biên soạn SGK cho các hội khoa học nghề nghiệp. Ảnh: THANH HÙNG

Nên giao các hội khoa học viết sách

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu băn khoăn khi Bộ GD&ĐT viết một bộ sách thì sẽ không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của bộ này. Nhưng Bộ GD&ĐT lại lo ngại nếu bộ này không viết thì “nhỡ” không có ai viết thì sao?

GS Thuyết cho rằng câu trả lời rất đơn giản là Bộ GD&ĐT giao cho một đơn vị trực thuộc làm, như Nhà xuất bản Giáo dục, vừa đảm bảo sự công bằng vừa không tốn tiền. “Khi đã có một chương trình rồi mình để cho các tổ chức, cá nhân biên soạn. Nhưng tốt nhất đầu mối nên là các nhà xuất bản. Bởi lẽ theo Luật Xuất bản, chỉ có nhà xuất bản mới có quyền in sách, xuất bản sách. Tốt nhất các nhà xuất bản nên đứng ra để tổ chức các nhóm tác giả viết sách” - GS Thuyết nêu ý kiến. Theo GS Thuyết, vấn đề quan trọng là sau khi có các bộ SGK rồi thì Bộ phải tổ chức các hội đồng thẩm định thật chu đáo.

GS Nguyễn Lân Dũng thì cho rằng để có được bộ SGK đạt chất lượng, việc thứ nhất phải có chương trình thật tốt, chương trình đó quyết định mọi vấn đề. Sau khi có chương trình tốt thì giao cho các hội khoa học nghề nghiệp viết sách. “Tôi kiến nghị chương tình từng môn do hội khoa học làm, bộ duyệt” - GS Dũng đề nghị.

Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Ngọc Phú, Tổng Thư ký Hội Tâm lý học Việt Nam, cho rằng: “SGK viết nên giao cho các hội khoa học. Hội Vật lý viết SGK vật lý, Hội Sinh học viết sách sinh học… Họ biết được trong hội đấy những người nào giỏi”.

Đồng tình với chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK nhưng nhiều đại biểu lo ngại ai sẽ là người chọn SGK cho học sinh học.

GS Nguyễn Minh Thuyết tán thành việc giao cho nhà trường quyết định lựa chọn SGK vì nhà trường sâu sát học sinh nhất. Để lựa chọn sách nên dựa vào ý kiến bàn thảo và quyết định của các tổ chuyên môn là những giáo viên trong trường.

PGS Văn Như Cương thì cho rằng Sở GD&ĐT sẽ quyết định chọn và các trường sẽ chọn theo Sở vì việc học sách nào sẽ liên quan đến thi cử, mà thi ở phổ thông do các sở ra đề.

_______________________________________

Bộ GD&ĐT sẽ có quy định cụ thể về việc ai chọn SGK và hiệu trưởng phải thực hiện đúng quy định này để tránh các vấn đề nảy sinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm