Bình Thuận tiếp tục nhân rộng mô hình trường học mới VNEN

Thông tin trên được ông Huỳnh Văn Hiếu, Trưởng phòng Mầm non và Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết tại buổi gặp gỡ với đoàn công tác của Bộ GD&ĐT và báo chí vào chiều 17-5 tại trường tiểu học Tân An 2, Bình Thuận.

Trường tiểu học Tân An 2, Hàm Tân, Bình Thuận là một điển hình trong việc thực hiện mô hình VNEN. Trong ảnh là học sinh của trường trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo ông Hiếu, mô hình VNEN được triển khai tại tỉnh Bình Thuận từ năm học 2012-2013. Đây là phương pháp dạy học chuyển đổi hình thức từ chỗ giáo viên truyền thụ kiến thức sang việc học sinh tự giác, tự học, lấy học sinh làm trung tâm, hoạt động ở quy mô lớp thành hoạt động ở quy mô nhóm.

“Trong khi một số tỉnh thành khác mô hình này đã “chết”, thì tại Bình Thuận VNEN đang phát triển bên vững, bởi chúng tôi không phát triển ồ ạt, chỉ phát triển ở quy mô nhỏ. Mỗi năm khoảng 10 trường, số lượng ít nhưng đảm bảo chất lượng về đội ngũ, cơ sở vật chất. Cho nên dù có nhiều sóng gió nhưng Bình Thuận vẫn liên tục mở rộng phát triển, duy trì được mô hình VNEN. Đến nay 100% các trường học trên địa bàn đều tổ chức học nhóm và đánh giá thường xuyên học sinh theo thông tư 22, không còn cảnh học sinh ngồi nghe cô giảng, điều đó chỉ có ở lớp 1. Trong đó 99 trường tiểu học đã áp dụng toàn phần mô hình trường VNEN”, ông Hiếu cho biết.

Ông Hiếu chia sẻ thêm, ngay tại đảo Phú Qúy, dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng sở cũng đã triển khai được mô hình VNEN. Để thực hiện, Sở đã đưa đội ngũ cốt cán từ trong đất liền ra đảo tập huấn về chương trình. Làm tốt công tác truyền thông để phụ huynh, thầy cô giáo cùng hiểu, nắm bắt được tinh thần đổi mới phương pháp dạy học. Nhờ vậy các trường đã phát triển tốt, nay có ba trường trên đảo phát triển mô hình này.

Theo ông Hiếu, một mô hình trường học muốn triển khai thì quan trọng nhất chính là kết quả học tập của học sinh. Hàng năm Sở GD&ĐT vẫn so sánh kết quả học tập giữa những trường theo mô hình trường học mới và các trường theo phương pháp truyền thống. Qua đó cho thấy học sinh học ở môi trường mới có sự phát triển vượt trội. Phụ huyhnh cũng thấy được sự thay đổi của con từ việc tự giác học. Vì thế phụ huynh dần dần đồng ý triển khai mô hình này.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn chưa được giải quyết. Đơn cử như cơ sở vật chất của một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình. Diện tích phòng học thiết kế theo cách truyền thống nên có phần hạn chế trong tổ chức hoạt động dạy học trong nhóm. Một số trường có sĩ số trên 40 học sinh/lớp nên việc ngồi học theo nhóm chưa thuận lợi. Cạnh đó một số giáo viên vẫn chưa nắm rõ được phương pháp… "Nhận thấy được hạn chế này, Sở sẽ từng bước khắc phục", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm, năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT vẫn tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình VNEN trên tinh thần tự nguyện tùy theo điều kiện của từng nơi để triển khai thực hiện phù hợp. Sở đã tổ chức khảo sát để lấy ý kiến phụ huynh về việc tổ chức dạy học mô hinh này.

Đối với các trường đang thực hiện mô hình trường học mới cần phải đánh giá kết quả, tổng kết kinh nghiệm thực hiện, vận động các lực lượng xã hội cùng tham gia. Tổ chức lấy ý kiến phụ huynh để tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh.

Đối với các trường chưa thực hiện mô hình, khuyến khích các trường có đủ điều kiện (về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tổ chức dạy 2 buổi/ngày) nhưng chưa tham gia mở rộng mô hình tổ chức lấy ý kiến phụ huynh có con vào học lớp 2 năm học tới. Trên cơ sở khảo sát lấy ý kiến phụ huynh, các trường thống kê, tổng hợp để Sở có hướng giải quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm