Bí thư Đinh La Thăng đề nghị ngành giáo dục TP.HCM thực hiện 5 nhiệm vụ

Tại hội nghị, Bí thư ghi nhận nỗ lực của TP trong điều kiện còn nhiều khó khăn và áp lực nhưng vẫn cố gắng đạt được nhiều thành tích tiêu biểu, góp phần cho sự phát triển của giáo dục TP.

Bí thư Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị.

Ông Thăng phát biểu: "Lãnh đạo TP biểu dương những thành tích mà ngành giáo dục và đào tạo TP đã đạt được nhưng muốn lưu ý rằng những con số đó được nêu ra không phải vì lý do nhấn mạnh thành tích. Người dân rất sáng suốt và công bằng.

Thực tế thời gian qua cho thấy những gì chúng ta thực sự làm được, thực sự nỗ lực, người dân đều cảm nhận thấy, đều biết rõ và ghi nhận một cách chính xác. Tuy nhiên, những con số trong báo cáo của các đồng chí là cần thiết, trước hết để mỗi người chúng ta cũng như mỗi người dân có cơ sở hình dung về thực tại giáo dục, đào tạo của TP.

Thực tại đó hiện vẫn còn nhiều điều bất cập, yếu kém cần phải thẳng thắn chỉ ra như tệ nạn dạy thêm,học thêm; thiếu cơ sở và giáo viên được đào tạo theo chuẩn cho việc chăm sóc trẻ em ở tuổi mầm non; chương trình dạy kiến thức còn tạo áp lực lên học sinh và các bậc phụ huynh; hiện tượng quá tải về số học sinh trong một lớp học còn xảy ra ở khắp nơi; vẫn còn để xảy ra bạo lực học đường từ cả phía giáo viên và học sinh, sinh viên.

Ngay cả chất lượng chuyên môn của giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh cũng còn nhiều hạn chế; việc chưa thống nhất được đầu mối quản lý trong giáo dục nghề nghiệp khiến còn buông lỏng công việc này ở nhiều nơi; việc quản lý cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài còn nhiều bất cập…

Những mặt hạn chế nêu trên là những thách thức không nhỏ tại một TP đang đặt mục tiêu trở thành điểm sáng và tỏa sáng của khu vực". 

Từ đây, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị ngành giáo dục thực hiện năm nhiệm vụ sau:

Một là đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung Chương trình hành động của Thành ủy và Kế hoạch của UBND TP thực hiện Nghị quyết 29; trong đó, ngành giáo dục và đào tạo cần nhanh chóng tham mưu Đề án Tổng thể phát triển giáo dục và đào tạo TP đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Đề án cần mạnh dạn đề xuất những giải pháp sáng tạo, có tính đột phá, mang tính đặc thù của TP nhằm mang lại hiệu quả tích cực.
Phải giảm tải nhanh chương trình giáo dục phổ thông cho các cháu, không quá nặng về khối lượng, không quá thiên về kiến thức chuyên môn mà cần phát triển một cách toàn diện văn - thể - mỹ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai năm học 2016-2017 của Bộ GD&ĐT.
Hai là tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập; phương pháp kiểm tra - đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ý chí phụng sự Tổ quốc, xã hội và ý chí khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.
Ba là tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ; chú trọng đổi mới tư duy, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại; đề xuất thêm những chương trình, giải pháp, chính sách nhằm nâng cao chế độ đãi ngộ, giúp cán bộ, giáo viên ngành giáo dục yên tâm công tác.
Nghiên cứu thí điểm chế độ đãi ngộ gắn liền với trách nhiệm đối với nhà giáo theo hướng không cào bằng, có thể định lượng được, có tác dụng sàng lọc để tìm ra và phát huy năng lực của các nhân tố giỏi, tích cực.
Bốn là huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới trường lớp; tăng cường trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tăng thêm quyền tự chủ về tài chính, nhân sự cho các trường tiên tiến, hiện đại hội nhập khu vực và quốc tế.
Năm là tiếp tục phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hòa của việc gắn kết gia đình - nhà trường - xã hội; giữ mối liên hệ và kết hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị địa phương, với phụ huynh học sinh thực hiện tốt các chế độ chính sách xã hội trong giáo dục; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, thiệt thòi được học tập trong môi trường thuận lợi; đáp ứng yêu cầu và quyền lợi học tập của con em nhân dân TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm