Bí quyết dạy con tính tự giác

Khi nào có thể dạy trẻ ý thức tự giác?

Ý thức về bản thân được hình thành từ khi trẻ chập chững biết đi, từng bước khám phá thế giới xung quanh, lúc trên một tuổi. Nhưng sự nhận thức về cái tôi - phân biệt được bản thân, biết rõ về cơ thể thì chỉ khi trẻ đã lên ba tuổi.

Giai đoạn này, trẻ bớt dần tính ái kỷ - chỉ biết có mình và suy nghĩ: cái gì trong tay ta là của ta. Trẻ bắt đầu mở rộng mối quan hệ với những trẻ khác, biết quan tâm đến những người và sự kiện xung quanh mình, biết chơi chung với bạn bè. Vì vậy việc cho trẻ đi học là hết sức cần thiết. Đây cũng là thời điểm thích hợp để giúp trẻ có được ý thức về tự giác và bắt đầu có sự phát triển về trí tuệ cảm xúc (EQ) cũng như về tư duy logic.

Bí quyết dạy con tính tự giác ảnh 1

Để con tham gia các việc trong gia đình và hướng dẫn bé cách làm sẽ giúp con hình thành ý thức tự giác. Ảnh minh họa
Dạy trẻ sự tự giác bằng cách nào?Khi đứng trước một trang giấy trắng, ai cũng có cái cảm giác muốn viết, vẽ một cái gì lên đó. Đứa trẻ tương tự như một tờ giấy trắng, chúng ta cũng rất thích tác động lên đó. Chúng ta có thể vẽ lên những hình ảnh đẹp và cũng có thể bôi bẩn bằng những nét nguệch ngoạc vô ý thức. Vì vậy, khi muốn dạy cho trẻ ý thức tự giác, phải biết dùng cách nào, công cụ nào để vẽ lên tờ giấy đó những hình ảnh hữu ích, nếu không chính chúng ta đang bôi bẩn tâm hồn đứa trẻ. Để dạy trẻ, bố mẹ thường nói với bé là con phải ngoan, con phải biết tự đi đánh răng mỗi buổi sáng, tự lấy quần áo ra mặc, buổi tối phải tự biết lấy vở ra chép bài không thì mẹ sẽ phạt ba roi. Điều đó chỉ đúng với suy nghĩ logic của người lớn, chứ không đúng với sự nhận thức và tư duy của một trẻ lên ba. Trẻ có thể làm nhưng thường chỉ thực hiện khi bố mẹ nhắc nhở nhiều lần hay dưới sự giám sát của người lớn hoặc sau rất nhiều cái... roi. Nói cách khác, yêu cầu thì hoàn tất nhưng ý thức tự giác vẫn là con số 0, thậm chí còn hình thành tính chống đối, không bắt buộc thì sẽ không làm. Vậy phải dạy bằng cách nào? Chúng ta hãy biến những hoạt động mang tính bổn phận thành những trò chơi. Đối với trẻ em, trò chơi chính là các hoạt động rất nghiêm túc. Vì thế khi chúng ta chơi trò “mèo con rửa mặt” hay “thỏ mặc quần áo nhanh” hoặc “xem ai nhanh hơn”... chúng ta đang “làm việc” với trẻ hay đang “dạy” trẻ một cách nghiêm túc. Dạy trẻ như thế nào?Không phải chỉ biến việc dạy trẻ thành trò chơi là đã xong, việc giúp trẻ hình thành ý thức tự giác vẫn đòi hỏi một số nguyên tắc. Trước hết, hãy để cho trẻ quyền chọn lựa, không phải chọn giữa cái không và cái có mà chọn giữa việc thực hiện như thế này hay thực hiện như thế kia. Sau đó trong giai đoạn đầu, bố mẹ cần biết cách “tập huấn” cho trẻ theo từng bước, hướng dẫn cho trẻ làm những động tác cơ bản nhất và khi trẻ đã làm được thì có hai điều mà phụ huynh cần lưu ý: Thứ nhất là hãy để cho trẻ tự làm, ngay cả khi có sai sót, vì như thế, trẻ mới biết rút kinh nghiệm, và cho dù thời gian trẻ làm có dài gấp đôi nhưng bố mẹ cũng nhất quyết không can thiệp. Không tuân thủ nguyên tắc này là nguyên nhân khiến việc dạy trẻ thất bại, vì cha mẹ thường không chịu nổi sự chậm chạp và vụng về của trẻ, để rồi “ra tay” hoàn tất công việc trong tích tắc, thay vì phải chứng kiến sự rề rà của con. Thứ hai là đảm bảo tính nhất quán. Trẻ không thể hình thành sự tự giác, nếu các hoạt động thường xuyên thay đổi về thời gian và cách thức. Một trong những biện pháp nâng cao “kỹ năng” là cho trẻ từng bước tham gia vào các hoạt động trong gia đình, như dọn dẹp, làm bếp, lau nhà, giặt quần áo... Bố mẹ có thể nhờ bé làm một số việc lặt vặt, vừa làm vừa hướng dẫn thêm cho con. Dĩ nhiên điều đó sẽ làm cho chúng ta mất thì giờ hơn, mệt hơn… nhưng có hoạt động huấn luyện nào mà không mất thì giờ và công sức? Dạy trẻ trong bao lâu?Chắc hẳn phụ huynh sẽ tự nhủ, chuyện dạy trẻ những việc như đánh răng, rửa mặt, xếp quần áo, giữ bàn học gọn gàng... là những chuyện nhỏ, dạy qua vài lượt là trẻ phải nhớ. Điều này đúng, nhưng chưa đủ vì trước hết, có những bé nhạy bén, tiếp thu nhanh nhưng cũng có trẻ chậm chạp, rề rà hay vô tư, dạy trước quên sau. Vì thế, việc tập cho trẻ cũng phải tùy theo khả năng của từng em mà nhanh chóng hay kéo dài. Dù sao, việc dạy trẻ cũng phải mang tính thường xuyên, từng bước một và luôn luôn cần động viên, nhắc nhở. Trẻ rất thích được khen, vì thế, trong quá trình thực hiện, bố mẹ nên có những lời nói có cánh, nhưng cũng phải hợp lý và chừng mực. Khi trẻ làm sai, hỏng, bố mẹ không nên chê bai mà cần khuyến khích: Mẹ biết là con có thể làm tốt hơn; Con làm như thế là không được, nhưng mẹ tin là con sẽ làm được mà! Để hình thành một tính cách, chắc chắn không thể là những tác động kiểu “mì ăn liền” mà là một quá trình giáo dục tiệm tiến, đi từ những chuyện nhỏ, kéo dài từ năm này qua năm khác. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta cứ phải kè kè theo trẻ, hướng dẫn cho trẻ hết chuyện này sang chuyện khác, mà trong các năm tháng tiếp theo chỉ là sự quan tâm mang tính giám sát, hỗ trợ và đồng hành cùng trẻ. Sẽ đến một thời điểm mà trong một số hoạt động, chúng ta nên để cho trẻ tự xoay xở, tự làm và tự chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Việc cho trẻ tham gia các đội nhóm hoạt động theo sở thích hay theo các kỹ năng cũng là một cách giúp trẻ tự giáo dục mình thông qua các trẻ khác. Điều quan trọng là khi trẻ đã có được những khả năng cơ bản, những kiến thức và kinh nghiệm tối thiểu, thì chúng ta phải biết tin vào trẻ. Chính sự tin tưởng vào khả năng của trẻ sẽ là một động cơ tích cực giúp trẻ phát huy được ý thức tự giác một cách rất....
Nhà tâm lý Lê Khanh
Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý - đào tạo kỹ năng Rồng Việt

Theo VNE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm