Bất chấp nguy hiểm vượt sông tìm chữ

Trên dòng nước chảy cuồn cuộn, hàng chục học sinh thôn Hương Canh (Tuyên Hóa, Quảng Bình) phải chen chúc, bám víu vào nhau trên chiếc đò ngang nhỏ bé không có một manh áo phao, cố vượt thượng nguồn sông Gianh đến trường.

Giữa dòng nước dữ

Trời mưa như trút, những đứa trẻ thôn Hương Canh có mặt ở thượng nguồn sông Gianh từ sáng sớm, chuẩn bị lên chiếc đò duy nhất của thôn để qua sông đến trường. Quãng sông rộng khoảng 20 m. Trên chiếc đò nhỏ, chừng 23 em ngồi chật kín từ đầu đến cuối đang chờ gió lặng nhưng mưa ở thượng nguồn cứ liên tục đổ về làm cho dòng nước lớn chảy xiết, đục ngầu. Giữa dòng, nhiều chỗ nước cuộn thành hình xoáy ốc. Ông lái đò Phạm Văn Gặp vẫn quyết định đưa những đứa trẻ vượt sông.

Vừa cách bờ chừng 3 m, một cơn gió lốc quật tay chèo đổi hướng làm bọn trẻ thét lên. Vài đứa ngồi không vững bị quật nghiêng người. Chiếc nón trên đầu sụp xuống, che hẳn khuôn mặt ông Gặp. Ông cố giữ chặt tay chèo và ra hiệu tất cả ngồi yên. Lập tức, những đứa trẻ yên lặng níu chặt vào mạn thuyền. Dòng nước xoáy vẫn há hốc miệng như muốn nuốt chửng con đò. Mấy đứa trẻ đứng đợi trên bờ cũng há hốc miệng mỗi lúc đò bị dòng nước kéo xuống dòng nước xoáy. Mãi khi đò đến bờ, trên khuôn mặt của những học sinh mầm non vẫn còn đọng lại những giọt nước mắt vì hoảng sợ. “Hôm qua cũng suýt chìm đó, sợ quá đi mất...” - mấy đứa trẻ thi nhau nói.

Ông Gặp xuýt xoa: “Chà, nước dữ quá, lúc nãy mà tay chèo tui không vững thì có chuyện rồi!”, rồi ông quay lại tiếp tục đưa những đứa trẻ khác sang sông. Nhiều em lưỡng lự không dám lên đò nhưng khi thấy bạn bè lên hết chúng cũng bước vội lên rồi nhắm tịt mắt lại khi đến gần bờ mới dám mở ra.

Anh Nguyễn Kỹ, người dân ở gần đó kể: “Cách đây gần một năm, gió lốc, nước xoáy, đò lại chở quá nhiều nên bị lật. Nghe tiếng tri hô của bọn trẻ, người dân xung quanh bơi ra vớt, đưa được bọn trẻ lên bờ, trong đó có hai cháu phải đi cấp cứu. Đợt đó đò gần bờ, nếu xa bờ tui cũng bó tay...!”.

Bất chấp nguy hiểm vượt sông tìm chữ ảnh 1
Không có áo phao nhưng đò luôn được chất trên 20 người. Nhiều người dân thót tim khi chứng kiến cảnh vượt sông đến trường của bọn trẻ. Ảnh: V.LONG

Ước mơ về một ngôi trường

Hằng ngày, mỗi học sinh ít nhất phải đi qua dòng sông này hai lần. Mỗi lần đi là một lần các em phải đối mặt với hiểm họa rình rập khi đò luôn chở quá tải và không có áo phao. Em Nguyễn Thị Huyền, học sinh Trường Tiểu học Thuận Hóa nói: “Mỗi lần đi đò cháu sợ lắm vì không biết bơi. Nhất là mùa này nước dâng cao, nhiều lúc đò chông chênh tưởng chừng như đã lật. Cháu chỉ mong có được lớp học bên này để bọn cháu không phải qua đò...”. Ông Nguyễn Văn Hùng, một phụ huynh học sinh ở thôn Hương Canh cho biết: “Ngày trước, nơi đây có lớp mầm non nhưng không hiểu sao họ đóng cửa nên nhiều em mẫu giáo, tiểu học phải vượt sông đến trường. Dẫu biết nguy hiểm nhưng chẳng lẽ cho con nghỉ học...”.

Từng chứng kiến không biết bao lần con đò đưa tụi nhỏ sang sông nhưng bà Nguyễn Thị Chi vẫn không quen được cảm giác hồi hộp. Bà lo lắng nói: “Mùa hè, có nhiều đứa bơi qua sông đến trường để tiết kiệm tiền. Còn mùa này mưa lớn, nước cao nên bọn trẻ phải đi đò. Nhiều lần thấy chúng qua sông với dòng nước chảy xiết, gió lốc mà bọn tui thót tim. Có khi tui phải dặn con tui ra gần đó coi chừng, lỡ có chuyện gì còn cứu giúp”.

Lúc chúng tôi rời thôn Hương Canh, nhìn những con đò cứ chông chênh vượt qua dòng nước xoáy, nhiều người dân chép miệng: “Nếu không có áo phao, học sinh cứ chất đầy thì trước sau gì cũng gặp rủi ro thôi...”.

Bơi qua sông đến trường

Trước đó, báo chí cũng đã thông tin hiện tượng học sinh phải bơi qua sông để đến trường. Nằm cách trung tâm xã vùng cao Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) chừng 7 km, bản Ông Tú có 20 hộ dân với 106 nhân khẩu, trong đó có 14 em đang học tiểu học. Bản Ka Óoc gần đó cũng có hơn chục em đang học tại Trường THCS Trọng Hóa. Ngày nào cũng vậy, học sinh hai bản này phải thức dậy thật sớm vượt quãng đường đồi dốc xuống sông Khe Rào. Các em cho cặp sách, quần áo vào túi nylon chuẩn bị từ trước rồi cùng bơi qua sông để đến trường. Nhiều em không mang theo túi nylon thì bơi một tay, tay còn lại giơ cao cặp sách lên đầu cho khỏi ướt (ảnh).

Bất chấp nguy hiểm vượt sông tìm chữ ảnh 2

Chủ đò chịu trách nhiệm?

Chúng tôi muốn xây cầu mà không có kinh phí cũng chịu. Việc chở quá số người, không có áo phao, nếu gặp sự cố thì chủ đò phải chịu trách nhiệm.

ÔngPHÙNG NGỌC ANH, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa

Thiếu kinh phí mở trường

Số lượng trẻ em ở vùng Hương Canh vượt sông đi học tương đối đông nhưng hiện tại chúng tôi không thể mở thêm điểm trường ở đó vì không đủ kinh phí.

HỒ THỊ BÍCH HÀ,Phó phòng Giáo dục huyện Tuyên Hóa

Tăng cường áo phao, phụ huynh đưa đón

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng bảy điểm trường học sinh phải qua sông, suối đi học. Vừa rồi chúng tôi đã có công văn yêu cầu các đơn vị có học sinh qua đò phải tổ chức kiểm tra phao cứu hộ trước khi qua đò, qua suối, nhắc nhở các học sinh không chen lấn khi lên thuyền, không lên thuyền khi quá tải. Những trường học thuộc địa bàn bị chia cắt trong mùa lũ phải có kế hoạch cho học sinh nghỉ học. Việc học sinh ở thôn Hương Canh (Tuyên Hóa, Quảng Bình) qua đò không có áo phao chúng tôi sẽ cho kiểm tra.

Riêng học sinh ở Trường THCS Thuận Hóa chúng tôi đã yêu cầu trường giám sát chặt chẽ không cho các em bơi qua sông, thay vào đó phụ huynh nên chèo đò đưa đón các em.

Ông TRẦN ĐÌNH NHÂN,
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm