Bạo lực học đường: Phải lấy cái đẹp dẹp cái xấu

Gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường (BLHĐ) ở một số cơ sở giáo dục với tính chất và mức độ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh (HS), môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Sáng 17-4, gần 20.000 đại biểu tại hơn 63 điểm cầu đã tham gia hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo an toàn trường học và phòng, chống BLHĐ do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Bạo lực học đường vẫn gia tăng

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, công tác phòng, chống BLHĐ thời gian qua đã được quan tâm. Riêng Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này. Tuy nhiên, BLHĐ vẫn gia tăng và đang có xu hướng lan rộng.

Bộ trưởng cho rằng phòng, chống BLHĐ là trách nhiệm của lãnh đạo các nhà trường, bao gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm... “Những người này có vai trò lớn trong việc tìm ra các giải pháp phòng, chống bạo lực. Không phải là phong trào mà đi vào hoạt động chuyên môn, không nghiêng về chống mà chú trọng đến phòng ngừa” - bộ trưởng nói.

Chia sẻ kinh nghiệm từ sự việc nữ sinh bị đánh hội đồng tại địa phương đang quản lý, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên, phát biểu vụ việc xảy ra tại một trường THCS của Hưng Yên là trường hợp đáng tiếc, cá biệt. Tỉnh đã có chỉ đạo kịp thời, quyết liệt xử lý nghiêm để làm gương. Ngày 7-4, ngành giáo dục Hưng Yên đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác phòng, chống BLHĐ với hơn 16.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên tại gần 600 điểm cầu. Sau khi tổ chức họp trực tuyến đến từng thầy cô mới thấy mặc dù Sở đã triển khai đến tận cán bộ quản lý nhưng một số cán bộ triển khai tại đơn vị mình còn hời hợt nên giáo viên chưa nắm chắc, từ đó xử lý các vụ việc chưa được hiệu quả như mong muốn.

“Qua hội nghị trực tuyến đến từng giáo viên có sự trao đổi, chia sẻ trực tiếp nên việc học tập kinh nghiệm đạt hiệu quả rất cao. Các thầy cô chủ nhiệm phải là điểm tựa của HS, phải là người tin cậy nhất để các em chia sẻ các vấn đề khó khăn trong cuộc sống, học tập; là cầu nối giữa HS và gia đình, giữa HS với đội ngũ thầy cô trong nhà trường với lãnh đạo nhà trường, với các tổ chức trong nhà trường. Và là người gần gũi nhất, phân tích giúp HS, cùng HS đẩy lùi các tệ nạn xã hội ra xa trường học” - ông Nguyễn Văn Phê trao đổi.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, công tác phòng chống BLHĐ là trách nhiệm của lãnh đạo các nhà trường, bao gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm…  Ảnh:  HÀ PHƯỢNG

Cha mẹ cùng tham gia chống bạo lực học đường

Nêu biện pháp giải quyết BLHĐ, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, nhìn nhận đây không phải và không thể chỉ là công việc của ngành giáo dục mà là của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội, trong đó vai trò của ngành giáo dục là quan trọng.

Ông Quý cũng cho rằng cần tăng cường việc quản lý HS ở cả gia đình, nhà trường và xã hội; tập huấn cho phụ huynh về cách xử lý khi có vấn đề xảy ra; tăng cường lồng ghép, tích hợp giáo dục phòng, chống, đảm bảo an ninh và an toàn trường học trong nội dung chính khóa và hoạt động ngoài giờ lên lớp; Bộ GD&ĐT cần đề nghị Bộ TT&TT có giải pháp gỡ bỏ các clip, phim ảnh độc hại trên Internet…

Trao đổi tại hội nghị, PGS-TS tâm lý học Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng tình trạng BLHĐ diễn ra ở nhiều quốc gia, không riêng Việt Nam.

Ông đưa ra con số do UNESCO cung cấp khi hằng năm có 246 triệu trẻ em và vị thành niên trên toàn thế giới là nạn nhân của BLHĐ. Trong đó ở Việt Nam có khoảng 22% trẻ 13-15 tuổi tham gia các cuộc ẩu đả, con số này ở nhiều nước là 30%-40%.

Nhiều quốc gia đã có các giải pháp phòng, chống BLHĐ và xây dựng môi trường học đường an toàn. Trong đó các giải pháp phòng ngừa đa dạng, như nâng cao tư duy phản biện cho HS, nâng cao giá trị tự trọng cho HS để hạn chế hành vi bạo lực, tổ chức cho cha mẹ HS cùng tham gia các chương trình giáo dục kỹ năng giúp trẻ phòng vệ, tổ chức các chương trình can thiệp tập trung cho các nhóm HS có nguy cơ cao sử dụng bạo lực...

Ông Trần Thành Nam cho rằng đó là những kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam nên tham khảo, học hỏi để xây dựng những giải pháp thiết thực hơn.

Thiết lập đường dây nóng phát hiện, xử lý nhanh BLHĐ

Bộ đã ban hành đến 25 văn bản về phòng, chống BLHĐ. Mới nhất, ngày 16-4, bộ trưởng Bộ GD&ĐT có chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống BLHĐ trong cơ sở giáo dục.

Trong đó có việc thiết lập đường dây nóng phát hiện, xử lý nhanh các vụ việc xảy ra, rà soát, có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ HS đặc biệt, ngăn ngừa từ xa tình trạng bắt nạt và bị bắt nạt, thực hiện cam kết giữa các gia đình với nhà trường trong việc phối hợp ngăn ngừa tình trạng BLHĐ.

Ông BÙI VĂN LINHPhó Vụ trưởng Vụ Công tác HS sinh viên, Bộ GD&ĐT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm