Báo động tỉ lệ béo phì của học sinh ở TP.HCM

Đây là phát biểu của bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, tại buổi sơ kết đánh giá tình hình thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong trường học năm học 2017-2018 được tổ chức vào ngày 18-4.

Bà Diễm Thu cho biết từ năm 2016-2017, Sở GD&ĐT TP.HCM đã triển khai dự án Bữa ăn học đường, thông qua phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng dành riêng cho các trường tiểu học có tổ chức bếp ăn bán trú trên địa bàn.

Một bữa ăn bán trú ở trường. Ảnh minh họa

Phần mềm do Công ty Ajinomoto khởi xướng phát triển và cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện. Phần mềm cung cấp cho nhà trường một ngân hàng thực đơn phong phú, gồm 120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại, đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện, trong 270 trường có bếp ăn bán trú mới chỉ có 117 trường tiểu học áp dụng toàn phần thực đơn dinh dưỡng, chiếm tỉ lệ 43% tổng số trường có bếp ăn bán trú.

Ngoài ra, có 32% đơn vị áp dụng một phần bộ thực đơn và 25% đơn vị chưa có điều kiện áp dụng vì khó khăn về khâu chế biến, bộ phận nhân sự, cơ sở vật chất…

Trong khi đó, theo bà Thu, hiện tỉ lệ học sinh TP.HCM béo phì khá cao, chiếm hơn 20%. Tại các trường học ở quận 5, quận 6, con số này cao hơn nhiều, khoảng 40%. Và tỉ lệ này đang có chiều hướng tăng lên, kể cả bậc mầm non.  Nguyên nhân do thói quen ăn uống của học sinh cũng như phụ huynh chưa phù hợp.

“Vì thế, tôi nghĩ để hạn chế tình trạng trên, khuyến khích tất cả các trường nên áp dụng bộ thực đơn dinh dưỡng trên. Bởi ưu thế của bộ thực đơn này đã cân bằng được chất đạm, chất xơ, chất béo” - bà Thu nhấn mạnh.

Bà Thu cho hay: Năm học 2018-2019, các phòng GD&ĐT tại các quận, huyện cần chỉ đạo các trường tham gia vào bộ thực đơn theo dự án. “Chúng tôi đặt mục tiêu năm học tới sẽ 100% các trường có bếp ăn bán trú phải làm theo bộ thực đơn dinh dưỡng này. Chắc chắn trong quá trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng tôi nghĩ chỉ cần nhà trường quyết tâm sẽ thực hiện được” - bà Thu nhấn mạnh.

Cũng trong sáng nay, Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp cùng một công ty tổ chức phát động hội thi An toàn vệ sinh thực phẩm cấp tiểu học.

Theo ban tổ chức, xuất phát từ thực trạng vấn đề VSATTP ở Việt Nam nói chung và ở các trường học nói riêng vẫn còn nhiều báo động. Mặc dù đã có nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ được tổ chức nhằm trang bị kiến thức về VSATTP nhưng đa phần vẫn còn khô khan, nặng về lý thuyết. Do đó cuộc thi được tổ chức nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh, hấp dẫn cho học sinh, cấp dưỡng và cả giáo viên, phụ huynh học sinh, những người trực tiếp chế biến.

Với thông điệp “Giảm thừa cân béo phì - Tăng trưởng chiều cao cho người Việt - Đảm bảo VSATTP học đường”, hội thi sẽ được tổ chức qua bốn vòng thi gồm: vòng loại thi trực tuyến tại đơn vị, hai vòng thi trắc nghiệm kiến thức và nấu ăn. Ba đội xuất sắc nhất sẽ bước vào vòng chung kết dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5-2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm