Băn khoăn tổ chức thi THPT giữa mùa dịch

Chiều 31-7, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, công tác chuẩn bị cho kỳ thi của các địa phương đã rất sát sao và sẵn sàng cho kỳ thi. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ những băn khoăn để làm sao kỳ thi diễn ra an toàn tuyệt đối.

Kiến nghị xét đặc cách tốt nghiệp

Báo cáo nhanh tại hội nghị, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho rằng đến thời điểm này, công tác tổ chức thi về cơ bản đã hoàn thiện, từ lập ban chỉ đạo, tổ chức các điểm thi, in sao đề thi, chuẩn bị đội ngũ, công tác phòng dịch...

Ông Trinh yêu cầu những ngày tới, diễn biến dịch bệnh phức tạp, bộ sẽ cập nhật và theo dõi thường xuyên để có trước các phương án chủ động. Tuy nhiên, các địa phương cần nắm rõ tình hình địa phương, rà soát để chủ động trong công tác chuẩn bị.

Tại tâm dịch Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng, cho biết cũng như các địa phương khác, TP đã chuẩn bị và tăng cường công tác chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, TP đã có 80 ca và ở hầu hết các địa bàn, đã có giáo viên, học sinh bị nhiễm và tiếp xúc gần. Do đó, tâm lý phụ huynh, học sinh rất lo lắng, hoang mang trước dịch bệnh. 

Theo ông Chinh, Đà Nẵng kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét dừng tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng và cho phép xét đặc cách cho các em. Đồng thời sẽ có những giải pháp xét tuyển ĐH-CĐ theo tinh thần tự chủ để đảm bảo quyền lợi cho các em.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thăm học sinh lớp 12 Trường THPT Bình Yên, Thái Nguyên trong đợt kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi THPT ngày 8-7. Ảnh: TTTT

Tương tự, tại Quảng Nam, đại diện tỉnh này cũng cho rằng thời gian qua và hiện nay tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội và chuẩn bị rốt ráo cho công tác thi THPT. Tuy nhiên, hiện dịch diễn biến quá phức tạp, Quảng Nam cũng đã kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép tỉnh căn cứ tình hình dịch bệnh, rà soát toàn bộ công tác cho đến ngày 6-8. Nếu dịch được kiểm soát sẽ tổ chức thi theo kế hoạch. Nếu phức tạp quá, tỉnh cũng kiến nghị lùi kỳ thi thêm khoảng một tháng, tức đầu tháng 9 thi theo đề thi dự bị của bộ. Hoặc bộ có thể cho phép xét đặc cách tốt nghiệp cho các em.

Theo báo cáo của TP Hà Nội, TP có hơn 79.000 thí sinh (TS) dự thi, TP sẽ tiếp tục kiểm tra công tác chuẩn bị để làm sao tổ chức kỳ thi tốt nhất.

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, kiến nghị Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT nên có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về việc thực hiện đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, phân loại và giãn cách TS như thế nào, tổ chức phòng thi dự phòng, trường hợp ho, sốt phải làm sao... để các địa phương căn cứ dễ thực hiện.

Lo ngại chấm thi, an ninh phòng thi

Tại TP.HCM, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP có 74.718 TS dự thi với 115 điểm thi, 3.164 phòng thi. Đây là số lượng TS lớn, kéo theo tổng bài thi phải chấm cũng không nhỏ.

Theo ông Đức, lịch thi và chấm thi diễn ra rất gần, do số TS lớn, bài thi lớn, nếu chấm thi tập trung trên 600 người vào một chỗ sẽ khó đảm bảo giãn cách xã hội để an toàn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng lo ngại tất cả điểm thi tại TP.HCM đều có phòng thi dự phòng nhưng điểm thi dự phòng thì sở chưa tính đến và đang tính toán lại. Sở cũng đang băn khoăn về việc khuyến cáo đeo khẩu trang trong khi thi thì thực hiện như thế nào. Với các phòng thi cho đối tượng F1, F2 thì việc coi thi, thu giữ bài và chấm thi sẽ ra sao. Vì nếu không cẩn trọng, đây sẽ là nguồn lây cho những người liên quan.

Ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, cũng băn khoăn: Trong hướng dẫn tổ chức thi có nhắc đến tổ chức thi phòng riêng cho những TS ho và sốt. “Tuy nhiên, ho và sốt đến mức nào thì được thi hay không được thi và ai quyết định những trường hợp này, mong bộ hướng dẫn thêm” - ông Hòa nói.

Về các vấn đề này, ông Mai Văn Trinh cho rằng các địa phương phải thực hiện tốt giãn cách trong phòng thi, bố trí lại phòng thi, điểm thi phù hợp để in sao đề thi phù hợp. Như quy định hiện tại, hai TS đã cách nhau 1,2 m thì có thể giãn chút nữa sẽ ổn. Nếu địa phương nào do tình hình dịch có thể tạo điểm thi mới thì báo về bộ để có hướng dẫn kịp thời.

Với những trường hợp F1, F2, ông Trinh cũng đồng ý rằng bài thi của TS là nguy cơ. Do đó khi thi xong, các đơn vị phải phối hợp với y tế địa phương để có cách khoanh vùng việc thu và lưu giữ bài thi, chấm thi để đảm bảo an toàn.

Về lo ngại chấm thi tập trung, ông Trinh cho rằng trong bối cảnh có nguy cơ, địa phương có thể chia nhỏ tổ và từng tổ thảo luận đáp án, đồng thời thực hiện giãn cách để đảm bảo an toàn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết bộ sẽ sớm có văn bản hướng dẫn riêng việc tổ chức phòng thi dự phòng và các vấn đề kỹ thuật trong điều kiện dịch để có cách thức triển khai phù hợp, như ho, sốt phải như thế nào, lưu giữ bài ra sao...

Trình Thủ tướng xem xét với những địa phương có dịch bệnh

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi nhận sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của các địa phương trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, ông Nhạ yêu cầu các địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh theo từng giờ để có các phương án chủ động cho công tác chuẩn bị.

Với những địa phương có dịch bệnh, Bộ trưởng Nhạ cũng ghi nhận ý kiến của các địa phương về việc không tổ chức thi và sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, trước mắt, các địa phương tiếp tục công tác chuẩn bị kỹ cho kỳ thi, theo dõi sát tình hình để có những chỉ đạo sát sao tại địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức ở các điểm thi phải có một phòng y tế dự phòng. Ở một số địa phương có dịch sẽ thực hiện phân nhóm F2, F3 nhưng dù là F1 hay F2 cũng phải huy động lực lượng y tế vào cuộc, tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, tất cả TS vào phòng thi phải được đo nhiệt độ, phòng thi phải mở cửa thoáng và không nên mở máy lạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm