Băn khoăn quy định không nhận lại HS đã rời trường công

Trưa nay nhìn thấy một phụ huynh ngồi khóc ở Sở GD-ĐT, tôi hỏi thăm thì biết: Con chị học hết lớp 10 tại một trường công ở TP.HCM rồi chuyển ra trường tư để học tiếp lớp 11. Nhưng học ở trường tư được 1 tuần thì cháu bị sốc (lý do không tiện nói) nên xin chuyển về lại trường công mà cháu đã từng học. Trường công đồng ý tiếp nhận học trò mình nhưng Sở GD-ĐT trả lời không được và buộc phải học trường tư.
Tôi thấy hơi khó hiểu, nhưng đọc luật đúng là Khoản 3 Điều 2 Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT có quy định như vậy, nên Sở trả lời hoàn toàn chính xác.
”Việc chuyển trường từ trường THPT ngoài công lập sang trường THPT công lập chỉ được xem xét, giải quyết trong 2 trường hợp sau:
(1) Trường hợp học sinh đang học tại trường THPT ngoài công lập phải chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ đến vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển vào học trường THPT công lập.
(2) Trường hợp học sinh đang học tại trường THPT ngoài công lập thuộc loại trường có thi tuyển đầu vào phải chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ, mà ở đó không có trường THPT ngoài công lập có chất lượng tương đương thì Giám đốc Sở GD ĐT nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển vào học trường THPT công lập”. 
Như vậy, ngoài 2 điều kiện hiếm hoi nêu trên, thì việc chuyển trường từ tư sang công lập là hầu như bất khả kháng.
Dĩ nhiên, sẽ có ý kiến cho rằng, cấp THPT xét tuyển theo điểm, nên nếu cho chuyển thì tạo sự bất công cho các em không đủ điểm vào trường công.
Nhưng nếu:
- Các em đã có điểm thi cao hơn điểm xét tuyển vào 10 của trường/ hoặc đã từng là học sinh của trường;
- Các trường còn chỗ trống, có nhu cầu tiếp nhận.
Vậy khi các em thoải mãn một trong các điều kiện trên, thì cần phải cho phép chuyển trường.
Như chúng ta đều biết, chuyển trường là câu chuyện chẳng đặng đừng, vì các em đã quen môi trường, thầy cô, bạn bè; nay do hoàn cảnh phải chuyển, thì càng phải tạo điều kiện cho học sinh, bởi suy cho cùng, trường công/ tư đều có mục tiêu là giáo dục.
Hơn nữa, Thông tư trên ban hành năm 2002, đã 18 năm trôi qua, chủ trương xã hội hoá giáo dục đã giúp nhà nước đỡ gánh nặng ngân sách. Tức các phụ huynh cho con học trường tư (không hưởng từ ngân sách) phải chi phí toàn bộ cho con học, nay vì một lý do nào đó, họ nên có cơ hội cho con được học trường công, nếu trường công tiếp nhận.
Ngoài ra, chủ trương phổ cập giáo dục phổ thông trung học cũng đã có; Luật GIáo dục 2019 cũng thể hiện chủ trương liên thông, mở là căn cứ để chúng ra loại bỏ những rào cản bất hợp lý, ngăn cản việc học tập của học sinh.
Như chúng ta đều biết, chuyển trường là câu chuyện chẳng đặng đừng, vì các em đã quen môi trường, thầy cô, bạn bè; nay do hoàn cảnh phải chuyển, thì càng phải tạo điều kiện cho học sinh, bởi suy cho cùng, trường công/ tư đều có mục tiêu là giáo dục. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm