Băn khoăn nhà xuất bản chi tiền cho sở làm SGK

Liên quan đến vấn đề Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam chi thù lao hằng tháng cho Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) miền Nam thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM, chiều 5-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), cho biết đã biết thông tin về sự việc này qua phản ánh của báo chí.

Hai vai: Chuyên gia và nhà quản lý?

Theo ông Tài, căn cứ vào quyết định thành lập ban chỉ đạo và mức chi thù lao Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam của NXB Giáo dục Việt Nam thì họ đang thực hiện theo đúng quy định. Bởi theo quy định của Luật Xuất bản, trách nhiệm chọn tác giả, chọn biên tập viên là thẩm quyền của giám đốc NXB.

Trước câu hỏi về việc liệu Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn SGK mới của NXB Giáo dục Việt Nam có thành viên là lãnh đạo của Sở GD&ĐT TP.HCM thì việc lựa chọn SGK của TP.HCM có còn khách quan nữa hay không, ông Tài cho rằng vấn đề này cần phải hỏi Sở GD&ĐT TP.HCM. “Tuy nhiên, chúng ta không nên suy diễn, mà cần phải tăng cường giám sát trong thời gian tới” - ông Tài nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tài, quy định của Bộ GD&ĐT đưa ra rất rõ ràng, những người tham gia biên soạn SGK thì không được phép, không được quyền ở trong hội đồng lựa chọn SGK. Do vậy người nào được mời tham gia ban chỉ đạo biên soạn sách theo đúng Luật Xuất bản thì không được tham gia hội đồng lựa chọn SGK. Nếu địa phương chỉ đạo làm sai thì phải chịu trách nhiệm.

“Theo tôi hiểu ở đây, NXB Giáo dục Việt Nam không phải mời Sở GD&ĐT TP.HCM tham gia ban chỉ đạo tổ chức biên soạn SGK mà họ mời với tư cách cá nhân” - ông Tài nói.

Trước băn khoăn về việc mời cá nhân nhưng cá nhân đó lại là giám đốc, phó giám đốc, chánh văn phòng... thuộc Sở GD&ĐT TP.HCM, ông Tài cho biết nếu cá nhân đó có đam mê, có kiến thức và muốn cống hiến cho các sản phẩm thì không thể hạn chế quyền của họ. Vấn đề là phải tách biệt hai vai: chuyên gia và nhà quản lý.

Thông tin về chi tiền làm SGK tại TP.HCM đang lan truyền trên mạng những ngày qua. Ảnh: INTERNET

Có xung đột lợi ích!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, nêu quan điểm: Cái gì pháp luật không cấm thì người dân được làm. Pháp luật không cấm một số thầy cô công tác ở Sở GD&ĐT tham gia biên soạn SGK ngoài giờ làm việc. Pháp luật chỉ cấm các thầy cô biên soạn sách tham gia công việc lựa chọn sách.

Từ năm 2015 đến 2018, NXB Giáo dục Việt Nam có hai quyết định chi thù lao cho ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam, trong đó hầu hết là lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên của Sở GD&ĐT TP.HCM. Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc nhận 6 triệu đồng/tháng, những người khác nhận 2,5-5 triệu đồng/tháng. 

Nhưng cơ quan quản lý Nhà nước thì chỉ được phép làm những gì mà pháp luật quy định. Trong các chức năng, nhiệm vụ của UBND cấp tỉnh và cơ quan tham mưu, giúp việc UB, trong trường hợp này là Sở GD&ĐT thì theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương không có chức năng, nhiệm vụ nào là phối hợp với doanh nghiệp để làm SGK.

"Nghị quyết 88 của Quốc hội chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK, mỗi môn học có nhiều SGK cho các trường lựa chọn. Luật Giáo dục (sửa đổi) thì giao UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK. Trong cả hai trường hợp, Sở GD&ĐT mà phối hợp với doanh nghiệp làm SGK và nhận thù lao của doanh nghiệp thì làm sao có thể chỉ đạo cấp dưới hoặc tham mưu cho cấp trên một cách công tâm được? Đây rõ ràng là chuyện xung đột lợi ích”, GS. Thuyết nói.

Chưa kể, từ sự việc này có thể dẫn đến tình trạng các Sở GD&ĐT khác trên cả nước cũng làm theo, đòi kết hợp để biên soạn một bộ SGK của địa phương đó.

“Cứ tưởng tượng xem, nếu Sở GD&ĐT nào cũng làm giáo dục nước mình thành ra cát cứ 63 sứ quân. Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT phải đứng ra để chấn chỉnh việc này”, GS. Nguyễn Minh Thuyết lo ngại.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT, cũng cho rằng việc NXB Giáo dục chi bao nhiêu tiền để biên soạn sách là việc của họ vì phần lớn các bộ sách là của NXB. Chỉ cần những người có liên quan đến lợi ích tổ chức biên soạn sách không tham gia hội đồng chọn sách là được vì nếu tham gia sẽ xung đột lợi ích, không khách quan và không minh bạch. Năm học tới việc chọn sách là do các trường quyết định nên sẽ không ảnh hưởng gì nhưng những năm tiếp theo, việc chọn sách do UBND tỉnh/thành quyết định, nếu trong hội đồng chọn sách có những người đã nhận thù lao từ NXB Giáo dục thì các NXB khác có thể khiếu nại”.

Theo ôngTùng, hiện tại trong dự thảo thông tư hướng dẫn việc chọn sách, thành viên hội đồng ngoài quy định không tham gia biên soạn, kiểm duyệt... nên quy định thêm rằng những người này không có quyền lợi và lợi ích liên quan với NXB và tác giả. Vì chủ trương có nhiều SGK thì cần đảm bảo sự khách quan và công bằng cho tất cả NXB tham gia.

Chưa có câu trả lời từ Sở GD&ĐT

Liên quan đến vấn đề này, PV đã liên lạc với ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhưng không nhận được phản hồi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn. Còn chuyện chi trả là chuyện của NXB Giáo dục Việt Nam. Chi trả như thế nào là theo các quy chế, chế độ của NXB, của Luật Xuất bản.

Chúng tôi cũng liên lạc được với một thành viên của ban chỉ đạo biên soạn sách, người này cho hay: Năm 2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88 thì năm 2015 TP.HCM bắt tay vào làm SGK. Trong suốt quá trình này, ban chỉ đạo luôn phải sát cánh cùng các tác giả để làm rất nhiều công đoạn như lên ý tưởng viết sách, làm nội dung, đi thực tế để thử nghiệm, hỏi ý kiến giáo viên, góp ý, bổ sung, phản biện chỉnh sửa, trình thẩm định... Chưa kể ý tưởng viết sách là mới hoàn toàn và làm sao để khác với các bộ sách hiện có vì dành cho TP.HCM, lại hướng đến sử dụng cho 10 năm sau nên rất vất vả, dày công.

Về việc chi tiền theo tháng, theo người này, quá trình biên soạn sách rất dài, không biết bao giờ xong nên chỉ có tác giả chủ biên hưởng thù lao theo tác quyền, tính bằng tiết học theo Luật Xuất bản. Còn thành viên ban chỉ đạo làm công việc gián tiếp nên hưởng thù lao theo tháng như khoản bồi dưỡng thêm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm