Băn khoăn điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ

Ngày 21-7, tại Hà Nội và TP.HCM đã đồng loạt diễn ra ngày hội “Tư vấn xét tuyển ĐH-CĐ năm 2019”. Sự kiện do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp tổ chức. Ngày hội đã thu hút hơn 200 trường ĐH, CĐ trên cả nước đến tư vấn cho phụ huynh, thí sinh về các vấn đề liên quan đến điều chỉnh nguyện vọng (NV).

Điều chỉnh trực tuyến hoặc bằng phiếu

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký NV xét tuyển một lần trong thời gian quy định. Tức phương thức trực tuyến đến 17 giờ ngày 29-7 và bằng phiếu đến 17 giờ ngày 31-7.

Theo đó, các thí sinh sẽ chọn một trong hai phương thức điều chỉnh là trực tuyến hoặc bằng phiếu. Thí sinh đã điều chỉnh NV trực tuyến thì không được điều chỉnh bằng phiếu. Riêng các thí sinh phúc khảo các bài thi, môn thi sẽ điều chỉnh NV sau khi có kết quả phúc khảo thi THPT quốc gia.

Bộ GD&ĐT lưu ý: Thí sinh phải ghi đúng mã trường, mã ngành hoặc mã nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. NV nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại. Điểm thu nhận hồ sơ phải yêu cầu thí sinh kiểm tra kết quả điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển trong thời gian quy định và đề nghị điều chỉnh sai sót (nếu có).

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý: Trong thời gian thí sinh điều chỉnh NV, các trường không cập nhật, không công bố thông tin thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình.

Cán bộ các trường đại học đang tư vấn cho phụ huynh, thí sinh tại  ngày hội.  Ảnh:  LÊ PHƯƠNG

Cân nhắc kỹ ngành học và điểm thi

Tại ngày hội tư vấn, rất nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn về việc thay đổi NV sao cho cơ hội trúng tuyển cao. Cụ thể như sắp xếp thứ tự NV như thế nào để dễ đậu ĐH, điểm thi không cao nhưng muốn chọn ngành học mình thích thì làm sao, cách tính điểm như thế nào để chọn ngành phù hợp...

PGS-TS Bùi Hoài Thắng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng với phổ điểm năm nay, những ngành 22, 23 điểm sẽ tăng khoảng 1,5 điểm chuẩn; những ngành 20, 21 điểm chắc khó tăng vì số thí sinh không tăng nhiều.

Vì vậy, thí sinh có thể đặt những ngành mình có điểm bằng điểm chuẩn các năm trước ở NV trên, kế tiếp là những ngành mình cao điểm hơn chút và dưới nữa là những ngành điểm của mình cao hơn vài điểm.

Về vấn đề này, TS Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng lưu ý: Thí sinh có thể đăng ký nhiều NV vào nhiều trường khác nhau nhưng NV cuối cùng nên chọn trường nào có điểm chuẩn những năm trước thấp hơn điểm thi của mình ít nhất 2 điểm để đảm bảo cơ hội trúng tuyển.

góc nhìn khác, PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ (Trưởng ban Đào tạo ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng thí sinh trúng tuyển ngành nào phải theo học ngành đó. Trong trường hợp chưa thực sự thích ngành đã trúng tuyển bằng phương thức khác, thí sinh có thể không nhập học và chọn xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia.

Và các chuyên gia cũng lưu ý: Năm nay, các NV đều có giá trị bình đẳng như nhau. Thí sinh trúng tuyển NV nào trước thì các NV còn lại sẽ vô hiệu. Và nếu thí sinh đã trúng tuyển và nhập học bằng phương thức khác thì sẽ không được tham gia xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia nữa. Do đó thí sinh cần cân nhắc kỹ hơn trong việc chọn ngành học, trường học và thứ tự ưu tiên NV trong điều chỉnh.

Khối ngành đào tạo giáo viên có tỉ lệ chọi thấp nhất

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2019 có hơn 653.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ với hơn 2,5 triệu NV. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường tăng gần 7,6% so với năm 2018, tương đương gần 490.000 chỉ tiêu.

Trong đó, nhóm ngành có tỉ lệ chọi cao nhất là khối ngành VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng) khi có đến 739.587 NV nhưng chỉ tiêu chỉ 104.769.

Kế đến là khối ngành III (kinh doanh, quản lý và pháp luật) khi có đến 822.956 NV, trong khi chỉ tiêu là 126.473.

Khối ngành sức khỏe (khối VI) tuy có tổng số NV đăng ký không nhiều (199.573 NV) nhưng do chỉ tiêu ít (34.352) nên tỉ lệ chọi cũng rất cao: 5,8/1.

Và khối ngành có tỉ lệ chọi thấp nhất là khối ngành I (khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) khi tổng NV đăng ký là 17.281 nhưng tổng chỉ tiêu cũng chỉ hơn 17.500. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm