Bài thơ 'rút ruột' của Nguyễn Duy vào đề thi văn THPT quốc gia

9 giờ 35 sáng 25-6, hơn 900.000 thí sinh vừa hoàn thành bài thi môn văn kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Theo đó, đề văn được sắp xếp với ba câu theo cấu trúc đã đưa ra.

Cụ thể:

Câu 1: Đề cho 3 khổ trong bài thơ Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy, yêu cầu xác định thể loại thơ.

Đánh thức tiềm lực

Hãy thức dậy, đất đai!

cho áo em tôi không còn vá vai

cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn...

xin bắt đầu từ cơm no, áo ấm

rồi thì đi xa hơn - đẹp, và giàu, và sung sướng hơn

Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non

châu báu vô biên dưới thềm lục địa

rừng đại ngàn bạc vàng là thế

phù sa muôn đời như sữa mẹ

sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể

còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?

lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?

***

Lúc này ta làm thơ cho nhau

đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt

ta ca hát quá nhiều về tiềm lực

tiềm lực còn ngủ yên...

Trích bài thơ Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy

Câu 2: Xác định trong đoạn thơ có tài nguyên khoáng sản gì.

Câu 3: Nêu biện pháp tu từ của đoạn thơ.

Phần 2: Làm văn

Câu 1: Trách nhiệm mỗi cá nhân trong việc đánh thức tiềm lực Việt Nam.

Câu 2: Sự đối lập bạo lực gia đình trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, từ đó liên hệ tác phẩm Hai đứa trẻ.

Đề văn năm nay.

Dù mới chỉ hết 2/3 giờ làm bài nhưng nhiều thí sinh tại một số điểm trường đã rời khỏi phòng thi với tâm lý thoải mái và tươi cười rạng rỡ.

Tại Hà Nội, em Lê Hoàng Lâm, chuyên Anh, Sư phạm cho biết đề văn yêu cầu so sánh hình ảnh đối lập Chiếc thuyền ngoài xa và bạo lực trên thuyền và liên hệ với hình ảnh đói rách của hai chị em đợi tàu trong Hai đứa trẻ. “Đề văn đối với em ở mức bình thường, vừa sức với thí sinh. Em chỉ cần trên 1,25 điểm là đủ rồi vì em thi chuyên lý".

Thí sinh Lê Hoàng Lâm đánh giá về đề văn năm nay.

Nhận xét về đề văn, em Đặng Vũ Thiên Nga, THPT Yên Hòa, Hà Nội đánh giá câu đánh thức tiềm lực kinh tế là một câu khá hay và mới trong đề văn năm nay. Còn với Lan Nhi, thí sinh tại điểm thi THPT Nguyễn Tất Thành cho biết đề thi năm nay không làm khó thí sinh quá nhiều dù chuyên văn hay chuyên tự nhiên.

“Em rất thích đề văn năm nay vì có câu đánh thức tiềm năng, em đọc đoạn thơ và cảm nhận được mục đích ra đề đó là khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, thôi thúc lớp trẻ cố gắng để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đất nước và không ngừng phát triển bản thân” - Lan Nhi đánh giá.

Bước ra từ điểm thi THCS Âu Lạc, quận Tân Bình trong sự hò reo cổ vũ của các anh chị Tiếp sức mùa thi, em Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tân Bình chia sẻ đề thi khá dễ. Đề ra về hai tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa Hai đứa trẻ. “Những bài này em đều đã được ôn tập kỹ nên khá tự tin về bài làm của mình. Em làm xong bài từ sớm nhưng ngồi xem kỹ lại bài. Em làm được khoảng 8 điểm” - em Linh nói.

Tương tự, tại điểm thi Trường THPT Gia Định, bước ra cổng trường đầu tiên, em Minh Tú cho biết đề văn không quá khó. Em nghĩ với đề thi này, các bạn sẽ dễ dàng lấy được 5-6 điểm. Chỉ khó nhất là câu nghị luận xã hội.

Tại Cần Thơ, ở điểm thi THCS Lương Thế Vinh, thí sinh Nguyễn Nhật Thanh ra khỏi phòng thi lúc 9 giờ 10. Em Nhật Thanh chia sẻ đề văn khá đơn giản, dễ lấy được 5 điểm, riêng bài thi của em tự tin đạt được điểm 7.

Theo ghi nhận của PV, mặc dù chưa hết thời gian làm bài nhưng rất đông thí sinh đã rời khỏi phòng thi.

Em Trần Anh Khoa đến từ Sóc Trăng cho biết đây là năm thứ ba em dự thi THPT quốc gia. So với những đề thi em từng làm thì đề thi năm nay khá đơn giản. Mặc dù cũng có một số phần nâng cao nhưng nói chung đề văn tương đối dễ. Em tự tin được khoảng 7 điểm.

Tại điểm thi THPT chuyên Nguyễn Hữu Huân, em Nhật Khanh (THPT Thủ Đức) cho biết: Dù nguyện vọng là thi vào trường CNTT nhưng với em đề văn này khá vừa sức và đã từng gặp qua trong những đề thi thử vừa rồi. Ở câu nghị luận văn học theo em chỉ cần học bài kỹ và đọc nhiều dẫn chứng thì sẽ liên hệ được để làm bài. Em dự đoán mình sẽ đạt được 7 điểm với đề văn năm nay.

Một số hình ảnh sau môn thi văn:

 Thí sinh rạng rỡ vì đề văn năm nay rất vừa sức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm