Bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên quá khó, đề tiếng Anh dễ thở

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 thì ngày thi thứ hai diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng quy chế. Trong ngày thi thứ hai, tổng số thí sinh vi phạm quy chế thi là 12, trong đó có 11 thí sinh bị đình chỉ, một bị cảnh cáo. Ngoài ra không có cán bộ vi phạm quy chế.

Kỳ thi diễn ra gian nan trong bão lũ

Đánh giá chung tình hình ngày thi thứ hai, Ban chỉ đạo thi THPT cho biết trên phạm vi toàn quốc thời tiết nhìn chung tương đối thuận lợi cho việc dự thi của thí sinh so với những năm trước. Công tác tổ chức thi ở tất cả điểm thi diễn ra an toàn. Tình hình giao thông ở các TP lớn thông suốt, không xảy ra ùn tắc.

Tuy nhiên, kỳ thi chịu ảnh hưởng nhiều của đợt bão lũ. Cụ thể, ngày 25-6, kỳ thi THPT quốc gia chính thức bắt đầu ngày thi đầu tiên cũng là ngày các tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang, Sa Pa hứng chịu những thiệt hại nặng nề do bão lũ.

Nhận được thông tin lũ lớn gây sạt lở, chia cắt, ngay trong ngày làm thủ tục thi THPT, Bộ Giáo dục đã có công văn khẩn gửi đến các tỉnh yêu cầu đảm bảo tối đa phòng thi và an toàn cho kỳ thi.

Và từ đó các thầy cô vùng núi phía Bắc ngoài nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho đề thi, bảo đảm chất lượng phòng thi còn phải lo cả chống lũ, đảm bảo an toàn về con người. Kể về hai ngày căng mình chống lũ và trực chiến đưa thí sinh đi thi, ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, nói rằng đây là kỳ thi nặng nề nhất đối với cả thầy và trò Hà Giang. “Chúng tôi đặt ra mục tiêu phải hộ tống thí sinh có mặt từ đêm 24-6, tức trước ngày thi một ngày, làm sao cho các em đã ở ngay phòng thi chúng tôi mới yên tâm” - ông Sử kể. Để đạt được mục tiêu này, ông Sử cho biết ban chỉ đạo thi đã liên lạc với địa chỉ của từng thí sinh. Mang xuồng cao su đón từng tốp về điểm trường trong khi mưa vẫn chưa có dấu hiệu dừng.

Riêng với Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, vì hậu quả lũ quá lớn, công tác cứu hộ lại nặng nề nên có đến 47 thí sinh vắng thi ở buổi thi đầu tiên nhưng trong số này chỉ có chín thí sinh không đến được điểm thi do mưa lũ. Còn lại 15 thí sinh bị kẹt ở vùng lũ sáng sớm 25-6 đã được lực lượng cứu hộ đưa đến điểm thi nhưng chậm một giờ so với giờ làm bài.

Các thí sinh rạng rỡ ra về sau giờ thi tổ hợp Khoa học tự nhiên tại điểm thi THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bài thi tổ hợp KHTN: Thí sinh hụt hơi vì đề sinh quá dài

Sáng 26-6, sau khi kết thúc bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN), các thí sinh đánh giá đề thi hai môn vật lý và hóa học không quá khó nhưng có sự phân hóa mạnh, trong khi đó đề sinh học quá dài, nhiều thí sinh không đủ thời gian để làm bài.

Tại Hà Nội, ở điểm thi THPT Nguyễn Tất Thành (Xuân Thủy, Cầu Giấy), thí sinh Lê Nguyễn Thái Bình cho hay đề hóa năm nay có tất cả 40 câu. Bình chỉ làm được và chắc chắn khoảng 20 câu vì từ câu 1 đến câu 25 khá dễ thở. Còn những câu về sau độ khó tăng dần, bắt đầu có sự phân loại thí sinh rõ rệt.

Trong khi đó, đối với môn sinh, nhiều thí sinh “rối vì chữ”. Tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), nhiều thí sinh chuyên sinh cho rằng đề năm nay khó hơn so với năm 2017. Đặc biệt đề quá nhiều chữ, trải dài đến năm trang giấy.

Tại TP.HCM, ở điểm thi Trường THCS Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, thí sinh Thùy Dương chia sẻ: Trong ba môn thi của bài thi tổ hợp KHTN, thí sinh này thấy môn lý là dễ nhất, em có thể đạt được điểm tuyệt đối. Còn môn hóa có sự phân hóa cao ở những câu cuối. Trong khi đó môn sinh quá dài và rất khó, nhiều thí sinh khó có thể đủ thời gian để làm bài.

Đề tiếng Anh: Dễ thở nhưng khó lấy điểm 10

Chiều cùng ngày, các thí sinh bước vào môn thi tiếng Anh. Nhiều thí sinh cho biết đề tiếng Anh có nhiều câu hỏi mang tính thực tiễn cuộc sống và khó hơn năm ngoái.

Tại điểm thi ĐH Công nghiệp Hà Nội, thí sinh Huỳnh Ngọc Như khá thoải mái sau ngày thi thứ hai. Theo Như, đề Anh văn ra theo cấu trúc nên chỉ cần ôn luyện kỹ và nắm vững kiến thức thì có thể lấy được điểm trung bình. “Chỉ có 10 câu cuối trong đề thuộc dạng nâng cao, phần đọc hiểu hơi dài nhưng có vốn từ vựng chắc thì phần này sẽ tương đối ổn” - Như nhận định.

Tại TP.HCM, điểm thi THPT Đào Sơn Tây, thí sinh Phương Thi cho biết năm nay đề tiếng Anh có sự phân hóa nhưng không làm khó thí sinh nhiều. “Thế nhưng em vẫn gặp rắc rối ở phần đọc hiểu vì phần này có nhiều từ mới, em mất thời gian để nắm vấn đề. Em làm tốt khoảng 25 câu, chỉ khoanh lụi khoảng năm câu” - Thi cho hay.

Tại Cần Thơ, một số thí sinh nhận định đề thi tiếng Anh khá nhẹ nhàng, vừa sức với thí sinh. “Có điều phần từ vựng hơi nhiều và khó. Em làm được khoảng 65%. Đề thi có những kiến thức ngoài sách giáo khoa. Nếu muốn đạt kết quả cao phải ôn tập nhiều” - một thí sinh chia sẻ.

Đề tiếng Anh khó có “cơn mưa” điểm 10

So với đề minh họa, đề thi 2018 có cấu trúc và độ khó tương đương, thể hiện ở tần suất xuất hiện các câu hỏi khó đều đặn trong từng phần, đặc biệt độ khó cao hơn ở phần từ vựng và đọc hiểu nhằm phân loại tốt thí sinh.

Trong đề thi có khoảng 22 câu đầu tiên là kiến thức cơ bản, nếu các trường ôn tập kỹ lưỡng cho các em dựa theo cấu trúc đề minh họa thì việc đạt điểm 5-6 là trong tầm tay, học sinh khá-giỏi điểm 7-8. Còn điểm 9-10 chỉ dành cho những em thật sự xuất sắc.

Đề đã làm tốt công việc vừa xét tốt nghiệp vừa làm căn cứ xét tuyển đại học. Số lượng câu hỏi không thay đổi nhưng khác ở nội dung ngữ pháp và chiều sâu tư duy đọc hiểu.

Thầy LÊ BÁ LIÊM, giáo viên môn tiếng Anh, 
Trường THPT Đào Duy Anh, TP.HCM

Bài thi tổ hợp: Môn hóa đề khó

Dù đã ôn thi tốt nghiệp nhiều năm nay nhưng bản thân tôi nhận thấy đề hóa khó hơn năm ngoái và khó hơn đề minh họa. Tuy nhiên, đề rất hay, bao quát cả chương trình lớp 12 và 11, đặc biệt ở 20 câu đầu, học sinh có thể nhận biết hiểu để lấy điểm dễ dàng. Ở những câu sau, độ khó tăng dần nhưng đây là sự chọn lọc học sinh. Nhìn chung các em thật sự tư duy mới có thể đạt được điểm cao.

 NGUYỄN THỊ THU
giáo viên Trường THPT Ngọc Hồi, Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm