Ba phương án kỳ thi THPT quốc gia: Học sinh hoang mang, chưa sẵn sàng

HS khối 12 Trường THPT tư thục Nhân Việt điền vào phiếu khảo sát chọn phương án cho kỳ thi quốc gia 2015 chiều 31-7 - Ảnh: B.H.

Chiều 31-7, ban giám hiệu Trường THPT tư thục Nhân Việt phát 200 phiếu “Đồng hành trong sinh hoạt và học tập của học sinh Nhân Việt”, trong đó có các câu hỏi dành cho HS khối 11 và 12 của trường về lựa chọn phương án cho kỳ thi quốc gia 2015. Nhà trường không yêu cầu HS ghi tên, chỉ đề nghị các em “trả lời mạnh dạn và trung thực”.

Đây là hoạt động thường kỳ của nhà trường để lấy ý kiến HS về các hoạt động học tập, nội trú, sinh hoạt, thi cử... Trước đó, khi nhà trường tổ chức sinh hoạt về những dự kiến của kỳ thi quốc gia cho toàn thể HS, phần lớn HS khối 12 tỏ ra quan tâm đến các phương án đồng thời bày tỏ bức xúc, suy nghĩ của mình về kỳ thi mới này.

"Để chọn được phương án phù hợp, Bộ GD-ĐT nên có khảo sát rộng rãi, lắng nghe ý kiến HS và dựa trên kết quả thống kê thật tỉ mỉ để lựa chọn. Gộp hai kỳ thi là mong muốn chung của xã hội nhưng cần làm có lộ trình, đừng để HS phải khổ. Riêng môn ngoại ngữ cần cân nhắc thật kỹ lưỡng"

Ông BÙI GIA HIẾU
(hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nhân Việt)

Hơn 60% không đồng tình

Ở khối 12 có 108 phiếu phát ra, trong đó có 103 phiếu điền đầy đủ thông tin. Theo kết quả khảo sát, trả lời câu hỏi: “Sau khi tham khảo ba phương án cho kỳ thi quốc gia 2015, em đã hiểu về các phương án này chưa?”, 100% phiếu trả lời “có”; 34,9% HS đồng ý và 65,1% HS không đồng ý việc gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH. Có 63,1% HS không đồng ý với một trong ba phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra, 36,9% còn lại đồng ý chọn một trong ba phương án nói trên.

Phần lớn HS (chiếm 78,6%) chọn phương án 1 (thí sinh thi bốn môn tối thiểu gồm toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn để được xét công nhận tốt nghiệp) khi được hỏi: “Phương án nào nếu bắt buộc phải chọn một trong ba phương án?”; 21,4% HS lựa chọn phương án 2 (năm bài thi tích hợp gồm toán, văn, ngoại ngữ, tự nhiên, xã hội); không HS nào lựa chọn phương án 3 (bốn bài thi tích hợp 11 môn học).

91% HS trả lời “có” khi được hỏi: “Nếu phải chọn một trong ba phương án trên thì có khó khăn cho việc học tập của em hay không?”. 70% HS cho rằng việc chọn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc là không phù hợp.

Sợ môn ngoại ngữ

Trong bảng khảo sát, nhà trường cũng dành hai câu hỏi để HS nêu ý kiến của mình, đó là “Tâm trạng của em khi nghe các thông tin về ba phương án kỳ thi quốc gia 2015?” và “Em có ý kiến nào khác về phương án thi trong năm 2015?”. Khá nhiều ý kiến không tán thành việc Bộ GD-ĐT đưa ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, bởi trình độ dạy và học môn ngoại ngữ còn chênh lệch ở các địa phương khác nhau.

Đây cũng là một kênh tham khảo cho Bộ GD-ĐT khi HS được nói lên tiếng nói về một kỳ thi sẽ quyết định “vận mệnh” của chính các em trong tương lai gần. Đặc biệt HS ở trường tư là đối tượng khá đặc thù, đến từ nhiều tỉnh thành, có mục tiêu đậu tốt nghiệp và ĐH rất cao, đa số học thiên về các môn thi ĐH.

"Các phương án mà bộ đưa ra dự kiến thực hiện trong năm 2015 khiến chúng em rất hoang mang và lo lắng. Ba năm nay chúng em đã xác định khối thi ĐH và chỉ tập trung cho những môn đó, nên khi nghe bắt buộc thi ngoại ngữ và thay đổi hình thức thi cũng giống nghe sét đánh ngang tai, làm sao trở tay kịp?"

"Nếu gộp hai kỳ thi và bắt buộc thi ngoại ngữ liệu có công bằng cho tất cả HS hay không, đặc biệt là HS các tỉnh nghèo, HS miền núi? Với những HS đã chọn khối A, B, C thì việc ôn tập môn tiếng Anh từ nay đến kỳ thi là không đủ thời gian, chắc chắn HS sẽ học nhồi nhét và không hiệu quả"

(Trích một số phần trả lời của học sinh
Trường THPT Tư thục Nhân Việt
)

Theo LƯU TRANG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm