Ảnh hưởng dịch, kỳ thi THPT sẽ thế nào?

Thông tin với báo chí ngày 3-3, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết tài liệu để các thí sinh tham khảo tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019.

Cơ hội để học sinh tự ôn tập

Theo ông Mai Văn Trinh, căn cứ diễn biến của dịch bệnh COVID-19, bộ đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020, theo đó thời điểm kết thúc năm học vào ngày 30-6. Kỳ thi THPT quốc gia năm học 2019-2020 sẽ tổ chức vào các ngày từ 23 đến 26-7.

Đây là các mốc thời gian đủ để các trường hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định và đủ cho học sinh (HS) cuối cấp ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay (HS vẫn có thời gian hơn ba tuần kể từ khi kết thúc năm học để ôn tập giống như các năm trước). 

“Công tác chuẩn bị tổ chức cho kỳ thi vẫn được Bộ GD&ĐT chủ động cùng các địa phương, các cơ sở giáo dục tiến hành như các năm trước. Các địa phương, các nhà trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học để vừa hoàn thành đúng kế hoạch năm học, vừa có đủ thời gian, nguồn lực để tổ chức tốt kỳ thi năm nay” - ông Trinh nói.

Trước những lo lắng, bất an của các HS lớp 12 trước nguy cơ hổng kiến thức vì kỳ nghỉ kéo dài, ông Trinh cho hay phương thức thi THPT quốc gia năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019, những điều chỉnh về mặt kỹ thuật cũng chỉ liên quan đến cán bộ tham gia kỳ thi, không ảnh hưởng đến thí sinh. Do đó, các thí sinh có thể yên tâm học, ôn tập và chuẩn bị sức khỏe, tâm lý tốt nhất cho kỳ thi.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng rửa tay trước khi vào lớp trong ngày đầu tiên đi học lại sau kỳ nghỉ dài. Ảnh: TÂM AN

“Việc nghỉ học do COVID-19 đã gây xáo trộn nhất định trong việc học tập của các em. Tuy nhiên, thời gian tạm nghỉ học cũng chính là cơ hội để các em tự học, ôn tập, bổ sung kiến thức cho mình. Nếu biến điều này thành cơ hội thì thực ra các em có nhiều thời gian ôn thi hơn các năm trước” - ông Trinh nói.

Đại diện Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các nhà trường, các gia đình cần có kế hoạch hỗ trợ các HS với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả để các em không bỏ phí thời gian không đến trường mà cần tận dụng thời gian này để bổ sung kiến thức còn thiếu, còn yếu và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tới.

Không công bố đề minh họa thi THPT quốc gia 2020

Về đề thi, ông Trinh cho hay do kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được giữ ổn định như năm 2019, Bộ GD&ĐT không công bố đề minh họa. Do đó, tài liệu để các thí sinh tham khảo tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019.

“Phần lớn các câu hỏi trong đề thi là kiến thức cơ bản, chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12. Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và được xếp lần lượt từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài. Theo đó, các nhà trường cần tổ chức cho giáo viên, HS tham khảo, phân tích kỹ đề thi tham khảo và đề thi chính thức năm 2019 làm cơ sở cho việc dạy học, ôn tập đạt kết quả tốt” - ông Trinh nói.

Theo ông Trinh, việc nghỉ học để phòng, chống dịch trong thời gian qua và việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch tuyển sinh chính quy năm 2020 nhưng các trường đại học, cao đẳng không bị động.

“Việc huy động giảng viên từ các trường đại học tham gia tổ chức kỳ thi cũng đã được tính đến và hoàn toàn có thể đáp ứng được theo lịch thi mới. Cũng cần nói thêm rằng, với việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác thi, tuyển sinh những năm gần đây thì công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2020 theo lịch trình mới sẽ không ảnh hưởng gì lớn đối với các trường” - ông Trinh nhấn mạnh.

Nghỉ tránh dịch COVID, sinh viên một trường được hỗ trợ gần 400 triệu

Sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu vùng xa, gặp khó khăn về tài chính khi di chuyển trong những lần thông báo nghỉ học vừa qua sẽ được xem xét hỗ trợ kinh phí.

Đó là những chính sách hỗ trợ của Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho sinh viên trong những đợt nghỉ học liên tục vừa qua do dịch COVID-19.

Theo đó, trường đang tiến hành khảo sát những sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu vùng xa, gặp khó khăn về tài chính khi di chuyển trong những lần thông báo nghỉ học vừa qua như dời hoặc hủy vé tàu, xe... Từ đó sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các em.

Trong thời gian này, nhà trường triển khai cho sinh viên học trực tuyến tại nhà thông qua hệ thống E-learning của trường. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc học tập online trong giai đoạn này, nhà trường quyết định hỗ trợ cho 7.780 sinh viên mỗi em 50.000 đồng nhằm hỗ trợ các em tăng cường dung lượng tốc độ cao trên Internet.

Nhà trường cho biết việc giảng dạy online này vẫn thực hiện theo thời khóa biểu của từng môn học và có thể thống nhất với người học để tăng cường vào những ngày nghỉ cuối tuần nhằm đảm bảo kế hoạch năm học. Tất cả giờ học online đảm bảo chất lượng đều được tính vào giờ giảng chính thức.

8 trường ĐH, trung cấp cho SV nghỉ hết tháng 3

Ngày 3-3, ba trường đại học tại TP.HCM đã quyết định cho sinh viên, học viên nghỉ học đến hết tháng 3 để phòng tránh dịch bệnh. Đó là Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường ĐH Hùng Vương.

Tại Huế, ĐH Phú Xuân cũng thông báo cho sinh viên, học viên nghỉ hết tháng 3.

Như vậy, tính đến nay cả nước đã có bảy trường đại học cho sinh viên nghỉ đến hết tháng 3. Trước đó là các trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa), ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Học viện Cán bộ TP.HCM, Trường Trung cấp quốc tế Khôi Việt (TP.HCM). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm