Ấn Độ khủng hoảng giảng viên đại học

Điều đáng nói là sự thiếu hụt này không chỉ xảy ra ở các trường đại học và cao đẳng công lập với chất lượng đào tạo thấp, mà còn với những trường đẳng cấp thế giới như Viện Công nghệ Ấn Độ (IITs) và Viện Quản lý Ấn Độ (IIMs). Đối với một quốc gia hơn một tỉ dân như Ấn Độ, sự thiếu hụt này là một hồi chuông báo động. Vậy các giảng viên đại học người Ấn, họ ở đâu?

Có một sự thật không thể chối cãi đó là giáo dục đại học của Ấn Độ đang ở giai đoạn “mục rữa”, trừ một số cơ sở đào tạo được thế giới công nhận chất lượng. Các trường đại học của Ấn Độ không đủ khả năng đào tạo ra những tiến sỹ chất lượng cao. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi IITs hay IIMs đang tìm cách lôi kéo người Ấn Độ ở nước ngoài về làm công tác giảng dạy. Nhưng liệu bao nhiêu người sẽ chấp nhận những vị trí này?

Trong khi đó, tại Bắc Mỹ hay ở Anh, không thiếu gì người Ấn Độ có bằng tiến sỹ và rất xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy. Tuy nhiên, rất ít trong số họ muốn trở về giảng dạy ở Ấn Độ, thậm chí là dạy tại IITs hay IIMs. Một câu cửa miệng của người Ấn Độ ở nước ngoài, nhất là những người trong giới học thuật thường nói với nhau, đó là “bất cứ nơi đâu trừ Ấn Độ”.

Tại sao một quốc gia rộng lớn và đông dân như Ấn Độ, nơi giáo dục rất được coi trọng lại lâm vào cảnh khủng hoảng giảng viên ngay cả ở những cơ sở đào tạo danh tiếng như vậy?

Một phần của vấn đề là chuyện lương. Theo một nghiên cứu của Philip G. Altbach từ trường đại học Boston và Jamil Salmi từ Ngân hàng Thế giới về các cơ sở giáo dục trên thế giới, thì mức lương mà giảng viên của IITs nhận được “thấp một cách lố bịch” so với mức lương mà những sinh viên tốt nghiệp IITs nhận được nếu họ làm việc trong lĩnh vực tư. Nếu so sánh với phương Tây hoặc các trường đại học đẳng cấp thế giới ở phương Đông thì mức lương mà IITs trả cho giảng viên còn thấp hơn nhiều.

Lương được cải thiện đáng kể từ khi chính phủ Ấn Độ phê chuẩn việc tăng lương trong cuộc họp của Uỷ ban Tiền lương lần thứ 6 diễn ra vào năm 2006.

Tuy nhiên, với một nền kinh tế đang phát triển nhanh như Ấn Độ thì chi phí nhà cửa, mức học phí ở các trường tư, và giá thực phẩm cũng theo đó mà leo thang.

Trong khi đó, hàng hoá và dịch vụ công của Ấn Độ, ngay cả ở những lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế chất lượng quá yếu kém dù giá rẻ. Hàng hoá và dịch vụ do tư nhân cung cấp có chất lượng tốt hơn nhưng cũng đắt đỏ gấp bội phần, vì thế lương giảng viên khó mà đáp ứng được. Đây là điều mà những người Ấn ở nước ngoài trăn trở khi họ nghĩ đến chuyện về nước dạy học.

Sự thiếu hụt giảng viên ở IITs vẫn không thể khắc phục được mặc dù IITs có trợ cấp nhà ở và chi phí sinh hoạt. Các khu học xá thường khá an toàn và có điện nước đảm bảo 24/24.

Nếu dạy ở IITs, các giảng viên sẽ được sống trong một cộng đồng lớn luôn đóng kín cổng với mức trợ cấp cao. Tuy nhiên, vị trí địa lý lại là một yếu tố. Nhiều khu học xá mới của IITs nằm ở những vùng sâu vùng xa của Ấn Độ. Có khu nằm ở chân núi Hymalayas, những khu lâu đời hơn thì nằm ở những thành phố hiện không thể sống nổi như Kanpur. IITs muốn thuê giảng viên trẻ, nhưng đâu phải giảng viên trẻ nào cũng độc thân. Họ còn có gia đình và con nhỏ. Chồng/vợ của họ sẽ làm gì và con của họ biết đi học trường nào ở những vùng như thế?

Ở Ấn Độ, nếu một đứa trẻ mười tuổi nói với cha mẹ mình rằng nó muốn sau này đi dạy học, dù là dạy ở IITs, thì rất có thể đứa trẻ đó sẽ bị ăn đòn

Song mức lương và địa điểm vẫn không hoàn toàn là những lý do khiến IITs và IIMs không tuyển đươc giảng viên. Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà chính trị, các quan chức và người dân Ấn Độ vẫn coi thường nghề dạy học. Thực tế ở Ấn Độ, nếu một đứa trẻ mười tuổi nói với cha mẹ mình rằng nó muốn sau này đi dạy học, dù là dạy ở IITs, thì rất có thể đứa trẻ đó sẽ bị ăn đòn. Năm ngoái, ông Jairam Ramesh, một sinh viên tốt nghiệp IITs và đang giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Môi trường của Ấn Độ khi đó, đã được ủng hộ nhiệt liệt khi đưa ra nhận xét rằng IITs và IIMs xuất sắc là nhờ chất lượng sinh viên chứ không phải chất lượng giảng viên. Bộ trưởng Giáo dục Kapil Sibal cũng đồng tình với ý kiến của ông Ramesh và còn nhấn mạnh rằng các cơ sở đào tạo của Ấn Độ cần cải tiến chất lượng để được “nâng hạng” trong danh sách 150 trường đại học hàng đầu thế giới. Nhưng ông Ramesh và ông Sibal không chịu thừa nhận một thực tế rằng việc IITs thiếu giảng viên và nghiên cứu viên đẳng cấp thế giới một phần cũng bởi người Ấn coi dạy học là một nghề hạng hai. Dường như các nhà lãnh đạo Ấn Độ không thấy được sự trầm trọng của cuộc khủng hoảng giảng viên đại học. Hầu như họ chỉ nói và bàn về những kế hoạch đầy tham vọng nhằm vực dậy một nền giáo dục đại học của Ấn Độ. Việc cần làm trên hết là tìm cách thay đổi cách nghĩ của người Ấn Độ về nghề dạy học, và nâng lương để có thể thu hút được giảng viên giỏi về dạy cho các trường IITs, IIMs và một vài cơ sở đào tạo có chất lượng khác của Ấn Độ. Nếu không làm được những việc này, người Ấn Độ chắc chắc sẽ thích ở lại Bắc Mỹ, Anh hay Úc để giảng dạy hơn là trở về.
Theo Bách Lâm (VNN/ Chronicle of Higher Education.)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm