"Ai nhiều tiền, người đó có sức mạnh trong quỹ phụ huynh"

- Vụ THPT là cơ quan soạn thảo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Ban này?

- Ở nhiều nơi, tổ chức này mang lại hiệu quả tốt. Nhờ sự phối hợp khăng khít giữa gia đình và nhà trường, nhiều học sinh chưa ngoan trở thành ngoan, học hành chăm chỉ hơn. Nhiều phụ huynh thông qua tổ chức này quản lý tốt các em ngoài giờ học hoặc trong kỳ nghỉ hè. Thày cô cũng được quan tâm hơn nhân dịp ngày lễ, Tết, 20/11...

Tuy nhiên, có những nơi, Ban đại diện phụ huynh có biểu hiện lệch lạc, thái quá như đứng ra quy định những khoản thu lớn, trong đó thiên về những hoạt động không được sự đồng tình cao như hỗ trợ cho hội đồng thi hay thiên về giá trị quà cáp nhân dịp 20/11. Điều này làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa cha mẹ học sinh và thày cô.

Có nơi sử dụng quỹ đúng đắn vào việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị thêm thiết bị cho lớp học nhưng cũng có nơi sử dụng không minh bạch, gây thắc mắc cho phụ huynh. Do vậy, cần chống những biểu hiện lệch lạc: thiên về việc tranh thủ về vật chất đối với thày cô, gây biến tướng quan hệ lành mạnh giữa gia đình và nhà trường.

- Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ có biện pháp nào giúp điều chỉnh những bất cập của Ban đại diện cha mẹ học sinh?

- Bộ sẽ ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh với những điểm mới như: thể chế hóa về mặt tổ chức, hoạt động, chức năng nhiệm vụ, đặc biệt là mối quan hệ phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục, quản lý học sinh. Trong đó có một số quy định cơ bản để khắc phục tình hình lập quỹ, sử dụng quỹ.

UBND tỉnh, thành phố sẽ quy định về tài chính của Ban đại diện. Ví dụ như mức huy động của cha mẹ học sinh được phép trong khung nào? Sử dụng thế nào? Quản lý ra sao? Ban đại diện phụ huynh có nguồn tài chính để hoạt động nhưng không quá lớn, huy động quá mức khiến nhân dân không đồng tình hay việc sử dụng không công khai, minh bạch.

Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn có quyền huy động những đóng góp tự nguyện của các nhà hảo tâm, các tổ chức kinh tế, xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp. Nhưng huy động này phải chuyển cho các cơ quan có chức năng quản lý. Không thể để cho cá nhân trong ban đại diện tự giữ một khoản tiền đóng góp rất lớn của phụ huynh bởi cá nhân họ có thể gặp rủi ro.

- Nhiều phụ huynh cho rằng do sợ con cái bị kỳ thị, phân biệt đối xử nên họ buộc phải đóng những khoản "tự nguyện" không mong muốn. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

- Thực tế, có người phản đối khoản thu nhưng cũng không dễ nói ra vì sợ bị đánh giá hoặc gặp những điều bất lợi. Hoặc có người khó khăn nhưng vì sĩ diện không muốn kém cạnh người khác cũng như muốn tránh chuyện ai có nhiều tiền thì tiếng nói có "sức mạnh" lớn hơn nên cũng buộc phải đóng góp.

Bởi vậy, tôi cho rằng huy động thế nào thì cũng phải nhận được sự đồng tình và phù hợp với sức đóng góp của người có hảo tâm. Trong điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có quy định phụ huynh được quyền từ chối những khoản đóng góp không tự nguyện, vượt quá khả năng kinh tế hoặc không đồng ý với việc chi tiêu.

Tuy nhiên, tâm lý sợ bị phân biệt đối xử này không thể khắc phục được ngay mà phải điều chỉnh bằng cách nói rõ với phụ huynh rằng: tham gia tự nguyện, đóng góp nhiều ít cũng tự nguyện. Dứt khoát nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử tốt nếu đóng nhiều, đối xử không tốt nếu đóng ít.

- Vậy đầu tư cho giáo dục ở nước ta đang ở mức nào?

- Kinh phí cấp cho đầu học sinh THPT 1 năm gồm cả tiền lương của thày cô, chi phí cho giảng dạy học tập và các chi phí thường xuyên khác ở nước ta bằng 1/25 của Anh và 1/20 Hàn Quốc. Như vậy, chúng ta gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Từ đó, nhiều cha mẹ học sinh tự đứng ra huy động các khoản đóng góp mua máy tính, điều hòa nhiệt độ, chi phí tiền điện… để cho con em học. Sự quan tâm đó là đáng hoan nghênh, nhưng nó phải đi liền với tự nguyện.

- Ông nghĩ sao khi một số trường lấy lý do khó khăn về cơ sở vật chất để trích quỹ phụ huynh bồi dưỡng giáo viên?

- Nếu đó chỉ là những bó hoa, buổi gặp gỡ thân mật với thày cô nhân dịp 20/11 thì lẽ nào chúng ta phản đối. Nhưng nếu thiên về vật chất, trích quỹ để tranh thủ vụ lợi thì đó là điều không chấp nhận được. Đây là điều chúng ta phải lên án vì quy định mới cũng sẽ nghiêm cấm việc làm đó.

Tiến Dũng (Theo VnExpress)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.