Ai dám bảo giới trẻ không yêu tranh Đông Hồ!

Sau khi kết thúc HK1, để hiểu sâu sắc hơn truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và các nét văn hóa truyền thống, tinh hoa dân tộc Việt, học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được sự hướng dẫn của các thầy cô giáo tổ Văn đã thực hiện chuyên đề: VANG BÓNG MỘT THỜI.
Qua chuyên đề, các em phải cảm nhận được vẻ đẹp và những giá trị đặc sắc của nghệ thuật viết thư pháp cùng những thú vui tao nhã của người xưa được miêu tả trong tập truyệnVang bóng một thời.
Trong lớp, học sinh chia ra từng nhóm (6 – 8 em) để cùng nhau thiết kế ấn phẩm văn hóa, bưu thiếp hay brochure giới thiệu về vẻ đẹp của một nét văn hóa xưa. Hoặc có thể thực hiện một đoạn phim /một tập san... nói về những tinh hoa đậm đà bản sắc văn hóa của người Việt đã từng một thời vang bóng.
Trong sản phẩm của mình, các em phải thể hiện được sự hiểu biết, sự trân trọng vẻ đẹp truyền thống, nếp sống thanh nhã của người xưa cùng những thú vui tao nhã của dân tộc cần được giữ gìn và lưu truyền... Đã hiểu nội dung, hình thức, cách thức thực hiện chuyên đề, các nhóm học sinh háo hức bắt tay triển khai công việc ở từng thành viên. 

Ấn tượng ngay từ trang bìa 

Trong hai lớp tôi dạy, có rất nhiều sản phẩm được học sinh hoàn thành tốt như: Trà đạo, Thư pháp, Thả thơ (lớp 11CL); hay Nhã phục triều Nguyễn, Áo ngũ thân (lớp 11TĐ). Nhưng tôi ấn tượng và đánh giá cao nhất tập san TRANH ĐÔNG HỒ của nhóm 3, lớp 11TĐ, do em Lai Ngọc Trâm Anh làm nhóm trưởng.
Cầm trên tay cuốn tập san đẹp mắt, dầy dặn (tới 40 trang), được trang trí tinh tế, trau chuốt từ sợi dây gai buộc gáy đến sự tỉ mỉ trong thiết kế từng trang, tôi vô cùng xúc động.
Tôi nhận ra sự thích thú, tự hào, say mê và nghiêm cẩn của các em khi nghiên cứu về tranh Đông Hồ để thực hiện chuyên đề của mình. Ngay từ trang bìa, các em đã trình bày rất đẹp và bắt mắt với nền đỏ và hàng chữ mềm mại: “Vang bóng một thời: TRANH ĐÔNG HỒ”. Nổi bật là bức tranh Em bé ôm vịt mang ý nghĩa vinh hoa – phú quý, cũng là ước nguyện ngàn đời của người Việt.
Bên trong tập san, trang nào các em cũng trình bày rất nghệ thuật; mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng trau chuốt, tỉ mỉ. Điều đó chứng tỏ, các tác giả đã dồn biết bao tâm huyết và công sức cho sản phẩm văn hóa của mình.

Điều tôi thích thú nhất: từ trang bìa đến trang cuối các em viết tay hoàn toàn. Nét chữ chưa thật mềm, đều và chuẩn như trên giấy khen nhưng rất rõ ràng và nghiêm ngắn.

Ngày nay, máy vi tính có thể giúp các em đánh máy được nhiều font, nhiều size chữ đẹp, design các trang vô vàn kiểu cách đẹp, độc và lạ. Tại sao các em lại kì công viết tay tới mấy chục trang, có trang chữ dàn đầy mặt giấy?
Ngắm những hàng chữ nắn nót, tôi hiểu các em đã bỏ ra rất nhiều sức lực và thời gian như thế nào. Có lẽ các em muốn thể hiện sự nâng niu, trân quý giá trị tinh thần dân tộc bằng chính những hàng chữ viết tay rất kì công của mình. Thật đáng quý, nhất là với giới trẻ hiện đại, luôn thích và quen với việc sử dụng công nghệ như các em.
Điều tôi ngạc nhiên nhất: cuốn tập san được làm hoàn toàn thủ công nhưng rất mỹ thuật. Những bức tranh Đông Hồ được lựa chọn đều là đỉnh cao của dòng tranh dân gian này như Đàn lợn âm dương, Vinh quy bái tổ, Hứng dừa... Xen kẽ với chữ và tranh, các em vẽ thêm hoa văn nhẹ nhàng. Tranh và hoa nổi bật trên các tông nền nhu và nhã, rất hài hòa. Có thể nói, các phần, các đoạn, các trang đều được trình bày đầy sáng tạo để làm nổi bật dụng ý nghệ thuật của nhóm. Nếu không có một trình độ mĩ thuật nhất định, chắc chắn sản phẩm của các em không thể đẹp và đáng yêu đến thế!
Điều tôi tâm đắc nhất: sự hiểu biết của học sinh về tranh Đông Hồ khá cặn kẽ và chính xác. Chắc chắn, để hoàn thành tập san này, các em đã nghiên cứu rất kĩ lưỡng, nghiêm túc và say mê. Hơn nữa, sản phẩm đã tích hợp được kiến thức của nhiều môn học: không chỉ môn Ngữ văn mà còn có Lịch sử, Địa lý, Mĩ thuật, Giáo dục công dân...
Bằng những lời thuyết minh giản dị, mộc mạc, các em trình bày nhiều nội dung khá sâu sắc: nào là lịch sử hình thành và phát triển của tranh Đông Hồ; nào là chất liệu tạo nên tranh; nào là quy trình làm tranh; nào là giá trị nghệ thuật; nào là ý nghĩa của dòng tranh này với cuộc sống người Việt xưa và nay...

Chính sự yêu mến bản sắc Việt đã không cho phép các em thực hiện chuyên đề qua loa, cẩu thả, nộp bài cho có.

Từ những điều các em trình bày, tôi nhận ra niềm tự hào, hãnh diện của các em về tranh Đông Hồ nói riêng, về tinh hoa văn hóa của dân tộc nói chung. Chính sự yêu mến bản sắc Việt đã không cho phép các em thực hiện chuyên đề qua loa, cẩu thả, nộp bài cho có. Lòng yêu nước, tự tôn dân tộc là mạch nguồn dẫn dắt các em, khiến các em phải nắn nót, trau chuốt sản phẩm từ đầu đến cuối như thế.

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
Tất nhiên, tập san của nhóm 3, lớp 11TĐ, còn đây đó những hạt sạn. Nhưng rõ ràng, với sản phẩm này, học sinh của tôi đã góp phần tô màu dân tộc thêm sáng bừng. Các em đã nối quá khứ với hiện tại, với tương lai.
Thế hệ trẻ, quả thực đã làm cho tranh Đông Hồ nói riêng, cho văn hóa truyền thống dân tộc nói chung không chỉ vang bóng một thời mà là VANG BÓNG MUÔN ĐỜI.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm