4 trường đại học tại TP.HCM sẽ tăng mạnh học phí từ năm 2021

Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM vừa thông qua Đề án Đổi mới cơ chế hoạt động của 4 trường thành viên. Các trường gồm: Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH Quốc tế.

Theo đề án, từ năm 2021, các trường sẽ thực hiện tự chủ đảm bảo chi thường xuyên.

Thay đổi đáng chú ý nhất khi thực hiện cơ chế tự chủ là học phí sẽ được điều chỉnh tăng. Dự kiến, mức tăng tại mỗi trường sẽ gấp 2-3 lần so với hiện tại để đảm bảo định mức kinh tế - kỹ thuật và chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo.

Được biết, học phí hiện tại của 4 trường được chia thành nhiều mức, tùy chương trình đào tạo.

Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế - Luật, chương trình đại trà thu trung bình 9,8 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao và chất lượng cao tiếng Pháp khoảng 27,8 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao tiếng Anh là 46,3 triệu đồng/năm; chương trình liên kết quốc tế (theo 3,5 năm) tại Việt Nam là 275 triệu đồng và 268 triệu đồng (liên kết với Trường ĐH Birmingham City)

Trường ĐH Bách khoa, mức học phí cho sinh viên chính quy đại trà, kỹ sư tài năng là 11,7 triệu đồng/năm; chương trình tiên tiến, chất lượng cao, học phí trung bình 30 triệu đồng/học kỳ; chương trình tăng cường tiếng Nhật dự kiến 50 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Công nghệ thông tin, chương trình đại trà có học phí 20 triệu đồng/năm; Chương trình chất lượng cao 35 triệu đồng/năm; Chương trình tiên tiến 40 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Quốc tế, học phí dự kiến khoảng 48 triệu đồng/năm. Riêng chương trình liên kết (chương trình du học tại các trường đối tác), giai đoạn một khoảng 56 triệu đồng/năm, giai đoạn 2 thu theo chính sách học phí của trường đối tác.

Học phí chương trình 4+0 (chương trình liên kết học tại Trường ĐH Quốc tế, nhận bằng của trường ĐH West of England) giai đoạn 1 khoảng 63-67 triệu đồng/năm, giai đoạn 2 khoảng 116 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, khi thực hiện cơ chế tự chủ, bốn trường ĐH này đã xây dựng lội trình áp dụng học phí mới từ năm 2021 đến năm 2025. Mức trung bình dự kiến từ 20,5 đến 66 triệu đồng/năm.

Khung các mức học phí dự kiến của các trường từ năm 2021

Trường ĐH Kinh tế - Luật đề xuất mức học phí dự kiến năm 2021 là 20,5 triệu đồng, tức nếu ở hệ đại trà thì mức này tăng hơn gấp đôi so với hiện tại. Các năm sau đó, mỗi năm tăng khoảng 10%. Như năm 2022 là 22,6 triệu đồng, năm 2023 là 24,8 triệu đồng và năm 2025 là 30 triệu đồng.

Tương tự, Trường ĐH Bách khoa dự kiến áp dụng học phí cho hệ chính quy năm 2021 là 25 triệu đồng; năm 2022 là 27,5 triệu đồng. Tuy nhiên, các năm 2023, 2024 và 2025, trường chỉ áp dụng một mức chung là 30 triệu đồng.

Trường ĐH Công nghệ thông tin, năm 2021 là 25 triệu đồng, tăng khoảng 5 triệu đồng so với hiện tại ở hệ đại trà. Năm 2022, học phí là 30 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2023 tăng đến 45 triệu đồng và năm 2025 là 54,4 triệu đồng.

Trường ĐH Quốc tế, năm 2021 sẽ áp dụng học phí 50 triệu đồng, tương đương học phí hiện tại cho năm học tiếp theo. Mỗi năm tiếp theo sẽ tăng khoảng 10%, như năm 2022 là 55 triệu đồng và năm 2025 là 66 triệu đồng.

Mức tăng này cũng khá cận kề vì chỉ còn một năm học nữa. Điều này cũng khiến nhiều sinh viên đang và chuẩn bị học ở những trường này lo lắng. Nhất là những sinh viên ở các tỉnh xa, vùng sâu vùng xa, chuẩn bị cho lộ trình theo học suốt những năm đại học không phải đơn giản.

Tuy nhiên, cùng với chính sách áp dụng học phí theo cơ chế mới, các trường cũng tính toán sẽ trích 8-10,8% học phí để hỗ trợ học bổng cho sinh viên. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa dự kiến chi từ 10,5 đến 10,8% học phí từng năm để chi cho học bổng, các trường còn lại chi 8% học phí.

Trước đó, như PLO đã thông tin, theo đề án tuyển sinh năm 2020 của Trường ĐH Y dược TP.HCM, năm học tới của trường sẽ dự kiến áp dụng mức học phí mới theo cơ chế tự chủ, tăng gấp 3-4 lần mức cũ.

Trong đó, mức cao nhất là ngành Răng - hàm - mặt với 70 triệu đồng/năm, kế đến là ngành Y khoa với 68 triệu đồng/năm. Học phí thấp nhất là ngành Y tế công cộng với 30 triệu đồng/năm, các ngành còn lại trung bình từ 38 đến 55 triệu đồng/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm