4 trọng tâm thực hiện Khung trình độ quốc gia

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết Khung trình độ quốc gia Việt Nam là cơ sở để phát triển các tiêu chuẩn đào tạo, phát triển chương trình và là thước đo đánh giá năng lực của người học sau khi tốt nghiệp. Từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

Khung trình độ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 10-2016 bao gồm 8 bậc: sơ cấp (ba bậc), trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Mỗi bậc học có yêu cầu về khối lượng học tập tối thiểu và miêu tả khái quát về kiến thức và kỹ năng cần đạt được.

Việc phê duyệt Khung trình độ quốc gia là một dấu mốc quan trọng để tham chiếu bằng cấp của Việt Nam với các quốc gia ASEAN thông qua khung tham chiếu trình độ (AQRF), tăng cường hội nhập trong lĩnh vực nhân lực chất lượng cao.

Bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh, đã khẳng định bốn trọng tâm thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam bao gồm tăng cường sự tham gia của nhà tuyển dụng, hài hòa giáo dục dạy nghề và giáo dục đại học, khung tham chiếu trình độ ASEAN, quản lý và đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, theo đề nghị của Bộ GD&ĐT cũng như Tổng cục Dạy nghề, Hội đồng Anh Việt Nam đã và đang thực hiện nghiên cứu khả thi để tiến tới việc thực hiện thí điểm phát triển Khung trình độ quốc gia với trọng tâm là xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành nghề thuộc bốn lĩnh vực bao gồm kế toán, xây dựng và vật liệu, dệt May và công nghệ thông tin.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định việc phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam là bước khởi đầu quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Thứ trưởng Ga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc hợp tác quốc tế để học hỏi những kinh nghiệm và cách thực hiện từ những quốc gia tiên tiến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm