2 triệu học sinh Hà Nội có thể đi học lại vào đầu tháng 5

Chiều 20-4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận, huyện, phường, xã của Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội.

Triển khai theo hướng nới lỏng

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho biết Hà Nội tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đến ngày 22-4. Tại cuộc họp của Thủ tướng với lãnh đạo TP sáng 20-4, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã kiến nghị đến Chính phủ và BCĐ phòng, chống dịch TP cũng kiến nghị với BCĐ quốc gia và Thủ tướng với nội dung: “Nếu không có ca bệnh phát sinh, không còn ổ dịch thì triển khai theo hướng nới lỏng”.

Theo đó, ông Quý cho hay bên cạnh việc triển khai các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, TP cũng tiếp tục thực hiện giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo điều kiện cho phép; tiếp tục xử lý các ổ dịch trên địa bàn, chủ động chuẩn bị phương án cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nếu dịch tiếp tục xảy ra.

Đặc biệt, về việc cho học sinh (HS) đi học trở lại, ông Quý cho biết: “Nếu tình hình tốt lên, có thể nửa đầu tháng 5 sẽ cho HS đi học. Chúng ta đã điều chỉnh kế hoạch năm học, khi điều kiện cần và đủ chúng ta cần triển khai cho HS đi học. Nội dung này TP sẽ có chỉ thị sau”.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay trường hợp bệnh nhân 188 dương tính với COVID-19 trở lại sau khi ra viện, khi nhập viện trở lại xét nghiệm lại âm tính là hiện tượng không lạ, thế giới đã xuất hiện. Các nhà khoa học cũng xác định virus này có biến thể, việc dùng các loại thuốc mới chỉ tăng cường miễn dịch, kháng thể; virus này có thể vẫn nằm trong cơ thể và tăng trở lại, hiện vẫn chưa có vaccine phòng, chống...

“Vì vậy, các trường hợp dương tính sau khi được điều trị âm tính và ra viện thì khi trở về nhà cần tổ chức cách ly tiếp 14 ngày. Việc này phải bảo đảm 100%. TP khuyến khích các trường hợp dương tính sau điều trị được về nhà nên cách ly trong 30 ngày cho an toàn” - ông nói.

BN228 tại Ninh Bình được công bố khỏi bệnh và cho ra viện vào sáng 20-4. Ảnh: HP

Không được chủ quan với Mê Linh, Thường Tín

Chủ tịch TP Hà Nội đề nghị với các trường hợp từ nước ngoài về, sau khi rời khỏi trung tâm cách ly tập trung, các địa phương tuyên truyền để các trường hợp này tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày, thậm chí khuyến khích thời gian cách ly lâu hơn.

“Từ tình hình này, nếu đến ngày 22-4, địa bàn nóng bỏng như Hà Nội nếu không phát hiện trường hợp ca nhiễm nào có thể sẽ hạ mức nguy cơ. TP sẽ có chỉ thị mới nhưng chắc chắn không gỡ hết lệnh cách ly xã hội, đặc biệt là nơi có nguy cơ cao như Mê Linh, Thường Tín... Chúng ta không thể chủ quan mà vẫn phải làm tốt công tác phòng, chống dịch, bởi việc ủ bệnh, lây nhiễm có thể kéo dài hơn 30 ngày…” - Chủ tịch TP Hà Nội nói.

Ngoài năm chợ đầu mối đang được tiến hành test nhanh COVID-19, ông Nguyễn Đức Chung cũng đồng ý triển khai test nhanh COVID-19 tại chợ đầu mối Minh Khai, chợ Phùng Khoang… “Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt việc xét nghiệm ở năm chợ đầu mối. Qua kết quả này có thể đánh giá ở các chợ đầu mối với lượng giao dịch, đi lại nhiều nhưng vẫn chưa phát hiện ca nghi ngờ là phần nào giảm bớt nguy cơ” - ông Chung nói.

Ông Chung cho rằng “không phát hiện ca nào dương tính không có nghĩa là chúng ta đã có miễn dịch cộng đồng để phòng, chống dịch tốt”, vì vậy vẫn phải cảnh giác.

Chủ tịch TP Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền để mọi người dân thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 31 của Thành ủy và Chỉ thị 05 của UBND TP.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị xử lý nghiêm với các cửa hàng không thiết yếu mở cửa trở lại, người dân không đeo khẩu trang khi ra đường; tiếp tục tăng cường kiểm tra đối với các cửa hàng ăn uống, massage, karaoke; khuyến cáo người dân không đi tập thể dục nơi công cộng… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm