Giận mất khôn, ghen mất xác

Tôi đã từng chứng kiến cảnh người ta ghen. Thật là kinh khủng. Con người – khi bị chạm vào điểm yếu nhất của mình – hẳn không còn trí khôn!

Thời này, hầu như ngày nào báo cũng có đăng bài về những vụ hành hùng, giết người vì ghen tuông. Đọc mà thất kinh, không biết lúc người ta ghen, người ta có còn là người ta không? Hay đã bị tà ma quỷ quái nhập xác rồi?

Người xưa có câu “giận mất khôn”, ngày nay đọc báo về những vụ án đó, bất giác thốt lên “ghen mất xác”. Nghe có vẻ hơi quá, nhưng không thể không nghĩ thế, vì nếu người ta “không mất xác” liệu người ta có làm thế hay không?

Xưa có người đàn bà ghen là Mê-đê (kịch cổ đại Hy Lạp) vì ghen chồng đã ruồng bỏ mình theo tự tình với công chúa mà nỡ giết chết hai đứa con thân yêu để khiến chồng phải đau khổ. Tác giả kịch bản còn đồng cảm được với Mê-đê, bởi bà vốn là một nữ tướng, có quyền phép trong tay, bỏ cả đất nước, xứ sở theo chồng. Nay chồng phản bội, bà điên cuồng trong nỗi nhục nhằn cơ khổ. Nếu chỉ giết chồng và người tình thì quá dễ, bà chọn giết hai đứa con của chồng và cũng là con mà bà đứt ruột đẻ ra.

Khi ghen, hay khi làm việc ấy, chính bà đã xát muối vào lòng mình trước. Người đau trước là bà, bởi bà là người quyết định số phận của những đứa trẻ đáng thương kia. Đương nhiên, người chồng cũng sẽ vô cùng đau khổ và hối hận về hành vi phản bội một vị nữ tướng, nhưng mà, người đau trước vẫn là bà – chủ thể của nỗi ghen hờn kinh thiên động địa ấy.

Tôi cũng có thể thông cảm với nỗi ghen hờn ấy của Mê-đê, nhưng tôi không thông cảm với hành động đó của bà. Làm sao một người mẹ có thể giết chết những đứa con chỉ vì cha của chúng không chung thủy?

Cha chúng là một chủ thể hoàn toàn độc lập với chúng. Nếu tôn trọng sự sống, người ta không thể làm như vậy. Hoặc nghĩ sẽ làm như vậy. Nhưng nếu như vậy thì thế giới đã không có chiến tranh hoặc giết chóc. Người ta nói chiến tranh và tình yêu là hai thứ dễ xảy ra nhất nhưng cũng là thứ khó dừng lại nhất. Nay có thêm cái sự ghen hờn cũng vậy.

Người ta dễ nghi ngờ và hờn ghen nhưng dừng lại thì rất khó. Lắng nghe nỗi hờn ghen trong mình, ai đã từng có những cảm xúc ấy, mới khó thở làm sao?

Đừng suy nghĩ gì hết, hãy cứ như nước dưới mặt hồ. Ảnh minh họa 

Vậy làm sao để ta có thể tỉnh táo trong nỗi ghen hờn? Mà chỉ để ghen hờn là muối mặn cho tình yêu, không để chúng là nguyên nhân gây ra tội ác hay làm tổn thương đến những người xung quanh? Phải làm sao đây?

Liệu ta có thể dừng lại như cây đứng? Liệu ta có thể không nghĩ như nước dưới hồ? Liệu ta có thể lặng câm như đất? Hay ta là lửa thiêu đốt mọi thứ mà ta nhìn thấy, ta đi qua?

Xin hãy dừng lại như cây đứng, không làm gì cả. Xem ta đang ghen vì điều gì? Hay chẳng cần xem xét mọi thứ ngay lúc ấy, chỉ cần dừng lại như cây đứng là được. Đừng suy nghĩ gì hết, hãy cứ như nước dưới mặt hồ, mặc kệ cho gió lao xao, cho mưa gào thét.

Hãy thử một lần xem, và lạ lùng thay, cơn hờn ghen ấy rồi cũng trôi qua. Dù sau đó có lúc lòng quặn thắt, nhưng, nó cũng đã trôi qua. Bởi cảm xúc, tất cả những cảm xúc đều không trường tồn, nó sinh ra rồi nó mất đi, nếu ta cố gắng “ngăn ngừa” nó hoặc “châm dầu vào lửa”.

Như một thử thách, hãy như cây đứng, như nước dưới hồ và hãy như đất lúc… ghen! Thử một lần xem nào, ngó nỗi hờn ghen đó, và không làm gì cả.

Không làm gì cả… để mặc cảm xúc ấy trôi đi… ta vẫn là ta, ghen vẫn là ghen, chẳng thể nào nhập tâm và khiến ta phải giết… chết ai… vì ghen!

                                                    (Trích Thì cứ xem nhau như người lạ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm