Giảm tác hại thuốc lá: Nhu cầu cao nhưng chưa được giải quyết

Có trên 90% người hút thuốc quan tâm đến giải pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá. Đây là thông tin mới nhất theo khảo sát trên báo điện tử VnExpress về sức khỏe cộng đồng với chủ đề “Hiểu biết của bạn về tác hại của thuốc lá” dành cho nam giới hút thuốc và trên 25 tuổi, thu hút gần 5.000 người trả lời.

Tỷ lệ cai thuốc lá thành công: Đã thấp còn tái hút

Kết quả của khảo sát cho thấy hầu hết những người hút thuốc đều nhận biết được tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe bản thân và người xung quanh, trong ngắn hạn lẫn dài hạn nhưng vẫn lựa chọn hút thuốc lá tiếp tục và tái hút sau nhiều lần cai.

Hơn 90% người hút thuốc quan tâm đến giảm tác hại của nó

Số liệu cho thấy có 27% người thú nhận cai thuốc thành công nhưng sau đó hút lại. Con số này cũng tương đối đồng nhất kết quả có được từ các chuyên gia y tế. Theo PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc - Chủ tịch Liên chi Hội Hô hấp TP.HCM cho biết, tỷ lệ cai thuốc lá thành công tại Việt Nam chỉ đạt 25% (số liệu từ điều tra của Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia - Vinacosh). Ở Mỹ, Pháp, con số này còn thấp hơn, dưới 10%. Còn theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kể từ năm 2000 cho đến nay, số người hút thuốc trên toàn cầu vẫn luôn giữ ở mức trên một tỷ người.

Cũng trong khảo sát nêu trên, hầu hết người hút thuốc đều nhận thức rõ được tác hại của khói thuốc lá, hiểu rõ mối liên hệ giữa khói thuốc lá và các căn bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, hô hấp… Khi “mắc kẹt” trong việc nhận thức đầy đủ về tác hại nhưng lại  không thể cai bỏ thuốc lá, họ tự mình tìm đến các giải pháp giảm thiểu tác hại đã được khoa học chứng minh và phổ biến trên thế giới.

Thiếu quản lý: Buôn lậu tăng theo nhu cầu

Giải pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá được sử dụng ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Đức và các nước châu Âu khác như Thụy Điển, Thụy Sỹ… chính là những sản phẩm nicotin thay thế, như: thuốc lá ngậm snus và các sản phẩm thuốc lá không khói (bao gồm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử).

Hiện những sản phẩm này đã có mặt ở thị trường Việt Nam hơn bốn năm nay thông qua đường xách tay, buôn lậu. Không chỉ mở rộng mạng lưới buôn bán trên mạng, nhiều tổ chức, cá nhân buôn lậu sẵn sàng đầu tư chi phí mặt bằng để tiếp thị, mua bán sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu lớn này.  

Nhiều hội thảo đã được tổ chức nhưng khung pháp lý vẫn chưa được ban hành

Theo thống kê của Tổng cục Quản lý Thị trường, trong năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý các vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, cigar, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng với số vụ kiểm tra là 3.422 vụ; xử lý 2.662 vụ; tịch thu, xử lý 181.898 đơn vị gồm máy vape, cây hút, điếu hút, chai tinh dầu các loại sử dụng cho thuốc lá thế hệ mới nhập lậu.

Những vụ việc phát hiện, bắt giữ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu liên tục được phát hiện ở các địa phương trên cả nước từ đầu năm 2021 và không có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điều này đang đặt ra câu hỏi vì sao tình hình buôn lậu vẫn gia tăng, đã được nhìn thấy trong nhiều năm qua, nhưng nhà nước vẫn chưa có khung pháp lý nào để xử lý nghiêm minh đối với nhóm tội phạm này.

Hiện các vụ buôn lậu thuốc lá không khói (thuốc lá thế hệ mới) chỉ đang dừng ở phạt hành chính trong khi đó, nếu buôn lậu thuốc lá điếu thì sẽ có khung chế tài rõ ràng, cụ thể có tính chất ngăn chặn những hình vi phạm tội.

Do đó, Tổng cục Quản lý Thị trường nhìn nhận việc ban hành chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới là hết sức cần thiết trong bối cảnh buôn lậu gia tăng, mặc dù các cơ quan chức năng đã không ngừng tổ chức truy quét có quy mô lớn.

Từ những thực tiễn buôn lậu cũng như kết quả nghiên cứu khảo sát của báo điện tử VnExpress có thể thấy nhu cầu tìm đến các sản phẩm giảm thiểu tác hại của người dùng vô cùng lớn. Điều này đã được chứng minh qua các vụ báo cáo bắt giữ, tịch thu và tiêu hủy mặt hàng này của các cơ quan chức năng. Mặt khác, Chính phủ cũng nhìn thấy nguy cơ buôn lậu những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này sẽ tăng cao theo thời gian nên ngay từ năm 2017, Chính phủ đã có công văn yêu cầu các bộ ngành đưa ra biện pháp quản lý các sản phẩm này để phòng chống buôn lậu. 

Gần nhất, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì dự thảo quản lý thuốc lá thế hệ mới trong một lần trả lời báo chí cho biết đã có những cập nhật về tiến độ quản lý đối với các sản phẩm này. Theo đó, cơ quan này cho biết đang tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới, đảm bảo chặt chẽ, phù hợp Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu tác hại của thuốc lá, phù hợp thông lệ quốc tế.

Theo website của Chính phủ công bố trong công văn 8750 phát hành vào tháng 10-2020, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tại văn bản số 4861/VPCP-CN và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2020. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm