Gia đình 10 người, 4 “ngẩn ngơ”, 5 không biết chữ

Ông Nguyễn Văn Tưng (76 tuổi, trú tại thôn Võ Lao, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường Bình - Trị -Thiên và bị nhiễm chất độc hóa học. 

Ông và bà Đỗ Thị Xúi (72 tuổi) nên duyên vợ chồng, sinh hạ được 8 người con. Tuy nhiên, sức khỏe giảm sút khiến ông ốm đau liên miên; đặc biệt, đôi tai bị biến chứng không thể nghe rõ, mỗi lúc trái nẳng trở giời lại đau nhức. Trong khi đó, bà Xúi bị hoại tử xương một bên chân.

Cám cảnh hơn, trong số 8 người con của ông, có tới 3 người bị bệnh, gồm người con cả mắc bệnh lạ mới mất, người con thứ ba là anh Nguyễn Văn Thêm (42 tuổi) thần kinh không ổn định, người con gái út cũng mắc bệnh tâm thần.

Anh Nguyễn Văn Thêm và chị Đỗ Thị Phượng (46 tuổi) dù đã có với nhau 5 người con nhưng đến nay vẫn chưa được đăng ký kết hôn, vì xã cho rằng hai vợ chồng “đều có vấn đề”. Cả 5 người con đã quá tuổi đến trường,  nhưng đến nay không một cháu nào biết chữ. Không những vậy, đứa con út của anh Thêm hiện cũng mắc chứng bệnh thần kinh.

10 thành viên trong gia đình, gồm 3 thế hệ sống gói gọn trong căn nhà ngói đã xuống cấp. Căn nhà nằm sát đường liên thôn, ngày càng xập xệ, cổng không có cửa. Bên trong, gia đình ông không có một món đồ gì đáng giá.

Những người có tâm đã giúp sức sửa chữa căn nhà phía sau, nhưng ông để làm nơi thờ cúng gia tiên, không dùng làm nơi sinh hoạt. Cả gia đình 10 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, tiền trợ cấp của một số thành viên và mấy đồng tiền công ít ỏi từ việc đan nón thuê.

Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Võ, cho biết gia đình ông Tưng thuộc diện khó khăn trong xã. Bản thân ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, bị nhiễm chất độc hóa học và đang hưởng trợ cấp của Nhà nước; bà Xúi hưởng chế độ người tàn tật và đứa con út của anh Thêm được trợ cấp chế độ của người tâm thần.

Về trường hợp của “vợ chồng” anh Thêm, do cả hai thần kinh không ổn định nên chưa được đăng ký kết hôn.  Đối với các con của anh chị, chính quyền địa phương đã mời các trường trên địa bàn hỗ trợ đi học, thậm chí mời các thầy về dạy phụ đạo, nhưng các cháu chỉ học được một thời gian rồi lại bỏ.

Từng vào sinh ra tử ở chiến trường nhưng ông Tưng không ngờ cuộc đời của mình lại khó khăn như hiện tại. "Tôi không cho con, cháu có được cuộc sống sung sướng thấy thẹn lòng lắm. Thân già này sắp về với thế giới bên kia nên chẳng lo cái gì nhiều, chỉ mong con cháu sau này được cơm no, áo ấm...", ông nghẹn ngào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm