Gặp tác giả bài thơ "Người con gái sông La"

Càng ít người biết, khi bài thơ ấy ra đời, tác giả chưa từng một lần nhìn thấy sông La. Cuộc đời bà cũng gặp bao trắc trở như chính sóng gió của dòng sông ấy.

Bài thơ ra đời từ... một đôi mắt

Chúng tôi gặp bà Nguyễn Phương Thúy - con gái thứ 3 của nhà phê bình văn học Hoài Chân (đồng tác giả cuốn “Thi nhân Việt Nam” cùng người anh ruột Hoài Thanh) trong một trại dưỡng lão ở Bắc Ninh. Nói về hoàn cảnh ra đời của bài thơ "Người con gái sông La", bà Thúy không còn nhớ chính xác thời gian mình làm bài thơ ấy. Bà chỉ nhớ đó là thời kỳ chiến tranh chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt, khoảng những năm 60 của thế kỷ trước. Khi ấy, bà Thúy đang là giảng viên của Nhạc viện Hà Nội. Một lần, bà vô tình đọc báo có bài viết về cô gái La Thị Tám, là thanh niên xung phong ở Hà Tĩnh. Cô gái La Thị Tám đã không quản ngại mưa bom bão đạn, đứng ra làm "hoa tiêu" chỉ đường cho xe qua.

Gặp tác giả bài thơ "Người con gái sông La" ảnh 1

Sau khi đọc bài ấy, đặc biệt là nhìn vào đôi mắt trong sáng đến rạng ngời của cô thanh niên xung phong, bà Phương Thúy đã thức trắng 1 đêm. Dường như đã có một dòng sông sôi sục chảy trong tâm hồn nữ thi sỹ này. Bài thơ ra đời sau đêm đó. Ban đầu, bài thơ có tựa đề "Cô gái sông La". Sau này, khi phổ nhạc, nhạc sỹ Doãn Nho đã đổi tên thành bài "Người con gái sông La".

Kể về bài hát này, bà Thúy vui vẻ lẩm nhẩm hát cho chúng tôi nghe: "Người con gái sông La, đôi mắt trong tựa ngọc. Đôi dòng nước sông La, xanh như trời quê ta...". Khi sáng tác bài thơ ấy, bà Thúy chưa đến sông La bao giờ, sáng tác hoàn toàn qua cảm nhận về bài viết và đôi mắt của cô gái La Thị Tám. Khi ấy, bà cũng rất mong được một lần đến với sông La nhưng chưa có điều kiện.

Mãi hơn 30 năm sau, bà Phương Thúy mới có điều kiện đến với Hà Tĩnh. Nơi bà ghé thăm và ấn tượng hơn cả chính là ngã ba Đồng Lộc - biểu tượng của tinh thần thanh niên xung phong. Đây cũng là lần đầu bà được tận mắt nhìn thấy sông La chảy. Bấy giờ bà mới thêm khẳng định cảm nhận của mình về con người nơi đây hơn 30 năm trước là không sai. Về với mảnh đất này, bà thực sự gặp được những con người hồn hậu, thuần khiết như những gì bà đã nhìn thấy trong đôi mắt của cô gái La Thị Tám.

Gặp tác giả bài thơ "Người con gái sông La" ảnh 2

Bà Nguyễn Phương Thúy

Số phận trêu ngươi

Vốn là "con nhà nòi" (bà còn có người cô ruột tên là Thúy Bắc - tác giả bài “Sợi nhớ sợi thương”) nên từ nhỏ, Phương Thúy đã sớm được bồi dưỡng tâm hồn thi ca. Bà được gia đình đưa vào học tại Nhạc viện Hà Nội và sau này được Nhạc viện giữ lại làm giảng viên.

Con nhà trí thức, lại có chút tài hoa nên Phương Thúy là "đối tượng" của nhiều chàng trai. Rồi bà cũng lên xe hoa với một vị giáo sư đầu ngành của ngành vật lý nước nhà lúc ấy. Cuộc hôn nhân ấy khiến không ít người mơ ước bởi nó như một biểu tượng của gia đình kiểu mẫu. Thế nhưng, hạnh phúc đã không thể duy trì lâu dài.

Phương Thúy gặp Tuân Nguyễn - một người đàn ông vừa thoát khỏi vòng lao lý. Tên thật của ông là Nguyễn Tuân nhưng không muốn có sự nhầm lẫn với nhà văn Nguyễn Tuân nên ông đổi bút danh thành Tuân Nguyễn. Bà lao vào tình yêu với Tuân Nguyễn, bỏ mặc sau lưng mọi lời đàm tiếu và cuộc sống nhung lụa ở Thủ đô. Cả hai đi vào Nam tìm kế sinh nhai. Bà kể, khi ấy cha bà giận lắm. Mãi về sau, khi thấy Tuân Nguyễn thực lòng yêu thương con gái và cũng là người tốt nên ông cũng nguôi dần.

Thời kỳ sống với Tuân Nguyễn là thời kỳ hạnh phúc nhất với Phương Thúy. Khi mới vào Nam, hai ông bà gặp muôn vàn khó khăn về tài chính. Tuân Nguyễn làm thơ và có nghề dịch sách từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Ông đã tự học tiếng Nga trong những năm tháng ở tù. Thế nhưng, nghề dịch không thể đủ sống cho cả hai vợ chồng. Bà Thúy phải làm thêm công việc bán sách, báo để phụ gánh lo cùng chồng. Mặc dù vất vả, khó khăn nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng này luôn ngập tràn hành phúc. 

Thế nhưng, tạo hóa dường như ghen tuông với thứ hạnh phúc nhỏ nhoi ấy của bà. Năm 1982, Tuân Nguyễn đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông. Khi ấy, Phương Thúy như mất mọi phương hướng. Bà rơi vào đau khổ tột cùng và gần như điên loạn.

Cũng may, thời gian đã làm vết thương trong bà nguôi ngoai dần. Bà lại có thể sống cùng những vần thơ và sáng tác nhiều hơn. Những sáng tác ấy bà thường dành cho người chồng quá cố của mình.

Gặp tác giả bài thơ "Người con gái sông La" ảnh 3

Vợ chồng nhà phê bình văn học Hoài Chân.

Nơi chỉ còn một nửa

Trong số những câu thơ Phương Thúy tặng Tuân Nguyễn, dường như bà ấn tượng nhất với câu "Rằng nơi sắp tới có mình em thôi". Vì thế, bà cứ nhắc đi nhắc lại câu thơ này trong buổi gặp chúng tôi.

Sau khi Tuân Nguyễn mất một thời gian, bà đã trở lại Thủ đô - trở lại với mảnh đất mà bao người thân của bà vẫn luôn sẵn lòng đón bà trở lại. Các cháu của bà đều là những người giàu có, sẵn lòng mua nhà cửa và chu cấp cho bà sống. Nhưng trăn trở mãi, bà tự nghĩ  "giờ mình già, lại nhờ các cháu, thế nào cũng có ngày đau ốm sẽ rất phiền toái"! Hơn nữa, dường như tâm hồn bị tổn thương nặng nề của bà không còn phù hợp với chốn thị thành. Bà cần một nơi yên tĩnh để tĩnh dưỡng tuổi già và thực hiện những ước mơ mà bà vẫn ấp ủ là viết hồi ký về đời mình. Và bà quyết định nhờ bạn bè tìm cách xin được vào sinh sống tại trại dưỡng lão Phật Tích - Bắc Ninh.

Từ khi vào sinh sống nơi này, tâm hồn bà như bình yên trở lại. Bà không còn quá lo nghĩ về con đường còn lại mình phải đi bởi trung tâm đã nhận sẽ lo lắng suốt đời cho bà. Bà cứ luôn miệng nhắc đến bà Ca, bà Tùng... cũng là những người phụ nữ đơn thân đang cùng sinh sống trong trại dưỡng lão. Giờ đây, nguồn vui của bà là cùng những người trong trại ngày ngày được trồng rau, tưới cỏ... trong khuôn viên của trại. Bà đang có một khoảng tĩnh lặng trước khi dành sức cho những sáng tác mới.
 
Bà Phương Thuý từng được đánh giá là cây bút nữ nhiều triển vọng của phong trào sáng tác văn học những năm 60 của thế kỷ trước. Tác phẩm của bà từng được xuất hiện trong tập "Thơ chống Mỹ cứu nước, 1965-1967". Đây là tập thơ mà những ai có bài được in đều có niềm vinh dự lớn và coi như được khẳng định vị thế thơ ca của mình. Bà cũng có bài "Xưa nay" được in trong tập sách " 200 năm kỷ niệm thi hào Nguyễn Du", NXB Khoa Học, in năm 1967-  một tập sách quý, có nhiều bài viết giá trị của nhiều tác giả, học giả nổi tiếng. 

 
Theo Hoàng Phương (GiadinhNet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm