Gánh bánh ướt gánh 4 phận mồ côi

Lúc đó mấy đứa nhỏ gần như không còn nước mắt để khóc cho thân phận côi cút, lạc lõng giữa chợ đời của mình.

Trưa, chúng tôi đến thăm bốn chị em mồ côi tại căn nhà nhỏ trên đường Lê Thị Hồng Gấm (Phan Thiết) cũng là lúc Võ Thị Quỳnh Qúy,người chị lớn vừa tan trường tranh thủ tạt chợ mua rau về. Vài phút sau lần lượt đến Quỳnh Như đang học lớp 10 rồi Quỳnh Hương học lớp 7 cũng lục tục về nhà.

Ba chị em sàn sàn nhau bắt tay vào làm bữa trưa rất nhanh dù nhà không có nồi cơm điện. Trong khi đứa em trai út Võ Lê Minh Hoàng còn gọi là Bo dù đã 10 tuổi, đẹp trai, trắng bóc, cao to nhưng lại ngờ nghệch như một đứa trẻ lên ba ngọng nghịu than đói bụng. Mâm cơm dọn ra nhưng quá trưa người cô ruột của bốn đứa nhỏ mới mệt mỏi quảy đôi gánh bánh ướt đi rã cẳng khắp hang cùng ngõ hẻm trở về. Bữa cơm của năm cô cháu chỉ có bó rau muống luộc, tô nước luộc rau được nặn một phần tư trái chanh và hai con cá đối nhỏ tí tẹo.

Bữa cơm của năm cô cháu thường chỉ có rau và nước tương.

Chị Sáu, cô ruột của bốn đứa nhỏ vừa ăn vừa chép miệng phân trần do nhà không có chảo chống dính nên hôm nào chiên cá cũng tốn dầu còn cá thì nát bét nên khó chia cho các cháu đồng đều. Để ý là thấy cá trong dĩa ba đứa chị chỉ dám gắp dè xẻn phần xương còn phần nạc ít ỏi dành hết cho đứa em út tội nghiệp.

Chị Sáu kể, anh Ba của cô làm nghề mộc lấy vợ rồi lần lượt sinh ra ba gái, một trai. Năm 2006 khi thằng Bo mới hơn 10 tháng tuổi thì mẹ nó qua đời vì căn bệnh ung thư phổi.

“Mẹ chết, thằng nhỏ khóc ngằn ngặt suốt đêm lòi cả rún”, chị Sáu nhớ lại. Khoảng một tháng sau ngày mẹ nó đi xa thì thằng Bo bị sốt màng não, liên tục co giật và sau này bị di chứng động kinh, lên tám tuổi mới bập bẹ nói được vài từ. Một mình chạy đôn chạy đáo lo cho ba đứa con gái đến trường và đứa con trai út bệnh hoạn, chưa đầy hai năm sau thì ba tụi nhỏ cũng đổ bệnh. “Anh Ba đi nhanh lắm, mới thấy mạnh khỏe đó, một tuần sau ảnh đã suy kiệt rồi mất cũng do căn bệnh ung thư phổi”, Chị Sáu gạt nước mắt kể.

Ngày anh trai hấp hối, nghe tin chị Sáu vội vã chạy qua nhà và chỉ kịp nhấc đầu lên nghe anh trăn trối nhờ nuôi bốn đứa con anh cho nên người. Lúc đó cô Sáu chưa được 30 tuổi có bạn rủ vào Sài Gòn làm công nhân may nhưng nhìn cảnh bốn đứa cháu lóc nhóc chẳng còn nơi nào nương tựa nên cô dẹp bỏ hết ý định. Lúc đầu không nghề nghiệp, tài sản vợ chồng người anh để lại chỉ có ngôi nhà dột nát, xập xệ trống hoác, cô Sáu phải đi cạy từng con sò nuôi cháu. Khổ cái là cạy sò phải theo mùa vụ nên tiền kiếm được cũng bữa đực, bữa cái. Thất nghiệp nhưng nhờ chạy đôn chạy đáo nên không lâu sau nhờ người quen cô Sáu cũng kiếm được một chân lao công làm trong siêu thị Co.opmart Phan Thiết. Có thời gian cô Sáu được trong xóm gọi là cô sáu “đụng” tức đụng đâu làm đó, ai mướn việc gì cũng làm miễn sao chiều về kiếm được ít tiền về đong gạo. Lương lao công ba cọc ba đồng trong khi ba đứa cháu gái ngày một lớn, tiền sách vở, tiền học phí rồi hàng tháng phải đưa thằng Bo vào Sài Gòn tái khám khiến cô Sáu quẩn cả người mượn đầu này, đắp đầu kia vẫn không thấm tháp gì.

Rồi cũng có người thương chịu bỏ mối bánh ướt gối đầu cho cô Sáu bán dạo nuôi cháu. Gần năm năm qua gánh bánh ướt đã gắn liền như hình với bóng oằn trên vai người phụ nữ trẻ này.

Thằng Bo đã 10 tuổi nhưng thỉnh thoảng vẫn còn ngu ngơ hỏi “Sao ba mẹ đi lâu quá không về”

Hôm nào đắt cũng kiếm được 70-80 ngàn đồng, ế lắm cũng kiếm vài ba chục ngàn đủ để rau cháo cho năm miệng ăn. Có lần thấy cô khổ quá, Quỳnh Qúy lén đi làm thêm và bày tỏ ý định nghỉ học để phụ cô nuôi các em. Đêm đó mấy cô cháu ôm nhau khóc như mưa và người phụ nữ tội nghiệp này tuyên bố đời cô đã gắn chặt vào các cháu và dù cô có ra đường ăn xin nhưng các cháu phải được học hành tới nơi tới chốn để thực hiện tròn lời gửi gắm của người anh vắn số đã trăn trối. Nói thì dễ nhưng năm ngoái Quỳnh Qúy thi đậu một trường cao đẳng ở TPHCM nhưng không có tiền nên cô đành cho cháu đăng ký học ở một trường trung cấp nghề tại Phan Thiết. Cô Sáu tâm sự, tụi nhỏ tội lắm, biết mình khổ nên hôm nào cô bán về trễ, nếu có thì ăn mì gói còn không chỉ cần luộc bó rau lên cũng qua bữa. Quần áo tụi nhỏ mặc cũng rất cẩn thận, đứa lớn để lại cho đứa nhỏ, đứa nhỏ để lại cho đứa nhỏ hơn nên cũng đỡ lo.

Bà M., người hàng xóm cho biết, lúc trước cô Sáu cũng trắng trẻo, mập mạp xinh xắn lắm. “Từ lúc nó về lo cho mấy đứa cháu mồ côi giang nắng tối ngày, đen thui thùi lùi, ốm nhom, già trước tuổi thấy mà thương đứt ruột”, bà M thương cảm. Đen, ốm nhưng nồi nào úp vung nấy thôi, cũng có khá nhiều đàn ông tối tối tới nhà nhưng rồi ai nấy cũng bỏ chạy vấp cả ngạch cửa bởi có ai mà chịu lấy để phải gánh nuôi luôn bốn đứa cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn của cô Sáu. “Em không lấy chồng đâu thiệt đó, bốn đứa con đối với em là quá đủ rồi”, cô Sáu nói vui nhưng thoáng thấy nỗi buồn ánh lên trong đôi mắt chực khóc.

Giờ mong ước lớn nhất của cô Sáu là có vài chục triệu đồng làm vốn buôn bán, có chỗ ngồi đàng hoàng, kiếm lời gởi tiết kiệm để sau này lo cho bệnh hoạn của thằng Bo. Chỉ vô số dấu răng chi chít hằn sâu trên cả hai bàn tay, cô Sáu kể, một vài tháng một lần là thằng Bo lên cơn động kinh thấy thương lắm. Có lần sợ cháu cắn trúng lưỡi, cô Sáu dùng muỗng đút vô miệng ai dè lần đó thằng Bo bị gãy cả hai cái răng. Sau này mỗi lần thấy thằng Bo bị co giật, thương quá nên cô đưa cả bàn tay vào mới ra nông nỗi để lại không biết bao nhiêu vết thẹo. “Ngày nào bốn chị em tụi nó cũng thắp nhang cầu ba mẹ phù hộ, thằng Bo giờ cũng biết quỳ lạy ba mẹ và nó thường hỏi ngu ngơ sao ba mẹ đi lâu quá mà không thấy trở về”, cô Sáu vừa kể vừa lấy tay áo lau vội nước mắt…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm