ENV đề nghị Bình Dương chấm dứt việc nuôi hổ thí điểm

Ngày 8-6, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã gửi công văn đến UBND tỉnh Bình Dương đề nghị tỉnh này, thu hồi giấy phép thí điểm nuôi hổ bảo tồn tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh và chuyển giao toàn bộ hổ tại cơ sở này đến Trung tâm cứu hộ phù hợp.

Trong công văn, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc trung tâm ENV, cho biết: Chiều ngày 4-6, xảy ra vụ hổ tấn công người tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) khiến ông Võ Thành Quới (49 tuổi, HKTT tại An Giang) bị hổ cắn đứt lìa cánh tay phải, cánh tay trái bị cắn đứt 1 nửa.

Một trong những nguyên nhân là do cơ sở vật chất, kỹ thuật không đảm bảo cho hoạt động nuôi nhốt. Khu vực nuôi nhốt hổ không bị ngăn cách riêng, lại giáp với đường đê bao nên những người tò mò có thể dễ dàng tiếp cận khu vực nuôi hổ.

Nơi xảy ra sự việc hổ tấn công người tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh.

Khu vực nuôi nhốt hổ tại khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh rất sơ sài.

Trong khi đó, các chuồng hổ chỉ có một lớp rào sắt và các mắt rào rộng, không đảm bảo an toàn cho những người đến gần khu vực này. Mặt khác, do một thời gian dài không hoạt động, các rào sắt cũng có dấu hiệu rỉ sét, không còn kiên cố và càng tăng nguy cơ xổng chuồng của hổ.

Bên cạnh đó, hoạt động nuôi bảo tồn hổ được hiểu là nuôi sinh sản và duy trì nguồn gen thuần chủng của hổ để hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học hoặc tái thả. Tuy nhiên, hoạt động nuôi nhốt tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh không đáp ứng được điều này.

Nạn nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn được theo dõi đặc biệt tại bệnh viện.

Đặc biệt, năm 2007, Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh do ông Huỳnh Văn Hai và bà Huỳnh Thị Mỹ trực tiếp quản lý đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cấp phép thí điểm nuôi hổ và nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác vì mục đích bảo tồn.

Tuy nhiên, gia đình ông Hai đã không thực hiện yêu cầu khi được cấp phép và đã bán trái phép nhiều cá thể hổ.

Đến thời điểm năm 2011, ông Hai và con trai là Huỳnh Tấn Đạt cùng một số người khác đã bán trót lọt bốn cá thể hổ chết trái phép và bị phát hiện khi đang bán trái phép cá thể hổ thứ năm.

Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh đã ngưng hoạt động từ lâu.

Sau khi hành vi vi phạm bị phát hiện, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt ông Huỳnh Văn Hai 36 tháng tù, cho hưởng án treo và Huỳnh Tấn Đạt (con ông Hai) 30 tháng tù về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Theo chi cục kiểm lâm tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh có ba nơi được cấp giấy phép nuôi hổ thí điểm là Công ty Bia Thái Bình dương - Pacific (Dĩ An), khu du lịch Thanh Cảnh (Thuận An) và khu du lịch Đại Nam (Thủ Dầu Một).

Hiện tại chỉ có khu du lịch Đại Nam là kinh doanh du lịch. Hai nơi còn lại chỉ nuôi nhốt hổ chứ không còn kinh doanh.

Cả ba nơi này đều đã để xảy ra tình trạng hổ tấn công người: 10 năm trước, con hổ ở khu du lịch Đại Nam đã sổng chuồng cắn chết một nhân viên. Năm 2016, một con hổ nuôi nhốt tại thị xã Dĩ An cũng làm nhân viên dưỡng thú tử vong. Vụ việc xảy ra ở doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh là nhẹ nhất so với hai lần trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm