Đừng để chuyện râu ria làm mình mất niềm tin

1. Ở tuổi 84, cụ Ngà trông vẫn nhanh nhẹn và khỏe mạnh. Khu phố nơi bà sinh sống có nhiều gia đình nghèo. Nhiều nhà có người thân qua đời nhưng không đủ tiền để mua quan tài, bà Ngà lại mang tơ đội nón đi vận động mọi người cùng góp sức. “Trước có một gia đình bốn người chết cháy mà nghèo quá nên không lo được. Tôi nhìn vậy, cứ thấy xót xa trong lòng, tối về không thể nào nhắm mắt ngủ được, nghĩ mình cần làm gì đó cho họ” - bà Ngà nói.

Lần mới đây nhất, bà lo ma chay cho gia đình người hàng xóm đột ngột qua đời vì bệnh. Người vợ bị tâm thần không thể chu toàn được mọi việc, bà lo hết mọi chuyện từ chiếc quan tài cho đến việc chôn cất.

Từ khi người chồng mất đi, không đành bỏ mặc người vợ, bao năm nay bà Ngà vẫn luôn lo lắng và chăm sóc như người thân trong gia đình. Mỗi tháng bà đều cấp 10 kg gạo, thường xuyên qua nhà thăm hỏi, giúp dọn dẹp nhà cửa.

Từ khi được hỗ trợ học bổng, em Trương Hoàng Kiệt hay sang nhà bà Ngà (phải) chào hỏi, líu lo kể chuyện ở lớp học. Ảnh: T.TUYỀN

2.Cứ mỗi chiều tan trường, em Trương Hoàng Kiệt (học lớp 2) lại chạy qua nhà bà Ngà, vòng tay thưa bà mới đi học về. Kiệt là một trong những em học sinh ở khu phố có hoàn cảnh khó khăn được bà Ngà cấp học bổng hai năm nay. Bà Nguyễn Thị Thanh Vân (bà ngoại của Kiệt) chia sẻ vì túng thiếu nên gia đình tính không cho Kiệt đi học, chính bà Ngà là người đã đến nhà để động viên gia đình và giúp đỡ Kiệt được đến trường. “Suốt hai năm Kiệt đi học đều do bác Ngà giúp đỡ và động viên tinh thần. Rất nhiều lần cha mẹ nó quyết định cho nó nghỉ học vì túng thiếu nhưng bác Ngà là người ngăn cản và khăng khăng không thể cho nó nghỉ học, quyết tìm mọi cách để giúp Kiệt đến trường” - bà Vân nói.

Không riêng gì Kiệt, bất cứ đứa trẻ nào ở xóm không đi học là bà Ngà lại thấy bứt rứt. Không thể yên lòng, bà đến gõ cửa nhà người quen của mình để chia sẻ tâm tư, nhờ giúp đỡ. Số tiền dành dụm được, bà chia thành từng phần học bổng để phát cho các em. Định kỳ hằng năm, tới mùa nhập học bà lại chuẩn bị cho lũ trẻ mỗi đứa hai bộ đồng phục, sách vở cùng dụng cụ học tập đến trường.

3.Để giúp đỡ được nhiều người, bà Ngà đã gửi toàn bộ số tiền mình dành dụm được từ thời còn trẻ vào ngân hàng. Số tiền lãi nhận được hằng tháng bà cất vào tủ để giúp đỡ mọi người ngay khi cần. Con cái cho đồng nào, bà cũng không ăn uống hay mua gì mà gom vào cất để dành. Bà bảo bà già rồi, không dùng chi nhiều, để tiền cho ai cần nó hơn.

Cô Thanh Vân, hàng xóm thân thiết của bà Ngà, kể có hôm đang ngồi trong nhà mà nhìn thấy chị bán ve chai bị người ta đến đòi nợ, đuổi đánh giữa đường, bà liền chạy lại hỏi chuyện rồi đứng ra giúp đỡ chị trả bớt số tiền nợ. “Có đợt tiền quyên góp không đủ, bà lại nhận làm giúp việc cho người ta để dành dụm thêm, được đồng nào hay đồng đó. Xa cỡ mấy bà cũng nhờ xe ôm chở đến đó làm cho bằng được” - bà Vân kể.

Biết bà hay giúp người, nhiều người lợi dụng lòng tốt để lấy tiền. Sau này bà biết được nhưng chọn cách im lặng. Bà bảo chút chuyện râu ria đó không thể làm bà mất niềm tin vào việc mình đang làm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm